Kiến nghị quy định "cấm tặng quà lễ kỷ niệm"

Tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế tự chủ, tự quản về ngân sách, kinh phí. Theo Cục Kiểm tra văn bản, không nên can thiệp quá sâu đối với hoạt động của họ.

Cục Kiểm tra Văn bản (KTVB) quy phạm pháp luật vừa có văn bản gửi lên Bộ Tư pháp, nêu ý kiến về một số nội dung trong Nghị định số 145/NĐ-CP của Chính phủ về "tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài".

Nghị định 145 có hiệu lực từ 16/12/2013, trong đó có một số quy định như: "không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo). Không tổ chức chiêu đãi", "trong lễ kỷ niệm, chỉ "kính thưa họ tên và chức danh lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở Trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị", "không dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực,...

Đối tượng điều chỉnh của Nghị định là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân khi tổ chức ngày kỷ niệm; trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; thực hiện nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.

Theo Cục KTVB, có thể chia thành hai nhóm đối tượng được Nghị định điều chỉnh. Nhóm thứ nhất là các cơ quan nhà nước, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Họ được giao sử dụng quyền lực công để quản lý, tham gia quản lý nhà nước ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau. Do vậy, đưa ra những quy định chặt chẽ, cụ thể như trên là cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm nguyên tắc trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, chống phô trương, hình thức, lãng phí và sâu xa là chống tham nhũng.

Nhóm thứ hai là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế. Đây là nhóm được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản về ngân sách, kinh phí. Theo Cục KTVB, không nên can thiệp quá sâu đối với hoạt động của họ. Một số người còn cho rằng, đây là dịp để họ thể hiện thành tích, dấu ấn. Họ phải tự chủ ngân sách nên đôi khi phải quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Cục KTVB cho rằng, cần có sự phân loại một cách khoa học hơn về các nhóm đối tượng trong Nghị định. Một số nội dung khác của Nghị định 145 cũng cần được điều chỉnh để bảo đảm chất lượng các quy định trong một Nghị định của Chính phủ, bảo đảm chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Cục KTVB, thời gian qua, Chính phủ đã có phản ứng kịp thời, chỉnh sửa một số văn bản như Nghị định quy định ghi tên cha, mẹ vào chứng minh nhân dân; Nghị định về tổ chức tang lễ,… đã được dư luận rất đồng tình, hoan nghênh.

Do vậy, cơ quan này cho rằng, nếu Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ xem xét lại một số nội dung của Nghị định 145, cũng là sự "phản ứng chính sách" cần thiết, cẩn trọng, cầu thị đúng với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Nhà nước, của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN