Mặt đường biến dạng: Sốc với vệt bánh xe
Trên nhiều đoạn đường nhựa, từng vệt lún in hình bánh xe tải võng sâu cả chục centimet (cm) tạo thành những luống cày thách thức tài xế. Nắng nóng kéo dài, xe quá tải nặng hay công nghệ thi công... - đâu là thủ phạm khiến tuyến quốc lộ huyết mạch không chịu nổi áp lực của những bánh xe, ngay cả với những đoạn vừa nâng cấp, xây mới?
Càng vào sâu miền Trung, nơi nắng nóng như đổ lửa hàng tháng nay, đường càng xấu. Thậm chí trên đoạn đường láng mịn vừa thảm, những vệt lún khiến mặt đường gồ lên những làn sóng nhấp nhô.
Sình lún nặng
Để khảo sát tình trạng bất thường này, phóng viên Báo Giao thông đã khảo sát dọc tuyến QL1. Xuất phát từ Hà Nội, chỉ đến đoạn qua Ninh Bình, chúng tôi đã phát hiện một vài điểm lún hằn theo vệt bánh xe. Mặc dù đoạn đường này vừa mới được thi công và còn chưa bàn giao.
Các vết lún càng tăng lên rõ rệt hơn khi tiến sâu vào khu vực Thanh Hóa. Nhiều đoạn vừa được thảm lại nhưng đã bị lún nặng. Trên đoạn đường này, nhóm phóng viên liên tục bắt gặp xe tưới nước của nhà thầu đang hoạt động hết công suất để làm mặt nhựa giảm bớt nhiệt. Dù biết tưới nước thường xuyên sẽ gây ra những hệ lụy xấu cho lớp nhựa, nhưng theo các đơn vị này, đây đang là cách đối phó duy nhất để “cứu” những đoạn đường vừa mới trải nhựa bị lún theo vệt bánh xe. Cách làm lạ lùng này dường như cũng đang được hầu hết các nhà thầu thi công dọc tuyến QL1 qua miền Trung áp dụng.
Nhiều đoạn QL 1 bị lún theo vệt bánh xe Ảnh: Tiến Mạnh
Đến đoạn QL1 qua Diễn Châu (Nghệ An), tại Km420, có vệt lún sâu đến hơn 10cm. Các vết lún liên tiếp dồn gồ sống trâu trồi lên ở cả hai bên làn đường khiến cánh lái xe phát hoảng. Từng đoàn xe phải nối đuôi nhau, lái xe căng mắt, gồng mình điều khiển chiếc xe sao cho đi đúng vết lún, chệch ra ngoài là loạng choạng tay lái. Một người dân sống ven đường này cho biết: “Các đoạn lún chỉ vừa mới xuất hiện vào những ngày nắng nóng gay gắt tháng 5/2013 vừa qua”.
Theo khảo sát của Tổng cục ĐBVN, tình trạng lún theo vệt bánh xe xảy ra rải rác trên tuyến QL1, ở cả 3 miền từ Bắc đến Nam. Trong đó, tập trung nặng nhất là khu vực Vinh - Đông Hà. Đoạn Thanh Hóa - Thừa Thiên - Huế bị khoảng trên 70km, chiếm 13% chiều dài tuyến. Đoạn Đà Nẵng - Khánh Hòa khoảng 90km, chiếm 15% chiều dài tuyến. Với đoạn Ninh Thuận - Bình Thuận chỉ có khoảng hơn 16km bị lún, chiếm 7%. Ngoài ra, còn một số đoạn tuyến khác qua Đồng Nai, Bình Dương cũng bắt đầu xuất hiện hiện tượng hằn lún theo vệt bánh xe. |
Tại đoạn đường tránh TP Vinh (Nghệ An), có cảm giác như lớp bê tông nhựa trên mặt đường đã bị hóa dẻo và chảy nhựa, những vệt bánh xe đen bóng lún sâu 5 - 7cm chạy suốt gần 20km đến đầu cầu Bến Thủy.
Gọt sống trâu để xe không chạm gầm
Hình ảnh gây sốc nhất có lẽ là trên mặt cầu Bến Thủy 2. Đây là công trình do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) thi công và mới được đưa vào sử dụng chưa được một năm. Tuy nhiên, trên bề mặt cầu đã hình thành những vệt bánh xe sâu khoảng nửa gang tay, tạo thành những rãnh in nguyên hình bánh xe tải. Lái xe đi qua đây đều lắc đầu ngán ngẩm.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết, đến hôm nay (1/7), các đơn vị thi công đã thảm bù các vệt lún trên mặt cầu nhưng chưa tìm ra nguyên nhân vì nhà thầu đã thực hiện nghiêm quy trình và bộ tiêu chuẩn xây dựng. “Chúng tôi đã tự kiểm định, lấy mẫu qua các mũi khoan để kiểm tra chất lượng thi công nhưng mọi yếu tố kỹ thuật đều được đảm bảo”- ông Hoa nói.
Thậm chí trên tuyến Vinh - Đông Hà, một trong những đoạn đường có chất lượng tốt nhất trên tuyến QL1 và đã khai thác hơn chục năm nay, thời gian gần đây, những vệt lún bánh xe cũng xuất hiện. Nghiêm trọng nhất phải kể đến khu vực đèo Ngang và từ Vũng Áng trở vào. Các vệt lún dài hàng trăm mét, sâu chục cm, tạo thành gồ sống trâu quá cao. Tại nhiều vị trí, các đơn vị quản lý đường đã phải gọt bớt để xe con đi qua không bị chạm gầm. Trên một số đoạn, buộc phải bóc lớp bê tông nhựa đi để thảm lại…