Lý lịch những loài cá “khủng” từng “bơi” về Sài Gòn

Những loài cá “khủng” như cá hô, cá tra dầu, cá trà sóc, cá mú thường sống ở hạ lưu sông Mê Kông và các con sông lớn ở các nước Đông Nam Á.

Lý lịch những loài cá “khủng” từng “bơi” về Sài Gòn - 1

Cá hô dài 1,5m, nặng 120kg được đánh bắt từ sông hồ Campuchia và bán cho một nhà hàng tại TP.HCM.

Cá hô: Lớn nhất trong họ cá chép

Cá hô là loài cá có kích thước lớn nhất trong họ cá chép, thường thấy sống ở các sông Mae Klong (Thái La ), Chao Phraya (Thái Lan) và Mê Kông ở Đông Nam Á. Loài cá này đang bên bờ tuyệt chủng vì bị đánh bắt để ăn.

Giống cá hô có phần đầu khá to so với thân. Tuy thuộc họ cá chép, nhưng cá hô không có râu. Người ta đã thấy có con cá hô dài tới 3m, nặng khoảng 600kg. Ở Việt Nam, thỉnh thoảng ngư dẫn vẫn đánh bắt được loại cá từ 100 - 200kg. Ở Campuchia thì cá hô được phong làm cá quốc gia.

Cá hô thường sinh sống ở những hố lớn cạnh bờ những dòng sông lớn, nhưng chúng cũng có thể bơi vào những kênh, rạch, sông nhỏ để kiếm thức ăn trong một số thời điểm. Cá hô non có thể sống ở các chi lưu nhỏ hay các đầm lầy.

Đây là một loài cá di cư. Mỗi thời kỳ trong năm, chúng lại bơi đến một nơi khác mà chúng ưa thích để tìm thức ăn hay sinh sản. Chúng di chuyển không nhanh nên thức ăn chính của chúng là các loài rong, hoa quả, chứ ít khi ăn các động vật sống. Ở sông Mê Kông, người ta thường thấy giống cá này xuất hiện vào khoảng tháng 10.

Lý lịch những loài cá “khủng” từng “bơi” về Sài Gòn - 2

Cá tra dầu nặng khoảng 200kg được một nhà hàng tại TP.HCM mua lại từ thương lái.

Cá tra dầu: Loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới

Cá tra dầu là một loài cá nước ngọt sống trong vùng hạ lưu sông Mê Kông. Với chiều dài đến 3m và trọng lượng có thể đến 300kg, cá tra dầu có thể xem là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới từng được biết đến. Cá tra dầu nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên), được xếp vào hạng mục cá có nguy cơ tiệt chủng trong tự nhiên rất cao.

Cá tra dầu có đầu to và dẹt, miệng rộng với hai râu dài ở hàm trên, vây bụng dài đến vây đuôi, vây lưng nhỏ ở phía trước. Lưng cá có màu nâu thẫm, màu ở bụng và vây nhạt hơn. Mặc dù lớn nhưng cá tra dầu chỉ ăn thực vật thủy sinh.

Trong các nước ở hạ lưu sông Mê Kông (Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam), cá tra dầu bị săn bắt nhiều nên số lượng trong tự nhiên đang giảm đi một cách đáng kể. Vì thế, Lào đã có lệnh cấm săn bắt loài cá này. Campuchia và Thái Lan hiện đã có kế hoạch cho các biện pháp tương tự. Ngoài ra, cá tra dầu được xem là động vật chỉ thị về tình trạng hệ sinh thái và thủy sản của sông Mê Kông nên được IUCN đặc biệt quan tâm.

Giới khoa học chỉ biết đến loài cá này từ năm 1930 khi nó được khám phá tại một chợ cá ở Phnom Penh (Campuchia) và cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về loài cá này.

Lý lịch những loài cá “khủng” từng “bơi” về Sài Gòn - 3

Cá mú nghệ còn sống được nuôi trong hồ kính khi đưa từ Côn Đảo về TP.HCM.

Cá mú: Bạn đồng hành của lươn biển

Cá mú hay còn gọi là cá song. Những con cá mú trưởng thành có thể dài tới 2,5m và nặng hơn 300kg. Cá mú có thể đồng hành với những loài dưới biển khác để săn mồi. Cá mú thường đi cùng với lươn biển và cá bàng chài, các loài cá này có thể ám chỉ vị trí con mồi bằng cách dùng đầu hướng về đó, giúp bạn đồng hành của chúng phát hiện con mồi.

Khi một con cá chạy trốn khỏi nhóm săn mồi, cá mú di chuyển đến nơi mà mục tiêu đang ẩn nấp. Chúng sẽ xoay thân cho đầu hạ thấp xuống, sau đó lắc đầu tới lui hướng về phía con mồi để ra hiệu cho đồng bọn. Điều này góp phần cho thấy, ngôn ngữ cử chỉ có thể tồn tại ở các loài khác chứ không giới hạn ở động vật linh trưởng.

Lý lịch những loài cá “khủng” từng “bơi” về Sài Gòn - 4

Hàng vây của một con cá mú nghệ “khủng”.

Cá trà sóc: Món ăn tuyệt vời nhưng đắt đỏ

Cá trà sóc có thể đạt chiều dài 1,5m và cân nặng 70kg, cư trú chủ yếu ở dòng chính của các con sông lớn như sông Mê Kông, sông Chao Phraya (Thái Lan), sông Mae Klong (Thái Lan) hay sông Pahang (Malaysia) và sông Perak (Malaysia). Nó được coi là một món ăn tuyệt vời nhưng đắt tiền do tình trạng khan hiếm. Đánh bắt quá mức được coi là nguyên nhân chính cho tình trạng khan hiếm của nó.

----------------------

Đón đọc kỳ tới: "Cá “khủng” vào nhà hàng: Giá bạc triệu vào lúc 0h5" ngày 2.5

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN