Lật tẩy mánh “chơi” xe sang biển ngoại

Đám dân chơi truyền tai nhau, đại gia bây giờ không hiếm người có xe đẹp, thế nhưng nếu muốn thể hiện đẳng cấp cao hơn bậc nữa thì phải sở hữu những chiếc xế hộp mang… biển ngoại.

Vừa trốn được thuế, lại vừa… oai!

Một dân chơi sành điệu cho biết, những chiếc xe mang biển số NN hoặc NG thường là loại xe đắt tiền. Có những cá nhân người nước ngoài làm việc trong dự án nào đó, trước khi chuẩn bị ra về, họ thường tìm mọi cách nhanh chóng bán xe rồi để mặc người mua ở lại muốn xoay sở kiểu nào thì xoay, mặc dù theo quy định, thì đơn vị mua xe phải có tư cách pháp nhân và sau đó, tùy theo nhu cầu, đơn vị này có thể bán từng chiếc hoặc vài chiếc hay nguyên cả lô cho người sử dụng, nhưng phải trả lại biển nước ngoài cho cơ quan công an quản lý và xin cấp lại biển số trong nước theo quy định của Việt Nam. Tuy nhiên, người mua vẫn thích để nguyên biển cũ, vừa trốn được thuế, lại vừa… oai.

Hơn nữa, người ta vẫn nghĩ, "chả mấy khi CSGT họ sờ đến xe biển ngoại nếu không vi phạm nghiêm trọng luật Giao thông đường bộ". Thậm chí, có người khác vì thích thể hiện đẳng cấp với bạn bè nên đã bằng mọi cách tìm mua một chiếc biển số xe ngoại giao giả, rồi đeo vào xe của mình cho oách.

Lật tẩy mánh “chơi” xe sang biển ngoại - 1

Xe sang vi phạm bị thu giữ tại Công an tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Tùng Duy - Tiền Phong)

Ngoài những mánh khóe trên, dân chơi xe biển ngoại còn gạ gẫm, thỏa thuận với người được quyền sở hữu xe biển NN để họ bán xe cho mình. Theo đó, một số người nước ngoài khi đến Việt Nam công tác đã bán ngay xe ô tô mới nhập cho cá nhân trong nước, nhưng hai bên thỏa thuận với nhau sẽ chưa sang tên đổi chủ vội, để nhằm mục đích trốn thuế. Đến vài năm sau, khi hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, người bán phải về nước thì mới làm thủ tục trả lại biển số NN theo quy định và xin lập hội đồng thanh lý để sang tên cho người mua. Lúc này, trên thực tế xe đã xuống cấp rồi thì thuế sẽ rẻ hơn rất nhiều. Như vậy là nhà nước sẽ thất thu về thuế.

Lách luật để "chơi"!

Theo quy định hiện nay, khi xe ngoại giao được chuyển nhượng cho người Việt Nam thì cán bộ, cơ quan ngoại giao bán xe phải nộp thuế. Thời điểm tính thuế là từ lúc chuyển nhượng xe. Nếu đã chuyển nhượng mà không khai báo, nộp thuế thì người bán sẽ bị phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc phạt trên sẽ khó khả thi do các đối tượng ngoại giao đã về nước, không thể xác định được thời điểm chuyển nhượng chính xác.

Trao đổi với PV, một cán bộ điều tra công an Hà Nội cho biết, về thông lệ, Việt Nam cũng như các nước khác, đều tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà ngoại giao hoạt động trên lãnh thổ của mình, cho nhân viên ngoại giao được tạm nhập và sử dụng xe ô tô miễn thuế nhập khẩu. Đó là một chính sách đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng vào việc này để tiêu thụ những xe tạm nhập, trốn thuế, gây khó khăn cho việc quản lý các xe mang biển số ngoại giao, biển số người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Điều đó ít nhiều làm ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự của từng địa phương cũng như trên toàn quốc. Sở dĩ có hiện tượng nhiều người Việt đi xe biển NN, NG là do việc quản lý của các cơ quan chức năng, từ cơ quan ngoại giao cho đến cơ quan thuế, CSGT còn có những sơ hở.

Ví dụ, khi người nước ngoài, các nhân viên ngoại giao nhập xe ô tô vào Việt Nam thì người ta đều phải có sự xác nhận về thân phận ngoại giao của đại sứ quán, lãnh sự quán hoặc các tổ chức nước ngoài, nhưng sự phối hợp của cơ quan ngoại giao, cơ quan thuế, CSGT không chặt chẽ, dẫn đến việc lúc nhập xe vào thì cho nhập, nhưng khi họ hết thời hạn công tác tại Việt Nam và về nước thì không quản lý những xe này.

Đáng lẽ ra khi đó, cơ quan quản lý các nhân viên ngoại giao này phải phản hồi lại cho cơ quan thuế, cơ quan CSGT nắm được. Các cơ quan, tổ chức quốc tế cần nghiêm túc yêu cầu nhân viên ngoại giao trước khi ra khỏi Việt Nam phải làm thủ tục tái xuất xe, tiêu hủy xe hoặc nếu bán lại thì phải thực hiện việc đóng thuế nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn còn lỏng lẻo.

Làm điểm để răn đe

Theo một cán bộ điều tra Công an Hà Nội, việc Công an Phú Thọ làm được như vừa rồi là mẫu điển hình để các cơ quan chức năng khác rút kinh nghiệm, tăng cường việc kiểm tra, phát hiện các xe vi phạm. Những trường hợp bán xe chui lủi thì cần truy thu thuế hoặc tịch thu xe. Nếu làm được như vậy thì những người khác sau này cũng không dám mua lại xe biển NN hoặc NG vì khi bị phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Công (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN