Ma lai, thuốc thư và những kết cục đau lòng
Ma lai, thuốc thư và vấn nạn tự tử là hiện tượng xã hội nhức nhối, tồn tại bao đời nay trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Việc thay đổi nhận thức vốn ăn sâu vào tâm khảm của người dân nơi đây không hề đơn giản.
Có 3 vấn nạn đang gây hãi hùng ở Gia Lai, tuy rành mạch cả ba nhưng lại có mối liên quan với nhau, đó là ma lai, thư và tự tử. Gần 40 năm sống ở Gia Lai, tôi chứng kiến nhiều cái chết đau lòng như thế.
Đổ chì để... bắt ma lai
Cái chết do tự tử đầu tiên tôi chứng kiến là ở làng Tơ Tung, xã Nam, lúc ấy thuộc huyện An Khê, giờ là K’bang. Hồi ấy, tôi vừa chân ướt chân ráo lên Tây Nguyên, tham gia ngay vào đoàn điền dã, sưu tầm văn hóa dân gian do GS Tô Ngọc Thanh dẫn đầu. Ở làng Tơ Tung được mấy ngày thì vào một chiều chạng vạng, mặt trời bầm như máu, tôi bỗng thấy dân làng xôn xao, hú hét. Theo chân dân làng chạy ra ngôi nhà sàn nhỏ bên bờ suối, tôi chứng kiến một người đàn ông tự tử.
Đây là ngôi làng toàn người Bahnar. Số là hôm ấy, làng săn được con nai và theo tục lệ, từ trẻ sơ sinh đến cụ già, kể cả khách như chúng tôi, đều được chia phần đều nhau. Trong khi mọi nhà đang nổi lửa “xử” phần thịt được chia thì người đàn ông này buồn bực vì cảm thấy phần của mình ít hơn nhà khác (có thể do chia thịt bằng tay nên không đồng đều). Nghĩ mình không được tôn trọng, lẽ công bằng không được thực thi trong cộng đồng làng nên người đàn ông lẳng lặng lấy dây thắt cổ. Cái chết ấy cứ ám ảnh tôi mãi suốt những năm sau này khi nghiên cứu về đời sống đồng bào Tây Nguyên. Âm thầm và lặng lẽ, họ tự xử khi thấy mình bị tổn thương, bị coi thường.
Một nghi lễ của đồng bào thiểu số ở Gia Lai
Cái chết của cháu Ksor Sôn ở xã Ia Der, huyện Ia Grai mà báo chí vừa ồn ào lên cũng như thế. Một số người chưa hiểu rõ đầu đuôi, cho rằng Ksor Sôn chết vì không có áo mới đi học. Chúng tôi đã về tận nơi và thấy rằng chi tiết áo mới là không đúng. Nguồn cơn cái chết của cháu có thể liên quan đến hiện tượng ma lai mà chúng tôi sẽ nêu rõ trong bài viết sau.
Ma lai đang là nỗi ám ảnh ở các buôn làng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Cách đây hơn 20 năm, lúc đang đi công tác ở huyện (giờ là thị xã) Ayun Pa, tôi nhận được tin dân làng nọ kéo nhau đi bắt ma lai. Thế là đông đủ thành phần, từ huyện ủy, UBND, công an, cán bộ văn hóa, dân vận, mặt trận đến hội phụ nữ, thanh niên, nông dân… lên mấy xe U oát kéo đến làng. Xe lao thẳng ra một con suối, ở đấy cuộc xử ma lai đang chuẩn bị bắt đầu.
Thường thì người dân có 2 cách xử lý ma lai. Một là đổ chì kiểm chứng. Những ai bị quy là ma lai hoặc bị dân làng nghi trộm cắp, nói dối... đều bị thử bằng hình thức đổ chì. Chì được nấu lỏng rồi đổ vào lòng bàn tay nạn nhân. Nếu chì không ăn thủng tay hoặc nạn nhân không thấy nóng, tức là không có ma lai hoặc người đó vô tội. Cách thứ hai kinh hoàng không kém là... lặn nước, thường xảy ra ở những cuộc tranh chấp tay đôi. Hai người trong cuộc cùng lặn xuống, ai ngoi lên trước là thua cuộc. Nhưng cả kẻ thua lẫn người thắng đều... tiêu đời vì ai ngoi lên trước thì làng giết, còn nằm lại thì chết chìm.
Hôm xử ma lai ấy, dân làng chọn cách đổ chì nhưng trước khi đổ vào nạn nhân, mọi người đề nghị đổ vào già làng và thầy cúng. May mà nhờ các cán bộ can thiệp nên vụ việc dừng lại. Tuy nhiên, không phải bao giờ cũng sẵn có cán bộ để can thiệp và những cách bắt ma lai dã man như vậy vẫn cứ diễn ra.
Giết người vì thuốc thư
Ma lai thường đi kèm với thuốc thư, mà cả 2 thứ này đều là loại u u minh minh, toàn đồn thổi nhưng hậu quả mà nó gây ra là rất lớn. Nó không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản, của cải vật chất mà nguy hiểm hơn là gây những tâm lý bất ổn trong cộng đồng dân cư, xã hội. Ở Gia Lai từng có người đột nhiên nổi hứng, tuyên bố mình có... thuốc thư, muốn ai chết là thư người ấy.
Năm ngoái, ở huyện Krông Pa có một vụ giết người rất dã man vì thuốc thư. Hai người đàn ông tên là Ksor Cheo và Nay Loang đã ra tay trước, giết chết ông Kpă Phu chỉ vì sợ ông này có thuốc thư hại mình. Trước đó, Cheo còn về nhà ông Phu định giết cả nhà ông nhưng may là không thành, chỉ làm bị thương vài người. Vụ này làm chấn động dư luận ở huyện Krông Pa và vùng lân cận. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phải tổ chức ngay một đoàn công tác xuống thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa tìm hiểu sự việc và tìm giải pháp xóa bỏ thuốc thư, ma lai...
Cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt vì thuốc thư. Chẳng hạn, anh chàng nọ láu cá, tuyên bố mình có thuốc thư và bắt phụ nữ trong làng phải cho gã... ngủ, không thì bị thư cho chết. Thế mà khá nhiều phụ nữ vì sợ bị thư đã phải chấp nhận yêu cầu bệnh hoạn của gã này. Sau đó, sự việc bị lộ và chính quyền lại phải... bảo vệ gã láu cá, không thì bị chồng của các phụ nữ kia xử ngay.
Trước vấn nạn ma lai, thuốc thư, các ban, ngành của tỉnh Gia Lai đã phải vào cuộc quyết liệt. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã lập hẳn một chuyên đề nghiên cứu, xuống các huyện ăn dầm nằm dề, vừa cùng với cơ sở giải quyết các vụ việc cụ thể vừa nghiên cứu, tổng hợp tìm nguyên nhân để có những đối sách thích hợp. Nhưng có vẻ nguyên nhân vẫn rất mịt mờ, vẫn thăm thẳm như những cánh rừng hãn hữu còn sót lại ở nơi từng mệnh danh là đại ngàn này.
Sống bất an trên mảnh đất của mình Có lần tôi hỏi mấy già làng rằng có khi nào do rừng càng ngày càng trụi đi khiến môi trường sống của người Tây Nguyên thay đổi đến khốc liệt, con người cảm thấy bơ vơ, thấy thiếu tự tin khi hòa nhập đời sống thị thành? Câu trả lời gần như thế. Từ những chủ nhân của rừng, của mảnh đất sống cả hàng ngàn đời nay, giờ họ trở thành khách lạ, trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Họ ngơ ngác, lạc lõng, bất an trước núi rừng bị tàn phá. Sự bất an ấy khiến họ rất dễ manh động, rất dễ làm những việc thiếu suy nghĩ. |
Kỳ tới: Những con số hãi hùng