Lớp học nghĩa tình

Thật bất ngờ khi ở trung tâm một thành phố lớn như Đà Nẵng lại có một lớp học xóa mù chữ vẫn đêm đêm ê a tiếng tập đọc, đánh vần hòa vào tiếng xe cộ hối hả của nhịp sống phố thị. Ở lớp học này, mỗi người đều có một hoàn cảnh đặc biệt nhưng có chung một khao khát là được đến với con chữ để khỏi lạc hậu với xã hội và để thay đổi cuộc sống của chính mình.

“Học cho họ mà cứ như học cho mình”

Người gieo con chữ của lớp học đặc biệt ấy là cô Nguyễn Thị Bích, ở khu chung cư S- thuộc khối phố Thành Vinh 10 (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

“Học cho họ mà cứ như học cho mình”, là lời tâm sự của chị Bích với chúng tôi trong những ngày đầu mở lớp học chữ với vô vàn khó khăn, trắc trở. Tốt nghiệp trung cấp, chị Nguyễn Thị Bích xin làm kế toán cho một công ty dệt may tư nhân ở Đà Nẵng. Đồng lương ít ỏi không đủ sống, khi người chồng đột ngột mắc bệnh bại liệt, chị phải xin nghỉ việc để chăm sóc cho anh. Được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền P. Thọ Quang, chị được bầu làm cán bộ phụ nữ phường. Trong thời gian công tác phong trào phụ nữ chị có dịp được tiếp xúc, lăn lộn với cuộc sống của người dân địa phương nên rất thấu hiểu hoàn cảnh của họ. “Khu chung cư này chủ yếu là người thu nhập thấp sinh sống sau khi giải tỏa. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người lo bươn chải cuộc sống mưu sinh nên dở dang việc học hành. Con em họ cũng không có điều kiện được đến trường.

Cảm thông trước sự vất vả của họ nên tôi quyết định mở lớp xóa mù chữ miễn phí cho tất cả mọi người trong khu cung cư, với những ai có nhu cầu biết chữ”- chị Bích bày tỏ. Được sự giúp đỡ của chính quyền và Hội khuyến học phường, chị đã xin được một số bàn ghế hư hỏng của Trường THCS Lý Tự Trọng về tự sửa chữa để làm chỗ ngồi cho học viên. Rồi chị tự bỏ tiền túi ra mua bảng đen, phấn viết, sách vở cho lớp học xóa mù chữ. Việc có được một phòng học đàng hoàng cũng là một rào cản không nhỏ đối với chị. Lớp học của chị ở dưới tầng trệt dãy nhà S3 khu chung cư nên bị “đuổi” không biết bao nhiêu lần vì chủ dự án không cho phép sử dụng phòng vì mục đích khác.

Vậy là lớp học của chị phải “di tản” đến nhà dân. Sau đó, chị làm đơn nhờ chính quyền can thiệp và mấy tháng sau lớp học của chị mới có được một phòng học cố định. Người đến học đủ mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu vẫn là những chị em phụ nữ lớn tuổi và những trẻ em khuyết tật không có cơ hội đến trường. Thời gian đầu mới mở lớp, chị Bích gặp vô vàn khó khăn vì họ không ý thức được việc học chữ. Họ cho rằng kiếm tiền quan trọng hơn là đi học chữ. Có đêm trời mưa gió, chị lại lọ mọ mang áo mưa đến gõ cửa từng nhà gọi họ đi học. Đôi lúc gặp những ánh mắt, thái độ khó chịu từ người thân họ nhưng chị vẫn kiên trì duy trì quân số trong lớp. “Thời gian đầu tôi dạy một tuần 3 buổi nhưng thấy hiệu quả không cao vì cho họ nghỉ nhiều sẽ sinh ra tâm lý chểnh mảng việc học. Sau đó tôi quyết định dạy tất cả các ngày trong tuần để học viên có thể nhớ kỹ bài học”-chị Bích cho biết.

Lớp học nghĩa tình - 1

Lớp học của những hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: THẾ AN

Học để thay đổi cuộc đời

Sau hơn 2 năm, chị Bích đã mở được 2 lớp xóa mù chữ. Lớp đầu tiên gồm 10 người đã phổ cập văn hóa bậc tiểu học. Lớp học hiện tại có 8 học viên trong đó có 3 trẻ em khuyết tật. Ngoài dạy những môn học bổ túc văn hóa theo hệ chuẩn như Toán, Tiếng Việt..., chị còn dạy thêm những kiến thức xã hội để học viên có thể hiểu biết nhiều hơn những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Chị Hồ Thị Hoàng Yến (công nhân một công ty chế biến hải sản)- từ khi đến với lớp học xóa mù chữ đã có thể làm những phép tính tiền công lương, điều mà trước đây chị phải nhờ người thân làm hộ. Em Lê Thịnh (9 tuổi) dù bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh nhưng rất ham học và khả năng tiếp thu tốt. “Tuy em không được đến trường học nhưng em vẫn có một người cô rất nhiệt tình, rèn giũa cho em từng nét chữ. Em không còn cảm thấy mặc cảm về số phận của mình nữa. Em xem cô Bích như người mẹ thứ hai của em vậy”-Thịnh bộc bạch.

Còn chị Nguyễn Thị Hường (49 tuổi)- công nhân vệ sinh môi trường thì tâm sự: “Cô Bích vui tính lắm, lại tận tình chỉ bảo nên học rất dễ nhớ. Bây giờ mình có thể đọc báo để biết được thông tin thời sự, thị trường giá cả hằng ngày nên không còn cảm thấy bị lạc hậu nữa”. Lớp học nhân ái của cô Bích thật sự đã làm thay đổi cuộc sống của chị, từ những điều bình dị nhất. Nhiều phụ nữ lớn tuổi lần đầu tiên đến lớp với thái độ e dè, mắc cỡ nhưng bằng sự động viên, quan tâm tận tình của cô Bích nên họ đã vượt qua gánh nặng tâm lý để đến với con chữ. Sau mỗi đợt kiểm tra hay “thi” cuối kỳ chị Bích đều có những món quà nho nhỏ dành tặng cho những học viên nào có thành tích tốt, đó cũng là cách để họ có thêm hứng thú, động lực hơn cho việc học.


Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thế An (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN