Metro số 1 đối diện loạt vướng mắc trước thời hạn về đích

Hoàn thành hơn 98% nhưng tuyến metro đầu tiên ở TP HCM đang gặp nhiều vướng mắc do tranh chấp, đòi chi phí phát sinh gần 4.000 tỷ, bất đồng quan điểm từ nhà thầu.

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, kết nối trung tâm thành phố về cửa ngõ phía Đông. Toàn tuyến có 11 ga trên cao và 3 ga ngầm.

Sau 12 năm khởi công, nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành, công trình đang được đặt mục tiêu khai thác thương mại vào quý 4 năm nay. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR - chủ đầu tư), dự án phát sinh nhiều khó khăn, chủ yếu là các vấn đề liên quan tới nhà thầu.

Nhà thầu khiếu nại đòi thêm gần 4.000 tỷ đồng

Vướng mắc lớn hiện nay liên quan tới gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng). Gói thầu này do Công ty Hitachi (Nhật Bản) phụ trách, trị giá gần 13.250 tỷ đồng (gồm cả dự phòng), thời gian thực hiện từ tháng 8/2013 đến tháng 4/2018. Do quá trình triển khai tuyến metro bị kéo dài, Hitachi yêu cầu tính thêm chi phí cho việc gia hạn. Đến nay, tổng số tiền phát sinh nhà thầu trên đưa ra khoảng 23,721 tỷ yen (gần 4.000 tỷ đồng).

Tàu Metro số 1 chạy thử đoạn qua trung tâm TP HCM, tháng 8/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Tàu Metro số 1 chạy thử đoạn qua trung tâm TP HCM, tháng 8/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài Hitachi, tại dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên cũng đã hình thành hai vụ kiện tranh chấp khác giữa chủ đầu tư và liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC - tổng thầu gói số 2). Ngoài ra, còn khoảng 300 khiếu nại từ các nhà thầu khác.

Việc giải quyết những tranh chấp trên được xem là khó khăn lớn, vượt thẩm quyền của chủ đầu tư. Trong đó, với gói thầu số 3, MAUR cho biết Hitachi được hưởng quyền kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng (Extension of Time - EoT) nếu việc chậm tiến độ do lỗi của chủ đầu tư. Ngược lại, họ phải bồi thường nếu sự chậm trễ do mình gây ra.

Theo MAUR, các điều kiện và đòi hỏi từ Hitachi chưa đủ pháp lý để giải quyết. Chi phí phát sinh do nhà thầu tính toán cũng chưa phản ánh được những chậm trễ từ phía đơn vị này gây ra. Để sớm tháo gỡ vướng mắc, chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu thành lập Ban xử lý tranh chấp (DAB), thúc đẩy tiến độ gói thầu số 3 cũng như công tác đào tạo, chuẩn bị khai thác thử toàn tuyến.

Chậm đào tạo nhân sự vận hành metro

Bộ máy nhân sự vận hành Metro số 1 cần hơn 700 người. Trong đó, gần 400 nhân sự thuộc các bộ phận lái tàu, nhân viên nhà ga, kỹ thuật viên điều độ... Tuy nhiên, thời gian đào tạo nhân sự vận hành metro bị kéo dài do các nhà thầu và tư vấn chung chậm thống nhất trong cách thức bàn giao thiết bị, đoàn tàu để học viên được tham gia thực hành.

Bên trong ga ngầm Bến Thành, một trong các nhà ga của Metro số 1, tháng 5/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bên trong ga ngầm Bến Thành, một trong các nhà ga của Metro số 1, tháng 5/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo chủ đầu tư, đội ngũ nhân sự vận hành Metro số 1 sau khi đào tạo phần lý thuyết, mô phỏng, đến giai đoạn học thực tế trên các đoàn tàu và tiếp cận thiết bị của dự án bị chậm so với kế hoạch.

Quá trình đào tạo ban đầu dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6, sau đó chuyển sang giai đoạn vận hành thử (Trial-Run), thực hiện bởi các nhân sự nêu trên. Đây cũng là bước thử cuối cùng tiến hành đồng thời với quy trình đánh giá, cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án. Tuy nhiên, việc chậm thống nhất giữa các bên khiến thời gian đào tạo và Trial-Run hiện dự tính phải lùi thêm hai tháng.

Lý do chính dẫn tới vướng mắc trên là quá trình đào tạo thực hành cần sử dụng chung và sớm hạ tầng, thiết bị... của các gói thầu xây dựng và thiết bị. Vấn đề này đến nay vẫn chưa hoàn toàn được thống nhất, dù trước đó chủ đầu tư cho rằng để thúc đẩy tiến độ chung của dự án cần sự thông hiểu giữa các bên, như đơn vị nào sử dụng sớm hạ tầng, thiết bị sẽ chịu chi phí bảo dưỡng và đền bù thiệt hại, hư hỏng do mình gây ra.

Chậm phối hợp để chuẩn bị nghiệm thu

Sự mâu thuẫn giữa các nhà thầu còn gây khó khăn cho việc chuẩn bị nghiệm thu, đánh giá an toàn hệ thống. Theo đó, một số hạng mục thuộc gói thầu số 3 thuộc phạm vi nhà ga của các đơn vị thi công xây lắp như chiếu sáng, biển hiệu... cần hoàn thành để đáp ứng yêu cầu nghiệm thu. Các nhà thầu này đã đề nghị Hitachi phối hợp hoàn thiện các hạng mục nhỏ nêu trên, song chưa được phối hợp đồng bộ. Ngoài ra, một số phần việc khác cùng cần phối hợp chặt chẽ giữa các nhà thầu với nhau nhưng gặp khó khăn, ảnh hưởng tiến độ.

Lộ trình tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Đồ họa: Khánh Hoàng

Lộ trình tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Đồ họa: Khánh Hoàng

Trả lời báo chí chiều 6/6, chủ đầu tư cho biết những vướng mắc trên đang được các bên liên quan tập trung giải quyết. Theo MAUR, Metro số 1 là dự án áp dụng mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC. Theo hợp đồng này, nhà thầu có quyền đòi hỏi chi phí nếu quá trình thi công có khác biệt với thông tin khảo sát ban đầu, hoặc kế hoạch thực hiện có thay đổi gây bất lợi cho họ.

Việc khiếu nại ở những dự án áp dụng hợp đồng FIDIC, theo chủ đầu tư là phổ biến trên thế giới. Riêng tuyến Metro số 1, việc khiếu nại đã xảy ra ở tất cả các gói thầu của dự án trong suốt quá trình triển khai. Theo quy định ở hợp đồng, tư vấn NJPT trong vai trò đại diện chủ đầu tư sẽ xem xét tính hợp lý các khiếu nại, nhưng hiện đa số các nội dung này đều bị tư vấn bác bỏ vì không đủ pháp lý. Tuy vậy, trường hợp chưa thống nhất, nhà thầu vẫn có thể đề nghị lập Ban xử lý tranh chấp, hoặc đưa ra trọng tài thương mại để xem xét.

MAUR cũng khẳng định quá trình triển khai Metro số 1, đối với những khiếu nại và chi phí phát sinh hợp lý đều đã giải quyết và thanh toán cho nhà thầu. Việc xử lý các khiếu nại diễn ra song song với quá trình triển khai dự án, do đó công tác thi công tuyến metro vẫn đang thực hiện theo tiến độ đã thống nhất với các nhà thầu và tư vấn của Nhật Bản.

Trong công hàm gửi Chủ tịch UBND TP HCM hôm 2/5, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nêu quan điểm Chính phủ Nhật Bản, nhà tài trợ JICA và các nhà thầu sẽ hoàn thành thi công tuyến metro trong năm 2024.

Theo kế hoạch, hết tháng 7 nhà thầu sẽ hoàn tất thử nghiệm liên động (ITC) cho dự án. Tiếp đến, tháng 8-9 sẽ triển khai đào tạo nhân sự và chuyển qua giai đoạn khai thác thử (Trial-Run) trong hai tháng sau đó. Đến tháng 12, dự án sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam để nghiệm thu, thẩm định, cấp chứng nhận an toàn hệ thống.

Sau công hàm trên, chủ đầu tư cho biết đã trao đổi với các nhà thầu, đặc biệt là Hitachi để tiếp nhận sớm một phần thiết bị, đoàn tàu, phục vụ tư vấn NJPT triển khai đào tạo thực tế. Hôm 7/6, kỹ thuật viên lái tàu Metro số 1 đã được tiếp cận và thực hành trên thiết bị mô phỏng buồng lái đoàn tàu, tại khu vực depot Long Bình. "Đây là bước đào tạo quan trọng trước khi chuyển qua thực hành trực tiếp trên các đoàn tàu thuộc dự án", đại diện MAUR cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Dự án tuyến metro số 1 TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn “chạy nước rút” để hoàn thành thì tiếp tục phát sinh các vướng mắc mới từ phía nhà thầu, tư vấn khiến cho mục tiêu đưa dự án vào vận hành thương mại từ cuối năm nay càng thách thức hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Minh ([Tên nguồn])
Công trình giao thông trọng điểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN