Lái xe có cần kiểm tra "độ tỉnh táo"?
TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông đề nghị nghiên cứu áp dụng việc kiểm tra "độ tỉnh táo" của lái xe tại Việt Nam.
Đề xuất được TS Nguyễn Hữu Đức đưa ra trong phiên thảo luận của Tiểu ban "Người tham gia giao thông" thuộc khuôn khổ Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015.
Theo Luật giao thông đường bộ 2008, hai trong những hành vi bị cấm khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là trong cơ thể có chất ma túy và điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn.
TS Nguyễn Hữu Đức
TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông cho rằng: "Về bản chất, quy định pháp luật về việc cấm hành vi lái xe với nồng độ cồn cao hay đang bị ảnh hưởng của ma túy là nhằm bảo đảm người sử dụng phương tiện có đủ tỉnh táo để có thể tránh gây ra các rủi ro về tai nạn giao thông (TNGT)".
Do đó, điều quan trọng là mức độ tỉnh táo của người lái xe có đủ bảo đảm điều khiển phương tiện được an toàn không, còn nồng độ cồn từ rượu bia hay ma túy, chỉ là các tác nhân làm ảnh hưởng xấu đến sự tỉnh táo này.
Theo TS Đức, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bài Kiểm tra độ Tỉnh táo của người điều khiển phương tiện. Nếu một người vượt qua được các bài kiểm tra này, thì tài xế được xem là đủ tỉnh táo để lái xe. Ngược lại, nếu không vượt qua bài kiểm tra, người bị kiểm tra sẽ bị xem là đang không đủ tỉnh táo và việc điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm.
Ông Đức cho rằng: "Đây là những bài kiểm tra có thể thực hiện được trong những điều kiện rất đơn giản, có thể tổ chức thực hiện dễ dàng hầu như mọi nơi mà hiệu quả lại cao. Do vậy, đây là một trong những cách tiếp cận đáng được xem xét nghiên cứu để đưa vào ứng dụng rộng rãi ở nước ta".
Cụ thể, đó là ba bài kiểm tra: Đi thẳng 9 bước và quay lại (Walk-And-Turn - WAT); Đứng một chân (One-Leg Stand (OLS); Rung giật ngang của nhãn cầu (Horizontal Gaze Nystagmus -HGN).
Việc tổ chức thực hiện bài kiểm tra là dễ dàng nhưng để áp dụng được phải khắc phục được điểm khó khăn mấu chốt. TS Nguyễn Hữu Đức cho hay: "Cái khó không phải ở việc thực hiện bài kiểm tra mà ở thể chế thực hiện. Hiện ở nước ta sử dụng việc đo nồng độ cồn vì có thể định lượng được, còn kiểm tra độ tỉnh táo rất khó. Bên cạnh đó, nhiều nước thống nhất cùng áp dụng bộ ba bài kiểm tra nêu trên nhưng sử dụng kết quả kiểm tra lại không giống nhau".
TS Nguyễn Hữu Đức đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT xem xét cho thực hiện đề tài nghiên cứu khả năng áp dụng các bài kiểm tra độ tỉnh táo tại Việt Nam để có cơ sở đánh giá cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho biết đã ghi nhận đề nghị của TS Nguyễn Hữu Đức và sẽ gửi Ủy ban ATGT Quốc gia xem xét.