Tặng quà hội nghị: Bỏ thì thương, vương thì tội

Tại nhiều hội nghị, quà tặng là những lô gô rất đẹp và khá đắt tiền nhưng người ta bỏ lại, không biết để làm gì. Có thời, đến cuộc hội nghị nào cũng thấy tặng đồng hồ. Nhà treo rất nhiều đồng hồ. Bỏ thì thương, vương thì tội.

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Phan Đình Tân (Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch) về quy định “cấm tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (lô gô)” tại lễ kỷ niệm theo Nghị định số 145/2013/NĐ-CP. Đây là quy định có trong Nghị định mới được Chính phủ ban hành mà Bộ VHTTDL là cơ quan soạn thảo.

Xin ông cho biết, cơ sở nào để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nội dung cấm tặng quà, lô gô trong các buổi lễ kỷ niệm vào Nghị định?

Bộ VHTTDL soạn thảo Nghị định quy định những điều này dựa trên cơ sở 2 Nghị định đã có. Những quy định này đã có từ lâu. Nay, các quy định này được nhắc lại, cụ thể hơn. Mục đích là nâng cao nhận thức cho mọi người.

Qua thực tiễn, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, nghi lễ có nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Việc tặng quà hội nghị đã gây lãng phí không ít. Ở các lễ kỷ niệm, người ta phát, tặng quà, lô gô.

Việc tặng quà là không cần thiết, lãng phí. Thậm chí, đôi khi có người núp dưới hình thức đó để tham nhũng.

Tôi chắc rằng, quy định ra đời đều được đa số người ủng hộ.

Tặng quà hội nghị: Bỏ thì thương, vương thì tội - 1

Quà tặng tại hội nghị đẹp, đắt tiền nhưng người ta bỏ lại, không biết để làm gì. Ảnh minh họa

Quy định áp dụng với cụ thể với những buổi lễ kỷ niệm, hội nghị cấp nào? Đối với những đối tượng, cơ quan nào?

Có người còn cho rằng nghị định quy định đối với cả những tổ chức kinh tế tư nhân, kinh tế nước ngoài. Nhưng tôi khẳng định, Nghị định chỉ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức kinh tế nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Doanh nghiệp nhà nước dù nhỏ đều phải thực hiện quy định này. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh trực tiếp từ Nghị định này. Tuy nhiên Nghị định này ra đời cũng rất được nhiều doanh nghiệp các thành phần ủng hộ, vì họ cho rằng đây thực sự là tiết kiệm, giảm rườm rà, đi vào thực chất, bởi mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược phát triển kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình, để thu hút các đối tác thì việc quảng bá sản phẩm nhân lễ kỷ niệm với những logo, quà tặng… thì chưa đủ mà cần phải có sản phẩm chất lượng, có uy tín và đặc biệt là phải có uy tín năng lực, đủ khả năng cạnh tranh thực sự trong kinh doanh.

Cấm doanh nghiệp tổ chức hội nghị tặng quà. Vậy có cấm đại biểu đến dự tặng quà cho cơ quan, doanh nghiệp không, thưa ông?

Theo quy định, chỉ cấm tặng quà đối với đơn vị tổ chức hội nghị, không cấm người đến dự hội nghị tặng quà cho đơn vị. Vì đó là quan hệ cá nhân mỗi người.

Tặng quà từ lâu vẫn là chuyện bình thường trong giao tiếp. Chẳng hạn như trong cuộc sống sinh hoạt, cưới hỏi, sinh nhật, tiệc tùng...?

Đúng! Văn hóa tặng quà vốn đã tồn tại trong truyền thống người Việt. Cha ông ta đã nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Đó cũng là một dạng quà.

Tuy vậy càng ngày, cách tặng quà bị biến tướng đi, giá trị văn hóa ít mà động cơ thực dụng tăng lên. Quà to hay nhỏ cũng là quà. Có những doanh nghiệp mua túi quà mà bên trong là một vài thứ lặt vặt. Nhiều người nhận xong rồi để lại túi quà. Một miếng lô gô có thể không đáng bao nhiêu tiền. Nhưng nếu cộng lại, có khi đến hàng trăm triệu mà không biết để làm gì.

Bát, đũa, chén đôi khi còn có tác dụng. Lô gô thì lấy để làm gì? Có những lô gô rất đẹp và khá đắt tiền, nhưng mang về chẳng dùng được vào việc gì. Có thời, tôi đi họp, đến cuộc hội nghị nào cũng thấy tặng đồng hồ. Người ta đua nhau đặt hàng sản xuất đồng hồ. Nhà treo rất nhiều đồng hồ. Bỏ thì thương, vương thì tội.

Nhưng Nghị định đưa ra quy định này có trái với luật doanh nghiệp không, thưa ông?

Một số doanh nghiệp cho rằng đó là quyền của họ theo luật doanh nghiệp. Đồng ý là như thế. Nhưng nếu là doanh nghiệp có vốn nhà nước, phải chịu sự quản lý của nhà nước.

Doanh nghiệp được làm việc gì mà luật pháp không cấm. Nhưng tiết kiệm là nét văn hóa đẹp, là một trong những chuẩn mực của một xã hội văn minh thì cần phải thực hiện. Một số doanh nghiệp hiện nay, công nhân không có lương, không đủ sống nhưng lại dềnh dang, phô trương tổ chức Lễ kỷ niệm hỏi như vậy có nên?

Mục đích tặng quà là gì. Có phải là quảng bá hình ảnh hay nhằm mục đích hối lộ.

Đôi khi, việc tặng quà cho khách đến hội nghị không phải là chủ ý của người chính mà là do người phụ đạo diễn. Người phụ tham mưu, đề xuất nhằm phục vụ những lợi ích riêng.

Ví dụ: Đặt làm mỗi lô gô chỉ 150.000 đồng. Nhưng người chịu trách nhiệm giao dịch về khai lên 200.000 đồng. Đặt mua càng nhiều, anh ta càng có lợi. Chắc chắn là nhiều doanh nghiệp phát hiện ra chuyện này.

Quy định này có cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không?

Tôi cho rằng, quy định này đưa ra được đa số người ủng hộ. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn kinh tế. Chính phủ đang kêu gọi chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Quy định này ra đời lại càng hợp lòng dân.

Những món quà đó không phục vụ mục đích thiết thực nào cả, còn gây ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp không thể bán được hàng chỉ dựa vào lô gô. Sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ tự tìm đến.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài cũng rất ủng hộ quy định này. Điều đó cũng phù hợp với xã hội hiện đại. Xã hội càng văn minh bao nhiêu, con người càng chi tiêu hợp lý bấy nhiêu, bởi văn minh là sự hợp lý.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân thú nhận: “Từ trước đến nay, chúng tôi rất khó xử trong việc này. Nhân có Nghị định, chúng tôi rất mừng vì có cớ để không phải tặng quà khi tổ chức, lễ kỷ niệm, hội nghị nữa vì không phải ganh đua theo kiểu “gà tức nhau tiếng gáy”.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN