Kí sự tài xế taxi: Hành khách “kỳ quặc”

Trong gần 30 năm làm tài xế, có 3 vị khách mà ông Ba không thể quên được. Mỗi người có một hoàn cảnh, một yêu cầu riêng khi thuê ông chở, song tất cả đều để lại trong người tài xế này những dấu ấn khó phai.

Ba vốn là dân miền Tây Nam Bộ, những năm đầu giải phóng, Ba phải bươn chải đủ thứ nghề. Từ bán báo dạo, bán kem cho đến chạy bàn cho quán café. May mắn, Ba được người chủ quán yêu quí. Ông thấy Ba biết lái xe và lái khá tốt nên trưng dụng làm lái xe riêng cho ông. Được một hai năm, ông lâm bệnh mất đi, Ba thất nghiệp.

Một người bạn thân của ông chủ cũ đón Ba về chạy xe cho ông. Nhờ chăm chỉ, dần dà Ba tích cóp được chút vốn liếng. Rồi Ba phải lòng cô gái Hà Nội vào Sài Gòn chơi với anh chị. Ba quyết tâm theo cô gái ra Bắc sống, bởi đằng nào cũng không còn gia đình ở trong ấy.

Ít lâu sau, Ba nhận được liên lạc của cha mẹ bên kia đại dương. Mọi người cũng đã ổn định cuộc sống và gửi về cho ít tiền. Buôn bán, kinh doanh cả hai vợ chồng đều không biết. Cuối cùng, Ba nảy ra sáng kiến mua xe ôtô cũ để chạy taxi. Thời ấy, Hà Nội cũng chưa có nhiều công ty taxi như bây giờ.

Trong gần 40 năm làm tài xế, có 3 vị khách mà ông Ba không thể quên được. Mỗi người có một hoàn cảnh, một yêu cầu riêng khi thuê Ba chở, song tất cả đều để lại trong ông những dấu ấn thật khó phai.

Kí sự tài xế taxi: Hành khách “kỳ quặc” - 1

Nhiều hành khách đã để lại những ấn tượng khó quên

Đầu tiên là cậu sinh viên trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. “Sáng hôm ấy, tôi vừa trả khách tại gần cổng trường thì có một cậu trông rất thư sinh, nhưng ăn mặc hơi lôi thôi luộm thuộm bước nhanh đến. Tôi chưa kịp đóng cửa xe thì một cái đầu bù xù thò vào, bảo: "Bác có chạy xuyên Việt không?".

Quả thật, từ ngày làm tài xế ở Hà Nội, tôi chạy nhiều tỉnh miền núi Đông Bắc, rồi Tây Bắc, thậm chí có lần còn chạy vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… Nhưng chưa lần nào được đề nghị chạy xuyên Việt. Tôi nhủ thầm: "Cậu chàng này học nhiều đâm lú chăng?". Nhưng ngắm kỹ, vầng trán thông minh, đôi mắt sáng của cậu khiến tôi linh cảm đây sẽ là một chuyến đi thú vị trong cuộc đời cầm lái của mình.

Tôi gật đầu. Cậu thanh niên ấy (tên Chiển) bảo tôi đánh xe đến một siêu thị lớn. Khi trở ra, một chục các túi thức ăn, bánh trái, nước uống đủ loại được cậu chất đầy lên băng ghế sau. Thế rồi chúng tôi xuất phát ngay trong đêm.

Cầm tập bản đồ du lịch trên tay, đến tỉnh nào Chiển cũng yêu cầu tôi đưa đến các danh lam thắng cảnh, các khu du lịch. Tôi cũng không biết về thân nhân, lai lịch của cậu chàng. Chỉ biết rằng cậu có nhiều, rất nhiều tiền. Chúng tôi nghỉ ở những khách sạn sang nhất, gặp gì, thích gì mua nấy mà không phải suy nghĩ chuyện giá cả.

Quãng đường hơn 1735km từ Hà Nội và đến TP HCM, chúng tôi đi hết gần 2 tháng. Khi trở ra chúng tôi đi nhanh hơn, vì không còn nhiều chỗ để ghé thăm nữa. Cho đến tận ngày cuối cùng, Chiển yêu cầu tôi đưa đến đúng khu gần trường Đại học Sư phạm I, tôi mới hỏi: "Bây giờ tôi với cậu chia tay và có thể sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Có một điều tò mò là cậu lấy đâu ra mà nhiều tiền thế?".

Nghe Chiển trả lời mà tôi ngỡ mình nghe nhầm: "À, đợt trước cháu trúng đề 3 ngày liền, được gần 200 triệu đồng. Nhiều tiền quá chẳng biết làm gì, cháu mới nảy ra ý định đi chơi xuyên Việt cho thỏa chí tang bồng thôi!".

Sau chuyến chở cậu sinh viên đi xuyên Việt vài năm, ông Ba lại gặp một vị khách kỳ lạ khác. Ông này quê mãi trên Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Là người dân tộc Mông, ngày trẻ ông Mùa A Chang nhập ngũ. Cũng bôn ba khắp khu III, khu IV. Thế rồi giải ngũ, ông về làm bảo vệ cho một xí nghiệp may.

Ông này yêu cầu đi ngay trong đêm nên tôi bảo vợ chuẩn bị nào cơm nắm, xôi, thịt gà, nước nôi... để cứ thế ngày đi đêm nghỉ. Đói thì ăn, khát thì uống.

Ông khách về quê nhưng chỉ ôm một cái hộp nhỏ. Dường như có việc gì gấp gáp, người khách liên tục giục tôi đi thật nhanh. Quãng đường quốc lộ 6 từ Hà Tây-Hòa Bình qua Sơn La chúng tôi vượt qua khá nhanh. Tuy nhiên, khi đến gần địa phận huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thì đường bị sụt, các xe ôtô phải nối đuôi nhau kéo dài hàng chục km. Có một điều lạ là, dù trên xe, hay xuống ăn cơm, uống nước, thậm chí cả lúc đi… vệ sinh, lúc nào ông khách cũng ôm khư khư cái hộp.

Nằm lại huyện lỵ Thuận Châu gần 8h, đường mới thông. Ông Ba và người khách kỳ lạ lại lên đường. Đến đúng đèo Pha Đin thì trời tối. Ông khách giục, bác cố chạy đến tỉnh lỵ Điện Biên rồi nghỉ cả thể. Không muốn nằm lại giữa đường, ông Ba cũng cố tăng ga chạy.

Ông Ba không nhớ hôm ấy là mùng mấy, song trời tối lắm, tối như đêm ba mươi vậy. Ánh trăng thì gần như chìm khuất sau màn mây xám xịt. Thế rồi trời đổ mưa như trút nước. Suốt hơn 30km trên đèo, hầu như chỉ có xe ông Ba và một xe Toyota Vios nối đuôi nhau chạy. Tài xế chiếc xe Vios có lẽ đã quen đường, nên phóng với tốc độ rất cao. Ông Ba chỉ việc bám đuôi chiếc xe mà thả ga, chạy miết.

Được tầm hơn 20km, khi gần đến chân đèo, đột nhiên đèn pha chiếc xe Vios phía trước mặt yếu dần rồi tắt hẳn. Đang chạy với tốc độ cao, tài xế xe kia không kịp phản ứng, lao thẳng xuống vực. Ông Ba cũng giật mình trước tình huống quá nhanh, vội đánh lái vào phía trong nhưng không kịp. Chiếc xe vẫn trườn ra mép vực, ông cảm tưởng như cả hai bánh bên phải đã nằm ra ngoài vòng cua và chỉ trong giây lát nữa là ông cùng vị khách sẽ lăn lông lốc xuống vực y như số phận chiếc xe kia. Trong khoảnh khắc, mồ hôi ông túa ra đầm đìa.

Đột nhiên, như có luồng ánh sáng kèm năng lượng huyền bí nâng đỡ phía bên người khách ngồi, giữ chiếc xe lại vào cua rất "ngọt" và tiếp tục bon bon. Phải đến 5 phút sau, ông Ba mới tin rằng tay mình đang cầm vô lăng và xe mình còn trên đường. Riêng vị khách thì vẫn ôm chiếc hộp và "kéo gỗ" ầm ầm!

Vào đến địa phận Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thì ngớt mưa hẳn. Đến đúng 23h đêm, ông Ba thấy lấp lánh ánh đèn TP Điện Biên phía xa xa. Sau khi nghỉ lại Điện Biên một đêm, sáng hôm sau cả hai lại lên đường sớm.

Từ Điện Biên lên huyện lỵ Mường Tè hơn 200km, đi đến trưa thì tới nơi. Trong bữa cơm chia tay ông Chang, ông Ba kể lại vụ tý bay xuống vực cái tối ở đèo Pha Đin. Ông Chang cười rất tươi: "Có lẽ cái số tôi vẫn chưa bị Giàng bắt đi ông ạ. Mà cũng có thể do "nhà tôi" phù hộ nữa". Vừa nói, ông vừa chỉ vào cái hộp con con mà suốt quãng đường hơn 500km ông giữ khư khư. "Trước khi mất, bà nhà tôi muốn được chôn tại nơi chôn nhau cắt rốn. Thuê hẳn một chiếc taxi tải để mang xác về thì tôi hơi ngại vì đường xá xa xôi như thế. Hơn nữa, nếu mang về đến nơi lại phải "làm ma” ít nhất 3 ngày nữa, tôi không cam lòng để vợ tôi phải chịu khổ đến thế. Tôi quyết tâm đưa bà ấy ra nhà hóa thân Hoàn Vũ, rồi đem tro về chôn luôn".

Tôi nghe người khách nói mà rụng rời chân tay. Tôi nghĩ lại quãng đường về mà lòng ngao ngán. Thế nhưng thật may, tôi chạy miết từ trưa đến khoảng 20h tối thì tới Hà Nội.

Tôi đang chờ ông kể nốt câu chuyện về vị khách cuối cùng, song ông lôi dưới ghế sau một hộp đàn violon. Kéo một đoạn trong bản: "Song from secret garden", rồi trầm ngâm: "Đời taxi đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Những câu chuyện kỳ lạ không ít mà con người kỳ quặc cũng lắm. Thế nhưng điều đọng lại sâu đậm nhất trong tâm trí tôi lại là một con người đầy giản dị.

Thời ấy tôi ngoài 30 tuổi, cũng mới ra Hà Nội chạy taxi được một thời gian. Lúc đó, tôi có đứa con đầu lòng. Chạy taxi sớm khuya vất vả mà mỗi ngày chỉ kiếm được chút đỉnh. Lần con ốm, tôi cuống cuồng lo thuốc thang, viện phí nên túng lắm. Nghe lời bạn nghề, tôi đến một tiệm sửa ôtô, đề nghị người thợ chỉnh đồng hồ đo km lên gấp rưỡi.

Từ đó, số tiền hàng ngày chạy taxi của tôi đã tăng lên kha khá, song lúc nào mặc cảm tội lỗi cũng dằn vặt. Ngày nọ, có người khách cao tuổi đeo tay nải nhờ tôi chở về thị trấn Đông Anh. Đến nơi, nhìn đồng hồ tính tiền, vị khách khẽ lắc đầu song vẫn móc ví trả. Xuống xe, đi được một đoạn ông khách bỗng quay lại. Tưởng người khách quên gì, tôi hỏi: "Bác tìm gì vậy". "Tôi muốn nói với anh một điều. Nhà tôi bên Đông Anh, nhưng làm việc bên này. Đã nhiều lần tôi đi taxi, kể cả taxi hạng sang nhưng chưa bao giờ phải trả nhiều tiền như lần này. Có lẽ đồng hồ của anh hỏng rồi, nên thay đi". Nói xong ông khách đi thẳng.

Nghe người khách nói trúng tim đen, tôi ngượng quá, ngồi thần một lúc. Lát sau tỉnh ra, tôi định tìm ông lão để trả lại tiền thì không thấy đâu nữa. Việc đầu tiên khi trở lại Hà Nội là tôi quay lại địa điểm chữa xe, chỉnh lại đồng hồ. "Đời người trăm năm tưởng dài, nhưng quay đi quay lại cũng chả được bao nhiêu. Nên sống trung thực, để sau này không còn phải hối tiếc về điều gì". Ông Ba dừng lại ở đó, rồi lại lấy cây vỹ cầm lên, kéo bản Serenade khi ráng chiều chạng vạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN