Lời hẹn "Tết ấm" chìm sâu trong lòng biển lạnh

Đã 6 ngày trôi qua, tung tích các nạn nhân bị đắm tàu vẫn chưa thấy. Tại những xóm nghèo xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, gia đình các nạn nhân mất tích vẫn đau đáu ngóng về biển khơi mong tin người thân...

Lời hẹn "Tết ấm" chìm sâu trong lòng biển lạnh - 1

Bà Hương và người thân khóc thương anh Trí, anh Huỳnh

Chuyến ra khơi hãi hùng

Được cứu sống và đưa trở về nhà từ ngày 30/11, anh Hồ Vĩnh Lai (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu), một trong những nạn nhân sống sót trong vụ chìm tàu cá đã tĩnh tâm hơn, sức khỏe tạm ổn. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến chuyến ra khơi hãi hùng ấy, nước mắt  anh lại trào ra, nỗi ám ảnh hiển hiện trên khuôn mặt nhăn nhúm.

Anh Lai kể, lúc đó khoảng 4 - 5h ngày  28/11, tàu đang ở vùng biển Hà Tĩnh thì gặp gió lớn, trời đổ mưa, một cột lưới bị gãy rồi rơi xuống biển. Thấy tàu nghiêng dần rồi chìm, 10 thuyền viên trên tàu bèn hô nhau nhảy xuống biển, họ chỉ kịp vớ hai chiếc ao phao và một tấm xốp rộng hơn 2m. Ở dưới biển gió giật mạnh, sóng cao lạnh giá, mọi người bơi vòng quanh, bấu víu vào tấm xốp để cầm cự, còn hai chiếc áo phao thì ai có dấu hiệu kiệt sức được mặc để tiếp sức. Nhưng rồi trước đại dương mênh mông, hung dữ, 8 thuyền viên đã lần lượt kiệt sức, buông tay và chìm xuống đáy biển.  

Hiện nay, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của chính quyền địa phương đã ra vị trí tàu bị nạn để tìm kiếm các nạn nhân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy các nạn nhân còn lại.

“Người đầu tiên cởi áo phao, buông tay chấp nhận cái chết là em Khiêm (SN 1998 ở xóm Tân An, xã An Hòa), sau đó là Thế, em ruột tôi (SN 1985, xóm Hồng Phong, xã An Hòa). Nó ra đi ngay trước mặt mà tôi không cứu được”, anh Lai nấc nghẹn. 

Mọi người cứ lần lượt buông tay ra đi như thế, đến khi chỉ còn anh Lai và anh Hà (SN 1997 ở xóm Hồng Phong, xã An Hòa) là còn bám được vào phao. Đến chiều 29/11, sau khoảng hơn chục giờ vật lộn với biển khơi, hai anh được tàu QB 92287 TS của thuyền trưởng Nguyễn Trung Thành vớt và đưa lên thuyền cấp cứu, rồi được đưa vào bờ.

Chỉ tại cái nghèo

Trong số những người gặp nạn thì hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Trí (SN 1982 ở xóm Tân An, xã An Hòa) thương tâm hơn cả vì có hai nạn nhân mất tích trong vụ đắm tàu là Trí và người em tên Nguyễn Văn Huỳnh (23 tuổi). Cả hai anh em đều chưa lập gia đình. Do nhà đông anh em, sống chủ yếu bằng nghề làm mắm, vất vả mà vẫn không đủ ăn, bố mất cách đây mấy năm vì bệnh ung thư, thương mẹ vất vả, anh Trí và Huỳnh đã vay mượn tiền để đóng tàu ra khơi đánh bắt cá. Trong căn nhà cấp bốn tồi tàn, dột nát, bà Nguyễn Thị Hương (58 tuổi) không ngớt gọi tên hai đứa con thân thương.

  Bà Nguyễn Thị Định, dì của anh Nguyễn Văn Trí tâm sự: Trí là đứa ngoan ngoãn, biết giúp đỡ gia đình. Từ ngày bố nó mất, nó luôn cố gắng thay bố làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Biết mẹ khổ nên nó đã quyết định vay mượn tiền để đóng tàu. Chuyến trước đi thuận buồm xuôi gió, chuyến này là chuyến thứ hai, ai ngờ...”. 

Bà Hương nghẹn ngào cho biết, trước ngày ra khơi, hai anh còn dặn mẹ ở nhà chờ thắng lợi, đánh bắt thành công, thuyền đầy tôm cá trở về lấy tiền trả bớt nợ, để mẹ con có một cái Tết đầm ấm hơn. “Tết sắp đến rồi, mà các con còn lạnh lẽo nơi nào, con ơi”, bà Hương khóc ngất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Ngọc - Văn Lộc (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN