Lênh đênh đời cửu vạn vùng biên

Những người đàn ông cơ bắp ngồi thẫn thờ trên thuyền, thả nỗi buồn theo sóng nước mênh mông. Họ là những người dân làm nghề cửu vạn ở cửa khẩu Ka Long, và Lục Lầm, TP Móng Cái.

Tha hương mưu sinh

Anh Nguyễn Văn Quang quê ở huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, đã 9 năm nay để lại vợ con ở quê nhà, ra TP Móng Cái tìm kế mưu sinh. Khi còn ở quê, anh Quang làm nghề lái đò, khách khứa thưa vắng, thu nhập không đủ nuôi sống gia đình.

Sẵn có anh bạn làm bốc vác hàng thuê ở TP Móng Cái, trong một dịp về quê đã rủ anh Quang đi làm ăn cùng. Do cái đói bủa vây, chàng lực điền đó đã mang trong mình biết bao hy vọng về một miền đất hứa -TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, với ước mong sẽ thoát được cái nghèo.

Khi mới ra đi, anh cùng với một nhóm bạn đồng hương thuê trọ tại một căn phòng tồi tàn, nằm sát cảng cho tiết kiệm. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có điểm chung là bị cái nghèo, cái đói bám riết mà đành rứt áo tha hương tìm công việc mới. Anh Quang cùng những người bạn của mình xin được chân bốc vác hàng thuê dưới bến sông Ka Long.

Lênh đênh đời cửu vạn vùng biên - 1

Hàng trăm chiếc thuyền có nguy cơ thành sắt vụn

Giai đoạn đầu, công việc nhiều nên thu nhập cũng khá, hàng tháng trừ chi phí sinh hoạt họ cũng để dành được chút ít gửi về quê nuôi gia đình. Là người chăm chỉ, khỏe mạnh, hơn nữa trước kia lại từng biết lái đò, anh Quang nhanh chóng được chủ đò sắp xếp công việc mới với thu nhập cao hơn, ổn định hơn.

Bằng quyết tâm vươn lên thoát nghèo, sau bao tháng ngày dành dụm, tích cóp, cộng với số tài sản của gia đình ở quê mang ra thế chấp ngân hàng, đến cuối năm 2011, anh Quang đã sắm cho mình được 2 chiếc đò dùng để vận chuyển hàng thuê trị giá 400 triệu đồng. Niềm vui chưa kịp đến thì nỗi buồn, sự lo lắng đã ùa về với anh Quang cũng như biết bao chủ đò nơi vùng biên này.

Sự lo lắng, bất an ấy bắt đầu xuất hiện khi cuối tháng 3/2012, thông tin "cấm biên"- một cách gọi của người dân Móng Cái về việc phía Trung Quốc thắt chặt việc kiểm tra hàng tiểu ngạch, trong đó phần lớn là hàng tạm nhập, tái xuất.

Trắc trở

Cửa khẩu Ka Long, Lục Lầm- hai cửa khẩu chính tại TP Móng Cái, thường ngày có trên 2.000 thuyền đò của cư dân hoạt động liên tục, mà thời gian này vắng tanh như cảnh "chợ chiều", chỉ còn lác đác một vài thuyền đò có việc cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Với số lượng trên, mỗi thuyền có 2 người làm việc, tính nhanh, riêng đội quân cửu vạn "sông nước" cũng đã lên tới trên 4.000 lao động. Sự ảm đạm còn có thể nhận thấy rõ ở hệ thống cảng xuất nhập khẩu của TP Móng Cái, với sự sụt giảm số lượng container từ trên 5.000 container vào tháng cao điểm xuống còn vài trăm container/tháng vào thời điểm hiện tại.

Lênh đênh đời cửu vạn vùng biên - 2

Không có việc, đội quân "sông nước" đành phải chờ đợi

Sự vắng lặng trên dòng Ka Long cũng kéo theo sự kém sôi động của hoạt động kinh tế nơi đây. TP Móng Cái như “buồn” hơn từ ngày "cấm biên". Anh Trần Văn Tuấn, quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, chủ của 4 chiếc thuyền đò với trên 10 nhân công tâm sự: “Buồn lắm anh ạ! Bao nhiêu vốn liếng mấy anh em đã đổ cả vào đây, vừa rồi để đóng mới thêm một chiếc thuyền chúng em đã phải vay mượn và cầm cố tài sản ở quê rồi".

Giờ tạm dừng việc nhập hàng, tái xuất, các chủ hàng không xuất được hàng, những người làm nghề thuyền đò như anh Tuấn không có việc làm đành tạm thời "ngồi chơi xơi nước".

Trong khi đó nợ lãi ngân hàng thì vẫn phải trả, rồi tiền bến bãi, bảo dưỡng, thuê người trông coi thuyền đò... Để giảm chi phí, anh Tuấn đành phải cho 8 nhân công làm thuê nghỉ việc. Tội cho họ lắm vì họ cũng tha hương cầu thực như mình mà, nhưng chẳng còn cách nào nữa anh ạ! Bọn em chỉ mong tình hình sớm ổn định trở lại, công việc đều đều là niềm hạnh phúc rồi", anh Tuấn chia sẻ.

Trong khi các nhà quản lý còn đang tranh cãi về việc có làm hay cho nghỉ hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái thì những chủ thuyền đò như anh Quang, anh Tuấn và người lao động trên thuyền đang phải gồng mình tìm mọi cách để duy trì công việc, bảo đảm cuộc sống.

Đường về còn xa

Có một thực tế đáng buồn là nếu việc hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất bị dừng lại không chỉ hơn 4.000 lao động trên thuyền đò sẽ mất việc mà hàng vạn lao động trên địa bàn TP đang có công việc ổn định, thu nhập khá sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Đây là vấn đề xã hội hết sức nan giải khiến lãnh đạo TP Móng Cái lo lắng trong việc giải quyết bài toán việc làm cho hàng vạn lao động. Từ khi hoạt động kinh doanh bớt sôi động thì cũng là lúc các vấn đề về an ninh, trật tự bắt đầu trở nên phức tạp.

Tại dãy nhà trọ tồi tàn ở phường Ka Long của anh Đỗ Hữu Mười, một người làm thuê trên thuyền đò ở bến Ka Long, quê ở Tiên Lãng, TP Hải Phòng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều thanh niên nghèo với vẻ mặt phờ phạc, hốc hác đầy chán chường mệt mỏi đang đứng, ngồi la liệt tại đây. Hỏi ra mới biết tất cả họ đều là những người lao động làm thuê trên các thuyền đò, mấy tháng nay do không có việc họ đành "vật vờ" để chờ đợi.

Một số người do không còn tiền cho chi trả sinh hoạt đã phải về quê, cũng có vài người vì đói quá đành chấp nhận đi mang hàng cấm cho những đầu nậu dù biết việc đó là rất nguy hiểm.

Bữa cơm ngày "cấm biên" của họ, trên mâm chỉ có đĩa rau, dăm miếng đậu với một ít cá vụn. Tôi hỏi, làm việc nặng nhọc như các anh ăn uống thế này sao mà có sức, anh Mười buồn bã cho biết: "Biết làm sao được hả các chú, mọi khi công việc trôi chảy, bữa cơm của chúng tôi cũng tươm tất lắm. Hơn hai tháng nay công việc hầu như không có, thu nhập chẳng thể đủ chi trả sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi đành phải triệt để tiết kiệm thôi, chỉ mong tình hình sớm suôn sẻ để chúng tôi lại có việc đều đều, có thu nhập để phụ giúp gia đình".

Ông Nguyễn Hữu Quân, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, chủ của 10 chiếc thuyền đò với hơn 20 nhân công ngán ngẩm cho biết: "Đau đớn lắm các anh ạ! Nhìn một đống tài sản nằm bất động trên bãi để nước làm cho hoen gỉ tôi như đứt từng khúc ruột. Cả đời lặn lội tích cóp mới có được, đến nay cứ tình hình này thuyền đò của tôi chắc có nguy cơ làm sắt vụn mất".

Đối với những người làm nghề như ông Quân, việc cấm biên không có gì là xa lạ, nhưng kéo dài như thời gian này thì quả là lần đầu. Để đóng mới một chiếc thuyền có trọng tải 8 tấn chi phí cũng mất trên 200 triệu đồng.

Giờ thuyền không có, việc những người chủ đò vẫn phải trang trải tiền nhân công, tiền bảo dưỡng, chi phí hàng tháng có khi lên đến cả chục triệu đồng. Tình cảnh của họ thật nan giải, bây giờ có bán hết thuyền cũng chẳng có ai mua. Muốn về quê thì cũng chẳng xong vì ruộng vườn ở quê nhà đã đem cầm cố, còn đâu nữa mà làm...

Không biết rồi đây những người lao động mưu sinh trên dòng Ka Long sẽ ra sao hay lại cũng lênh đênh phiêu bạt như sông nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Thắng (Pháp Luật & Xã Hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN