Mang tro tàn về nhà lấy may trong lễ “xin đỏ” đầu năm
Nhiều người đến khi đống lửa đã tàn nên họ lấy cả tro lộc về nhà đổ vào bát hương hoặc bếp để lấy may trong lễ hội “xin đỏ” đầu năm ở làng An Định (Hà Đông, Hà Nội).
Một người dân đến muộn sau khi đống lửa vàng mã ở sân đình đã tàn. Bà lấy chậu hót một ít tro lộc mang về để đổ vào bát hương lấy may đầu năm.
Đã thành thông lệ, cứ từ mùng 7-11.1 âm lịch hằng năm, làng An Định (Hà Đông, Hà Nội) lại tổ chức hội làng với những tục lệ cổ từ hàng trăm năm trước. Trong đó, đặc sắc nhất là tục “xin đỏ” - xin lửa ở đình mang về nhà để lấy may.
Trong ngày cuối cùng tổ chức lễ hội (ngày rã đám hội xuân), toàn bộ vàng mã, hương… mà người dân thờ cúng ở đình từ trước Tết được mang ra giữa sân đình đốt để chia lộc cho tất cả người dân trong làng.
Khoảng 21 giờ tối 11.1 âm lịch, sau khi các cụ bô lão làm lễ trong đình xong, cụ Từ đình là người duy nhất được bước vào bên trong hậu cung để lấy lửa. Lửa được châm vào ngọn đuốc và mang ra đốt các thứ vàng mã, hương… Với quan niệm “xin lửa xin tận gốc” nên nhiều người chờ đợi xin lửa ngay trên ngọn đuốc của cụ Từ để được may mắn.
Ông Lê Như Khuê – cụ Từ đình làng An Định cho biết, lễ hội đã có từ hàng trăm năm nay. Theo quan niệm xưa, lễ hội này mong muốn mang lại may mắn cho các gia đình trong làng.
“Lộc vàng của Thánh được hóa dưới ngọn lửa. Vì vậy, người dân quan niệm rằng, xin lửa mang về nhà là xin được lộc Thánh về để có được nhiều may mắn, thịnh vượng trong năm mới. Người lớn xin lửa để làm ăn phát đạt, người già có sức khỏe, trẻ em thông minh, học giỏi hơn…”, ông Khuê chia sẻ.
Khi ngọn lửa bùng cháy ở giữa sân đình, người người lấy hương châm cháy đỏ rồi chạy thật nhanh về nhà để cắm hương lên bàn thờ. Mọi người cho rằng, nếu giữ được lửa về đến nhà thì sẽ càng may mắn trong năm mới.
Khác biệt lớn nhất ở lễ hội xin lửa là dù có rất đông người vào xin lửa nhưng không có cảnh chen lấn hay xô đẩy để lấy lửa, thậm chí, người dân trong làng còn chia lửa cho nhau. Người ở trong chia cho người ở ngoài, người ở gần lấy cho người ở xa… thể hiện tình làng nghĩa xóm thân thiện.
Thời gian lửa cháy tại sân đình chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút rồi sẽ tàn. Những người đến sau thường phải thổi than hồng lấy “lộc rơi lộc vãi”. Nhiều người mang cả tro tàn về để ở bát hương hoặc bếp, bởi theo họ, tất cả những gì của Thánh đều là lộc.
Từ khoảng 21 giờ tối 18.2 (tức 11.1 âm lịch), nhiều người dân ở làng An Định (Hà Đông, Hà Nội) tới đình làng để xin lửa đầu năm trong lễ hội “xin đỏ” của làng.
Toàn bộ vàng mã người dân cúng bái trong đình từ trước Tết được mang ra hóa ở giữa sân đình.
Mọi người lấy lửa trong cảnh trật tự, không có cảnh chen lấn hay xô đẩy như ở một số lễ hội khác.
Người dân An Định quan niệm, mang được cả lửa về nhà thì sẽ càng được may mắn trong năm mới.
Những bó hương được châm cháy từ ngọn lửa sau khi hóa vàng ở sân đình.
Bà Lê Thị Phẩm (66 tuổi) cầm hương đi xin lửa Thánh về. Bà cho biết, 2 bà cháu bà cùng đi xin lửa nhưng cháu trẻ khỏe hơn nên đã mang lửa về nhà trước.
Bà Phẩm cắm hương lên bàn thờ tổ tiên với hy vọng cả gia đình sẽ gặp may mắn trong năm mới.
Anh Trần Ngọc Hùng Dũng đến ở trọ làng An Định được 3 năm. Biết được phong tục của làng nên năm nào anh cũng tham gia lễ hội xin lửa. Anh cắm hương ở xung quanh nhà với hy vọng sẽ có nhiều may mắn.
Lễ hội xin lửa đã trở thành một phong tục lâu đời của người dân làng An Định.