Kiểm tra doanh nghiệp "ngăn sông, cấm biển" ở Phú Quốc
Sau phản ánh của báo chí, chiều 5/6, UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã thành lập đoàn kiểm tra việc doanh nghiệp đưa người đến rào đường dân sinh đi xuống biển tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương gây bức xúc vừa qua.
Chặn lối xuống biển của dân
Ông Võ Chí Sĩ, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Quốc cho biết, đơn vị rào đường và treo bảng "không phận sự cấm vào" là công ty Sài Gòn Sovico Phú Quốc. Sau khi cùng chính quyền địa phương kiểm tra hiện trường, ông Sĩ cùng đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với nhà đầu tư, Ban quản lý dự án của tỉnh và các ngành chức năng để tìm hiểu rõ vấn đề, giải quyết bức xúc của người dân.
Trước đó, như Tiền Phong phản ánh ngày 4/6, hàng chục người dân ở xã Cửa Dương kéo về ấp Ông Lang căng băng rôn, phản đối doanh nghiệp lập hàng rào chặn đường xuống biển. Người dân cho rằng, đây là đường dân sinh, họ cần đi ra biển để đánh bắt hải sản cũng như ra tắm biển.
Đường xuống biển Ông Lang đã bị doanh nghiệp lập hàng rào. Đoàn kiểm tra phải yêu cầu bảo vệ mở cửa để ôtô ra vào.
Người dân đảo Ngọc bức xúc việc nhiều nhà đầu tư rào chắn các lối lên xuống bãi biển, bao chiếm thành "vùng cấm" để làm dự án.
Ông Trương Văn Buôl, nguyên Trưởng ấp Ông Lang, cho biết nơi doanh nghiệp lập hàng rào “ngăn sông cấm biển” là đường mòn để người dân trong vùng đi xuống biển Cửa Dương và đi qua Cửa Cạn. Hơn nữa nhiều hộ dân ở đây chưa được đền bù. "Con đường xuống biển này hình thành qua hai cuộc kháng chiến. Tôi là thương binh, từng làm trưởng ấp nên rất rõ chuyện này. Đền bù đất mới có mấy hộ mà anh rào đường của người ta là không thể chấp nhận", ông Buôl bức xúc kể.
Anh Nguyễn Minh Biên, quản lý một nhà hàng ở khu vực này nói: Họ làm hàng rào chắn cả lối vào của Ông Lang Village. Không có đường vào chỗ kinh doanh, tôi phải mở đường phụ nhưng lầy lội, xe đi lại rất khó khăn. Đất của công ty tôi mở nhà hàng là mua hợp pháp của dân và có sổ đỏ hẳn hoi.
Hàng trăm ha đất được bao chiếm lập dự án?
Theo một cán bộ có trách nhiệm của Ban quản lý Khu kinh tế huyện Phú Quốc một số hộ có đất trong dự án của Sovico nhưng không được bồi thường vì họ được cho là bao chiếm đất rừng. Còn lý do doanh nghiệp chậm triển khai dự án do vướng bãi rác 100 ha chưa di dời xong. Dự án của Sovico rộng 205 ha, trong đó đất bãi rác hiện hữu 100 ha chưa di dời, còn lại 105 ha là thương mại, du lịch và dịch vụ.
Theo quy định, quy hoạch bãi biển là nơi sở hữu chung của cộng đồng. Tất cả các dự án phải trừ hành lang và lối đi xuống biển. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên đảo Phú Quốc khi thực hiện dự án đã rào luôn đường xuống biển để “độc quyền” bãi tắm, bãi biển.
Đây là vấn đề hết sức bức xúc của người dân và du khách khi đến đảo Ngọc. Trong khi chính quyền lại tỏ ra bất lực trước “phong trào” xây dựng trái phép, ngăn sông cấm biển trên mảnh đất đang hình thành đặc khu.
Khu Bãi Trường thuộc xã Dương Tơ (huyện Phú Quốc), là vùng được quy hoạch khá bài bản, nhưng thực tế đang trở thành “chiến trường” khi hàng loạt nhà đầu tư lập dự án, phân lô chuyển nhượng tràn lan. Nhiều dự án đã không tuân thủ quy hoạch, xây dựng sai phép…,“băm nát” đảo Ngọc trước khi nó trở thành đặc khu.
Lập dự án “ma” trên đất nông nghiệp, loạn phân lô bán nền, mua bán trái phép đất rừng, nhiều công trình dự án đã không tuân thủ qui hoạch, nhiều vùng biển đã bị bao chiếm trở thành “vùng cấm” của các nhà đầu tư, ... băm nát đảo Ngọc trước khi trở thành đặc khu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Thái Đắc Liệt - nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tình hình đất đai trên đảo hết sức phức tạp. Việc phân lô bán nền, xây dựng trái phép đất không theo quy hoạch đang hết sức lo ngại.
Tại phiên chất vấn hôm qua, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ bờ sông, bờ biển của Việt Nam, trả bờ sông, bờ biển về cho đất nước và cho công chúng. Theo ông Nghĩa, việc chiếm hẳn các bờ sông, bờ biển như vậy vừa sai luật vừa bất công với người dân. Cùng ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, dân có quyền tự do đi tắm ở các bờ biển. “Người dân muốn xuống tắm nhưng tư nhân hóa quản lý hết rồi, thậm chí chắn rào không cho xuống?”, ông Hòa cảnh báo, trong tương lai gần, các đặc khu, nhất là ở Phú Quốc sẽ diễn ra tình trạng này. Ông Hòa đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT có giải pháp thu hồi lại cho dân cho cộng đồng.
Trả lời về lo ngại của các ĐB việc tư nhân hóa bờ biển, việc doanh nghiệp rào chắn bịt lối xuống biển của dân diễn ra nhiều nơi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: “Tôi cho rằng không cần thêm mà chỉ cần kỷ cương, kỷ luật và thực hiện thật tốt, đưa luật này vào cuộc sống”, ông Hà nói. Với việc tư nhân hóa bờ biển, theo bộ trưởng, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước theo từng cấp. “Chúng tôi sẽ xem xét, rà soát thêm, nhưng tôi cho rằng về pháp luật chúng ta có đầy đủ”, ông Hà cho hay. |
Đó là lo ngại của ĐBQH trước việc tư nhân quản lý các bờ biển và có khả năng sẽ xảy ra ở các đặc khu sắp tới.