Lập khu “đèn đỏ” ở VN: Ý kiến trái chiều

Hàng năm ở Hà Nội, có thể nói việc bắt, phá các tụ điểm mại dâm phải phát hiện đến hai nghìn người bán dâm, nhưng số lượng bắt buộc đưa vào cơ sở giáo dục lao động xã hội chỉ khoảng 200 người.

Càng gần ngày Luật Xử lý vi phạm có hiệu lực, quy định không áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại địa phương và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm càng khiến nhiều người nghi ngại, lo lắng nạn mại dâm sẽ bùng phát, gia tăng đột biến khi tất cả số gái bán dâm đang bị quản lý được “tự do”.

Bên lề hội nghị triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội (Trung tâm GDLĐXH số 2) cho rằng, số người bán dâm đang bị quản lý chỉ là “muối bỏ bể” so với số người “hành nghề” trên thực tế.

Từ thực tiễn quản lý tại Trung tâm GDLĐXH số 2 trong nhiều năm, theo bà, việc không bắt buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh, giáo dục với người bán dâm có ảnh hưởng tiêu cực gì với xã hội?

Tại Trung tâm GDLĐXH số 2, để chuẩn bị triển khai qui định mới này, chúng tôi đã rất thận trọng, đã tiến hành các cuộc khảo sát, xem tâm tư nguyện vọng của chị em khi trở về như thế nào. Đa số chị em có mong muốn được gia đình đón nhận. Trung tâm cũng đã có các phương án để đưa chị em trở về, đó là mời các gia đình lên, tư vấn cho gia đình, và hỗ trợ cho các em tiền đi đường. Chúng tôi cũng phân tích cho các gia đình rằng nhận thức của người bán dâm rất hạn chế, nhiều người suy nghĩ rất đơn giản, thậm chí không nhận thức được nguy cơ lây nhiễm các bệnh về tình dục, nhất là HIV/AIDS. Chúng tôi cũng nói rõ, tuy người bán dâm không bị xử lý vi phạm hành chính bằng biện pháp đưa về trung tâm giáo dục nữa, nhưng vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính, vì bán dâm là hành vi vi phạm.

Nhiều người không biết rằng, số người bán dâm được đưa vào các Trung tâm chiếm tỷ lệ rất ít, rất nhỏ so với thực tại. Cho nên số người bán dâm nếu thả hết ra ngoài, đưa trở về xã hội, thì lượng người bán dâm cũng chẳng tăng lên đáng kể. Thế nên, việc này không có gì xáo trộn cả. Vấn đề quan trọng là làm sao mình tuyên truyền để người bán dâm nhận thức rằng, việc họ không bị bắt buộc đưa đi giáo dục nữa không đồng nghĩa với việc được phép hành nghề bán dâm, được công nhận bán dâm là một nghề.

Lập khu “đèn đỏ” ở VN: Ý kiến trái chiều - 1

Bà Nguyễn Thị Phương: Ở Việt Nam cũng nên thí điểm khu “đèn đỏ” tại các khu du lịch

Bà có thể nói cụ thể về tỷ lệ gái bán dâm ở trong các trung tâm và ngoài xã hội trên địa bàn Hà Nội?

Hàng năm ở Hà Nội, có thể nói việc bắt, phá các tụ điểm mại dâm phải phát hiện đến hai nghìn người bán dâm, nhưng số lượng bắt buộc đưa vào cơ sở giáo dục lao động xã hội chỉ khoảng 200 người thôi. Còn lại, phạt hành chính xong rồi thả. Mà số bị bắt cũng chỉ là số nhỏ, nên 200 người đang quản lý, thả ra chỉ như muối bỏ bể. Ngay cả gái bán dâm cũng cho biết “dù tất cả chúng em trong này ra thì cũng chẳng thấm gì với số người bán dâm hiện nay cả”. Trung tâm GDLĐXH số 2 hiện quản lý khoảng 1.000 học viên, trong đó có 200 gái bán dâm, còn lại là người nghiện ma túy, cả nam lẫn nữ, riêng nữ nghiện ma túy của Hà Nội theo hồ sơ quản lý đã là 500 người.

Theo bà, việc đưa người bán dâm trở lại cộng đồng có khó khăn gì không?

Trên thực tế thì những em có gia đình và gia đình sẵn sàng đón về thì thuận lợi, nhưng cũng không ít trong số các em ở trung tâm là người không nơi nương tựa, không có nơi để trở về. Không ít người bán dâm khi vào Trung tâm cho biết họ mong muốn được CA bắt để có thể thoát khỏi sự bảo kê, chủ chứa. Nghĩa là, nhiều người đã không muốn hành nghề này nữa, nhưng không có nơi để trở về.

Ví dụ, trường hợp một em bị bán sang Trung Quốc từ năm 14 tuổi, đến năm 18 tuổi trốn thoát được về Việt Nam, thì lại bị lừa bán tiếp vào các ổ chứa ở Việt Nam. Trong 1 trận truy quét, em bị bắt và đưa vào Trung tâm. Em này gia đình hoàn cảnh, bố mẹ bỏ nhau, bố đã lấy vợ khác ở một tỉnh miền núi rất xa, gần như em không có thông tin gì về bố. Còn mẹ cũng đã lấy chồng ở Hòa Bình, có với bố dượng một người con trai. Khi về Việt Nam rồi, có hai lần em đi tìm được mẹ thì bị con trai của bố dượng đánh dã man và đuổi đi. Cuộc sống của mẹ em khó khăn nên chẳng giúp gì cho em được. Em nói với tôi rằng “nếu cô cho em ra, thì em không biết đi đâu về đâu!”.

Hay tại Trung tâm chúng tôi có khoảng 20 chị nhiễm HIV, gia đình kỳ thị, xã hội kỳ thị, không có cơ hội trở về gia đình nữa. Họ cũng không muốn đi bán dâm nữa vì sẽ lây bệnh cho người khác. Số này, hiện Trung tâm bố trí để chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ do con của những người bán dâm sinh ra. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít, còn số đông thì giải quyết thế nào?

Vì vậy, điều quan trọng là làm sao để giúp đỡ được những người bán dâm có hoàn cảnh yếu thế. Chúng ta không bắt, không xử lý nhưng phải có những biện pháp để đưa những người có bệnh vào cơ sở chữa bệnh, người không nơi nương tựa vào cơ sở bảo trợ xã hội, xem các Trung tâm như nhà tạm lánh, giúp chữa bệnh và tạo công ăn việc làm tại chỗ để người ta tự nuôi sống bản thân, tương tự như xử lý người lang thang, cơ nhỡ. Thay bằng bắt buộc như trước đây, thì phải tuyên truyền, tư vấn để người bán dâm biết nếu họ mắc bệnh và tự nguyện đi chữa bệnh thì họ sẽ được đưa vào các Trung tâm. Khi họ tự nguyện vào chữa bệnh thì họ không mất bất cứ “quyền” gì, tất nhiên là không thể vừa chữa bệnh vừa đi bán dâm vì như thế thì không thể chữa khỏi được. Về thời gian chữa bệnh thì chỉ qui định thời gian tối thiểu theo phác đồ điều trị của ngành y tế, còn thời gian tối đa thì cho họ lựa chọn.

Nhìn chung, người bán dâm có trình độ nhận thức vô cùng thấp, chỉ học hết cấp 1, cấp 2 thôi, nên nói đào tạo nghề cho họ thì hơi “cao sang”, mà chỉ mang tính chất là truyền nghề, cầm tay chỉ việc. Khi họ đã ở trong Trung tâm, không mất tiền nhà ở, thì chỉ cần thu nhập tầm 1 triệu - 1,5 triệu đồng là đủ sống.

Nhiều người cho rằng để hạn chế nạn mại dâm, phải xử phạt nguồn “cầu” chứ không phải phạt nguồn “cung”?

Đừng nên hiểu như vậy. Phải nói thật với nhau một điều rằng là đã là nhu cầu thì không thể hạn chế triệt để được, với cả nam và nữ. Cái gì không thể làm được thì không nên cố làm, trong việc này, chỉ nên làm sao để ngăn chặn được bệnh tật lây truyền thôi, xử lý nghiêm với đối tượng bảo kê và chủ chứa...

Vậy theo bà, Việt Nam có nên lập khu “đèn đỏ”?


Nếu nói Việt Nam nên lập khu “đèn đỏ”, thì chắc chắn 80% phụ nữ sẽ phản đối, và phần lớn nam giới sẽ đồng tình. Tôi đã sang thăm khu đèn đỏ ở Thái Lan. Người ta có khu đèn đỏ, và khu chữa bệnh cho người bán dâm với số lượng gần 700 phụ nữ. Những người này định kỳ phải đi khám, có bệnh phải chữa khỏi mới được cấp phép hành nghề tiếp. Còn ở Việt Nam, vì vấn đề thuần phong mỹ tục và nhận thức nên còn khó khăn, nhưng cũng nên thí điểm, có thể là tại các khu du lịch.

Khi quản lý được họ, những trường hợp mắc bệnh lậu, nhiễm HIV mà cố tình hành nghề, lây bệnh cho người khác thì sẽ dễ dàng bị xử lý, không theo xử lý vi phạm hành chính, mà theo các luật chuyên ngành, do đó, sẽ hạn chế được bệnh tật lây lan.

Chân thành cảm ơn bà về cuộc trao đổi này! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thảo (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN