Không vì bức xúc trước mắt mà bỏ quyền bầu cử

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói nếu có sự kiện ảnh hưởng đến đời sống của dân mà bức xúc là chính đáng, song không vì thế mà từ bỏ đi bầu cử để chọn ra lãnh đạo của đất nước 5 năm tới.

Không vì bức xúc trước mắt mà bỏ quyền bầu cử - 1

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trả lời báo chí sáng 17-5-ảnh: Văn Duẩn.

Sáng 17-5, trả lời báo chí về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân cho biết tiến tới bầu cử là một quá trình dài. Do bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND được tổ chức cùng chung 1 ngày nên khối lượng công việc rất lớn, tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ.

Hiện các địa phương đang rà soát lại việc chuẩn bị và khẳng định lại lực lượng của các lực lượng, sẵn sàng cho ngày bầu cử 22-5.

Trả lời câu hỏi về việc thời gian qua ở một số nơi có thành phần kích động, xúi giục người dân không đi bầu cử trong ngày 22-5 tới, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: Trong cuộc sống, ai cũng quan tâm đến gia đình, quê hương, đất nước mình. Nếu có sự kiện ảnh hưởng đến đời sống của dân mà không bức xúc thì không được. Chúng ta lo lắng cho nhân dân ở những nơi bị khó khăn là điều hết sức chính đáng.

Tuy nhiên, bầu cử 5 năm mới diễn ra 1 lần, chính là thể hiện quyền công dân được bầu chọn người thay mặt mình tham gia vào lãnh đạo Nhà nước cao nhất ở QH và HĐND các cấp ở địa phương. “Có thể chúng ta có tình cảm khác nhau, cũng có người nói quan điểm đó theo cách riêng làm bà con bức xúc, nhưng không vì bức xúc về một việc trong thời điểm hiện nay mà từ bỏ quyền và trách nhiệm rất thiêng liêng của mình là bầu chọn ra lãnh đạo của đất nước trong 5 năm tới” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định những bức xúc đó làm thế nào đảm bảo cho cuộc sống của bà con ngư dân tốt hơn trong tình hình hiện nay thì Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, trong đó có MTTQ Việt Nam đã tiếp tục thực hiện. Ngư dân khó khăn không bao giờ đơn độc.

Vừa qua, MTTQ cùng Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Đoàn Thanh niên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội chữ thập đỏ đã triển khai ký kết chương trình phối hợp, hỗ trợ các ngư dân gặp khó khăn. "Theo đánh giá ban đầu, 12.5000 tàu cá trong thời gian ngắn hạn không ra khơi được sẽ liên quan đến 60.000 lao động, chúng tôi đã có chương trình hỗ trợ 10% hộ dân khó khăn nhất. Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ rồi. Khi họ có khó khăn sức khỏe, không có điều kiện đi bệnh viện thì chúng tôi hỗ trợ bảo hiểm y tế" - ông Nhân nói.

Đối với những gia đình bố mẹ không đi đánh cá được không có thu nhập trong ngắn hạn, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ hỗ trợ không để trẻ em bỏ học.

Rộng hơn, tình trạng hạn mặn đang rất bức xúc, ngày 19-5, MTTQ và các tổ chức thành viên tổ chức ký kết hỗ trợ 10% cho khoảng 45.000 hộ có phương tiện trữ nước sinh hoạt, có thuốc lọc nước khi cần thiết. Đoàn thanh niên hình thành 10 trạm lọc nước thí điểm, lọc nước lợ thành nước ngọt với công suất 2.000 lít/ngày.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đồng bào chịu cảnh hạn hán và ngư dân khó khăn không đơn độc.

"Chúng ta có thể gặp khó khăn ngắn hạn cần suy nghĩ tiếp nhưng đừng vì thế từ bỏ quyền của mình để chọn người lãnh đạo xã mình, huyện mình, tỉnh, thành phố mình và đất nước mình trong 5 năm tới. Chúng tôi kêu gọi bà con hãy vì tương lai của chính mình, hãy đi bầu cử”- Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi

879 người ứng cử ĐBQH khoá XIV

Trong các ngày từ ngày 13 đến 17-4, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để thoả thuận lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khoá XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Kết quả như sau: tổng số người ứng cử là 879 người (gồm 197 người ở trung ương và 682 người ở địa phương), đạt tỉ lệ số dư là 1,76 lần. (Khóa XII là 880 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,76 lần, khoá XIII là 832 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,66 lần).

Trong 682 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XIV ở địa phương, có 671 người được giới thiệu ứng cử và 11 người tự ứng cử (giảm 267 người so với danh sách sơ bộ được lập tại các hội nghị hiệp thương lần thứ hai)

Có 344 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ 39,16%. (Khóa XIII có 262 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ 31,49%);

Có 206 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ 23,44%. (Khóa XIII có 134 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ 16,11%);

Có 99 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỉ lệ 11,26%. (Khóa XIII có 118 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỉ lệ 14,18%);

Có 168 người ứng cử là ĐBQH khóa XIII tái ứng cử, tỉ lệ 19,11%. (Khóa XIII có 183 người ứng cử là tái cử, tỉ lệ 21,99%);

Có 271 người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), tỉ lệ 30,83%. (Khóa XIII có 183 người ứng cử là người trẻ tuổi, tỉ lệ 21,99%);

Có 11 người tự ứng cử, tỉ lệ 1,25%. (Khóa XIII có 15 người tự ứng cử, tỉ lệ 1,8%).

Về trình độ học vấn: Trong số 879 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV cả nước có: GS-TS, PGS-TS, TS có 148 người (16,84%); Thạc sĩ 293 người (33,33%); Đại học 411 người (46,76%); Cao Đẳng, Trung cấp, Đào Tạo ngắn hạn 20 người (2,28%); Trung học phổ thông 3 người (0,34%).

Trong số 682 người ứng cử ở địa phương có 114 người thuộc khối MTTQ Việt Nam (bao gồm Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở địa phương), tỉ lệ 16,72%. Khóa XII là 126 người, tỉ lệ 17,62%; khoá XIII là 109 người, tỉ lệ 16,77%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN