Lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ?

Cho rằng việc lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ tới ngày 1/1/2013 (thay vì 1/6/2011) là hợp lý, song không ít người cũng tỏ ra lo ngại khi Hội đồng quản lý Quỹ chưa hình thành, ảnh hưởng đến việc giám sát thu chi của Quỹ này.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu liên Bộ GTVT- Tài chính nghiên cứu lùi thời hạn thu Quỹ bảo trì đường bộ đến 1/1/2013. Lý do là nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nếu thu phí từ ngày 1/6 tới sẽ ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Sau khi các bộ có báo cáo, Thủ tướng sẽ quyết định thời điểm thu phí.

Gỡ khó cho DN vận tải

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, việc lùi thời hạn thu phí là cần thiết, bởi xe cá nhân hiện đã phải nộp rất nhiều loại phí. “Riêng đối với doanh nghiệp (DN) vận tải, việc lùi thời hạn thu phí trong 6 tháng là động thái rất tích cực, vì trong 6 tháng, DN vận tải giảm được khoảng 1,2 triệu đồng/xe. Đối với những DN có hàng trăm đầu xe, đó sẽ là con số không nhỏ”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam cũng cho biết, tại Hội nghị tổng kết của Hiệp hội vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng có nhiều ý kiến đề xuất lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ. Bởi năm 2012, DN vận tải phải đầu tư rất nhiều tiền, đặc biệt là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Do vậy, việc lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ cũng giúp DN vận tải có thêm thời gian chuẩn bị.

Lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ? - 1

Lùi thời hạn nộp phí bảo trì đường bộ để giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp là hết sức cần thiết (Ảnh: Như Ý)

PGS.TS Doãn Minh Tâm, nghiên cứu viên cao cấp về đường bộ cũng cho rằng, hiện nay tất cả DN vận tải đều rất khó khăn. Bất cứ động thái nào tháo gỡ khó khăn cho DN đều rất được chờ đợi. Quỹ Bảo trì đường bộ nếu thu ngay lập tức làm sẽ làm cho DN gặp rất nhiều khó khăn bởi giá điện, xăng dầu tăng.

Hơn nữa, theo quy định của Chính phủ, trước ngày 1/7, các DN vận tải cũng phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình với giá thành mỗi đầu xe gần 7 triệu đồng. Cùng lúc phải đầu tư nhiều kinh phí sẽ vừa làm các DN thêm khốn khó, vừa tác động trực tiếp tới cước vận tải, qua đó ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác.

Cần tính toán lại cách thu

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quốc Bình, dù được giãn thời hạn nộp phí bảo trì đường bộ 6 tháng vẫn chưa phải giải pháp lâu dài. Bởi các DN kinh doanh vận tải ngoài việc nộp thuế cho ngân sách còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, những đơn vị này đều đã nộp phí qua xăng dầu và nộp phí nhiều hơn xe cá nhân.

“Quan trọng nhất là DN nộp được thuế, đó là nguồn thu để xây dựng, tu bổ đường xá”, ông Bình nói và cho rằng cần tính toán, hạ mức thu phí cho DN vận tải, thậm chí miễn luôn cho đơn vị kinh doanh mới là hợp lý.

PGS.TS Doãn Minh Tâm thì cho rằng, dù Nghị định về Quỹ Bảo trì đường bộ đã ban hành, nhưng cần xem xét thêm cách thu cho hợp lý. Theo ông Tâm, không nên phân biệt xe công, xe tư. Xe nào tham gia giao thông đều phải bình đẳng.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng đặt vấn đề: “Chúng ta mới có Nghị định về Quỹ Bảo trì đường bộ, nhưng chưa có Hội đồng Quản lý Quỹ thì làm sao Quỹ này thu và hoạt động được, làm sao có cơ quan giám sát thu chi của Quỹ? Bên cạnh đó, Thông tư về mức phí đến nay vẫn chưa được ban hành”.

Ngoài ra, theo ông Hùng, đối với việc tổ chức thu phí ô-tô qua đăng kiểm, nhưng việc phải đóng phí trước khi tham gia giao thông là điều không bình thường. Đặc biệt, việc thu phí xe máy được giao cho địa phương thực hiện, trong khi nhiều địa phương đều cho rằng không đủ nhân lực để thực hiện…

Vào đầu tháng 3/2011, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn thu Quỹ Bảo trì đường bộ đến 1/1/2013, với mức thu phí năm 2013 bằng 60% mức đề nghị hiện nay để giảm bớt khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, kiến nghị này không được Bộ GTVT chấp thuận.

Theo dự thảo thông tư về Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đưa ra mức phí bảo trì với ô-tô theo 8 nhóm, mức thu 180.000 - 1,44 triệu đồng/tháng. Đối với xe máy mỗi năm 80.000 - 180.000 đồng và đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định mức thu trong khung phí trên cơ sở nghị quyết của HĐND.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Đồng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN