Kỳ thú vườn bưởi 100 tuổi ở Phú Thọ
Bước chân tình cờ đưa tôi lạc vào một vườn bưởi cổ thụ có độ tuổi trên 100 năm. Vườn bưởi này nằm nép bên bờ sông Chảy đoạn qua thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Mặc dù nằm ở địa phận tỉnh Yên Bái, nhưng bưởi Khả Lĩnh lại được coi là "linh hồn" của bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ.
Dịu người vì múi bưởi của cây 100 tuổi
Nghe tôi hỏi chuyện về vườn bưởi cổ thụ, ông Trần Quang Khải, Trưởng thôn Khả Lĩnh cùng mấy cụ cao niên trong làng lật đật dẫn tôi ra một vườn bưởi phía trước nhà. Khu vườn rộng khoảng 5 sào Bắc bộ với những gốc bưởi cổ to bằng hai người ôm. Nhìn những cây bưởi khẳng khiu, rêu bám xanh rì từ gốc lên đến tận những cành bé bằng ngón tay cũng đủ để nói lên sự trường tồn của những cây bưởi đại thụ.
Vừa nói chuyện ông Khải vừa đưa tay hái hai quả bưởi từ hai cây khác nhau gọt đãi tôi. Ông bổ quả đầu tiên ra đưa cho tôi một múi ăn nếm, tôi cầm múi bưởi ăn và cảm nhận được vị ngọt lịm, mát... Lát sau ông Khải lại bổ quả bưởi thứ hai và đưa cho tôi ăn nếm một múi, lần này tôi ăn và cảm nhận được quả bưởi không những ngọt lịm, mát, tép mềm, mọng nước mà còn có mùi thơm như bưởi chín.
Ông Trần Văn Quý bên một gốc bưởi cổ trên 200 tuổi
Đợi tôi ăn xong ông Khải hỏi: "Cảm thấy thế nào?". Tôi bảo: "Quả sau ngon hơn quả trước". Ông Khải cùng mấy cụ cao niên trong làng cười lớn rồi mách: "Quả trước được hái ở cây có độ tuổi gần 20 năm, quả sau hái ở cây có độ tuổi trên 100 năm".
Nguồn gốc giống bưởi quý
Ông Khải tự hào: "Bưởi ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh mới thực sự là "linh hồn" của bưởi Đoan Hùng. Bởi bưởi Đoan Hùng hầu hết đều được lấy giống ở thôn Khả Lĩnh. Bưởi Khả Lĩnh ngon nhất trong tất cả các làng trồng bưởi ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Trước đây, thôn Khả Lĩnh trực thuộc tỉnh Phú Thọ, nhưng sau đó thôn này được cắt sang địa giới của tỉnh Yên Bái. Nhưng điều này không làm ảnh hưởng gì đến danh tiếng và sự phát triển của bưởi Khả Lĩnh".
Tự hào về giống bưởi Khả Lĩnh nhưng nguồn gốc của nó thế nào thì ngay cả các bậc cao niên trong làng cũng không biết rõ. Theo nhiều người cao tuổi trong làng thì loại bưởi ngọt có mặt ở Khả Lĩnh vào thời kỳ nhà Mạc. Khoảng năm 1592, Lê Trung Hưng kéo quân từ phía Nam ra đánh nhà Mạc. Khi đó nhà Mạc thua trận và bỏ chạy về hướng Bắc. Trong lúc rút quân nhà Mạc có giao việc vận chuyển lương thảo tiếp tế cho một vị quan đốc lương.
Ông Nguyễn Văn Hòe cho biết: Người trồng bưởi đang phải chia lợi nhuận với người thụ phấn bưởi
Khi vị quan đốc lương vận chuyển lương thực đến thôn Khả Lĩnh thì nghe tin thành Nhà Bầu (thành Nhà Bầu nằm ở khu vực lòng hồ Thác Bà ngày nay) bị thất thủ. Vị quan này không tiếp tục hành quân nữa mà ra lệnh cho các thuộc hạ của mình ở lại mảnh đất Khả Lĩnh khai hoang, lập ấp sống cuộc sống bình yên. Trong quá trình vận chuyển lương thực tiếp tế cho nhà Mạc, đã có người đem theo hạt bưởi để trồng và đó chính là loại bưởi ngọt ở Khả Lĩnh ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Hòe ở thôn Khả Lĩnh thì kể rằng: "Dòng họ tôi có nguồn gốc dưới xuôi. Giữa thế kỷ XVI, cụ tổ nhà tôi là Nguyễn Viết Lãng đến đây khai hoang lập ấp. Ông đã đem theo giống bưởi, mít, nhãn để trồng cho con cháu ăn quả. Những chuyện này đều được ghi chép trong gia phả của dòng họ chúng tôi. Nếu tính theo đời người thì dòng họ chúng tôi đã trồng bưởi ngọt được 12 đời nay. Như vậy có thể thấy rằng giống bưởi ngọt đã có mặt ở thôn Khả Lĩnh cách đây khoảng 500 năm".
Bưởi Diễn thụ phấn cho bưởi Khả Lĩnh
Đó là cách làm độc đáo của dân làng Khả Lĩnh nhằm tăng năng suất của bưởi. Để thụ phấn cho bưởi Khả Lĩnh, một số hộ dân đã trồng vài cây bưởi Diễn, khi ra hoa, người dân sẽ lấy nhụy hoa của bưởi Diễn chấm vào hoa của bưởi Khả Lĩnh. Làm như vậy, tỷ lệ đậu quả của bưởi Khả Lĩnh sẽ rất cao, trong khi độ ngọt, thơm của bưởi Khả Lĩnh thì vẫn không thay đổi.
Ông Trần Quang Khải đãi khách bằng những quả bưởi ngon nhất có trong vườn
Theo ông Nguyễn Văn Hòe trước đây, người dân Khả Lĩnh thường trồng bưởi ngọt xen kẽ với những loại bưởi khác dòng. Khi trồng xen như vậy thấy bưởi ngọt cho tỷ lệ đậu quả rất cao. Khoảng năm 2000, lúc đó giá bưởi Khả Lĩnh được thu mua với giá cao, dân làng đua nhau phá hết bưởi tạp chỉ giữ lại bưởi ngọt, những vụ sau đó bưởi ngọt liên tục mất mùa khiến nhiều người lo lắng.
Mấy năm nay, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình xuống hướng dẫn người dân cách thụ phấn nhân tạo cho cây bưởi ngọt. Đầu tiên nhiều hộ dân không tin vào phương pháp này, nên đã thử nghiệm bằng cách khi hai cây bưởi cạnh nhau ra hoa thì chỉ thụ phấn cho một cây, cây còn lại để nó tự thụ phấn. Kết quả là cây bưởi thụ phấn nhân tạo đậu quả cao gấp ba lần cây thụ phấn tự nhiên. Từ đó đến nay, các hộ dân trong làng Khả Lĩnh đều dùng phương pháp thụ phấn này nhằm tăng năng suất của bưởi.
Thu nhập cao nhưng nhàn hơn trồng lúa
Khi dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi, ông Trần Quang Khải tiết lộ: "Hiện nay, giá một quả bưởi từ cây bưởi cổ được tư thương mua với giá 20.000đ, còn bưởi có độ tuổi vài chục năm thì chỉ có giá 5.000 - 10.000đ/quả. Bưởi ở đây được tư thương đến tận nhà thu mua, thậm chí, lúc bưởi mới ra quả non tư thương đã tranh nhau đến mua cả vườn, chỉ với mấy sào đất trồng bưởi mà có hộ thu được từ 100 - 150 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa. Bưởi ở đây được bán ra ngã ba Cát Lem, huyện Yên Bình, sau đó tư thương từ Hà Nội, Sài Gòn... đến thu mua lại".
Ông Trần Văn Quý, thôn Khả Lĩnh cho biết: "Gia đình tôi trồng được 60 gốc bưởi, lúc mới ra hoa, tư thương đến mua với giá 50 triệu đồng, đến khi thu hoạch, tư thương tự đưa người đến hái bưởi, gia đình tôi chẳng phải nhúng tay vào việc này. Bưởi hái xong chúng tôi chỉ việc bón phân, tưới nước vôi vào gốc để phòng, chống sâu đục thân cho bưởi và chờ đợi lúc bưởi ra hoa lại bán cho tư thương. Công việc trồng bưởi không tốn quá nhiều thời gian, công sức. Vì thế, gia đình tôi có nhiều thời gian để làm những công việc khác như chăn nuôi để tăng thu nhập, thành thử trồng bưởi là công việc nhàn hạ nhất mà lại cho thu nhập cao nhất".
"Thời gian gần đây, ở làng Khả Lĩnh xuất hiện những người chuyên đi thụ phấn cho bưởi. Đến khi thu hoạch những người thụ phấn bưởi lấy một nửa lợi nhuận của gia chủ, ví như vườn bưởi thu được 100 triệu đồng thì những người thụ phấn lấy 50 triệu đồng. Mặc dù nhiều gia đình phải chi tới 50% lợi nhuận cho người thụ phấn nhưng họ vẫn có lãi. Chẳng hạn một gia đình có 100 gốc bưởi, nếu không thụ phấn họ chỉ thu được 30 - 40 triệu đồng/năm, nhưng khi thụ phấn có thể thu được khoảng 150 triệu đồng/năm. Nếu trừ phần trăm cho dân thụ phấn thuê gia đình đó vẫn còn được 75 triệu đồng, tức là cao hơn nhiều so với không thụ phấn". Ông Trần Quang Khải (Trưởng thôn Khả Lĩnh) |