"Không nhất thiết có quốc phục, lễ phục"

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, không thể kết hợp complet – áo dài để làm bộ lễ phục Nhà nước bởi đó là sự phối hợp khập khiễng, không mang giá trị văn hóa.

Lễ phục nam nên lấy áo dài, khăn đóng?

Trong cuộc hội thảo lễ phục Nhà nước do Bộ VHTTDL tổ chức 17/4, mặc dù Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã đưa tiêu chí để tham luận “không nên bó hẹp trong phạm vi lễ hội Nhà nước mà cần mở rộng thành tìm kiếm lễ phục Việt với các tiêu chí đẹp, tiện dụng, đa nghĩa, sử dụng được trong nhiều bối cảnh”, nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia. Có ý kiến cho rằng việc chọn quốc phục là cần thiết, lại có ý kiến phản đối vì không có quốc gia nào quy định về quốc phục, lễ phục.

Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP. HCM cho rằng, việc sớm hoàn thiện quốc phục là việc làm cần thiết, vì đó là niềm tự hào chung của cả một dân tộc vốn có nền văn hiến hàng ngàn năm lịch sử.

“Quốc phục là quần áo và trang phục truyền thống của một quốc gia, một địa phương, một dân tộc, hoặc có khi là một thời kỳ lịch sử nào đó của một nhóm người. Mặc quốc phục thường mang ý niệm củng cố tinh thần đoàn kết của một cộng đồng hay đoàn thể. Trong khi trang phục truyền thống có thể bao gồm nhiều loại quần áo, quốc phục là trang phục trang trọng nhất của thường dân dành cho các dịp khánh tiết”, PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên cho biết.

"Không nhất thiết có quốc phục, lễ phục" - 1

Hơn 20 năm qua vấn đề lễ phục, quốc phục vẫn chưa có hồi kết (Ảnh minh họa)

Ông Tiên cũng nhận định: “Việc sớm có một bộ lễ phục Nhà nước là điều cần thiết. Bởi lễ phục thể hiện lòng tự hào, sự đoàn kết của cả một dân tộc. Vì thế, lễ phục Nhà nước phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của dân tộc khi tham gia các lễ trọng đại của đất nước, thể hiện lòng tự hào, tự cường dân tộc. Nó phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam”.

Về việc chọn bộ trang phục nào để trở thành lễ phục, quốc phục, PGS. TS Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, nên chọn áo dài cho nữ, áo dài khăn đóng cho nam, bởi nó phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và thời đại hiện nay.

“Tại cuộc hội thảo ngày 17/4, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia phân tích rõ về đặc trưng của trang phục dân tộc, quốc phục và lễ phục. Khó ở đây là quốc phục, lễ phục vừa dùng chung cho cả quốc gia với 54 dân tộc (mỗi dân tộc có một trang phục truyền thống riêng) vừa có tính truyền thống mang bản sắc văn hóa chung, đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại.

Có ý kiến đề xuất, chọn cặp “complet - áo dài” làm lễ phục Nhà nước vì cho rằng, Âu phục hoàn toàn phù hợp với sự phát triển toàn cầu và xét về yếu tố thẩm mỹ, bộ Âu phục của nam giới đứng bên cạnh áo dài của nữ giới có sự tương hợp đẹp mắt. Tuy nhiên bản thân tôi không đồng tình với ý kiến này.

"Không nhất thiết có quốc phục, lễ phục" - 2

PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên (ở giữa) cho rằng nên chọn áo dài khăn quấn làm lễ phục cho nam

Áo dài là trang phục Việt hóa của phụ nữ Việt Nam, từ lâu đã được mọi người coi là một trang phục truyền thống có thể làm lễ phục Nhà nước cho nữ. Tuy nhiên, với nam giới, việc chọn complet veston của Châu Âu là không phù hợp. Càng không thể kết hợp “complet – áo dài” để làm bộ lễ phục Nhà nước. Bởi đó là sự phối hợp khập khiễng, không mang giá trị văn hóa truyền thống theo tiêu chí của lễ phục Nhà nước, đồng thời nó cũng thể hiện sự nghèo nàn về nghệ thuật, càng không thể làm biểu tượng khích lệ lòng tự hào dân tộc.

Theo tôi, lễ phục dành cho nam nên chọn áo dài khăn đóng, bởi đó là trang phục kế thừa văn hóa và lịch sử của dân tộc đến ngày hôm nay. Hiện nay trong lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương hay trong nhiều lễ hội người ta vẫn mặc loại trang phục này. Còn nếu đi công tác nước ngoài, trang phục áo dài, khăn đóng nhìn yếu thì có thể cách điệu áo veston cho nam giới sao cho phù hợp với áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Sự cách điệu này phải làm sao thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên đề xuất.

"Không nhất thiết phải có quốc phục, lễ phục"

Trái ngược với đề xuất trên của PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, GS Ngô Đức Thịnh nhận định: “Áo dài, khăn đóng của nam giới nhìn yếu ớt, không phù hợp khi đi đôi với áo dài dành cho phụ nữ Việt Nam. Áo dài phụ nữ Việt Nam đã trở thành truyền thống, nhắc đến phụ nữ Việt Nam, người ta liên tưởng ngay đến tà áo dài nên không thể tìm được loại trang phục khác để thay thế áo dài phụ nữ. Nếu kết hợp áo dài khăn đóng của nam giới đi đôi với áo dài phụ nữ thì không phù hợp. Ví dụ, nguyên thủ quốc gia mặc áo dài khăn đóng khi đi ngoại giao, nếu đi cùng một phụ nữ Việt với trang phục áo dài truyền thống thì không toát lên vẻ nam tính oai vệ của vị nguyên thủ quốc gia”.

"Không nhất thiết có quốc phục, lễ phục" - 3

GS Ngô Đức Thịnh: Không nên quan tâm quá đến vấn đề quốc phục

Tuy nhiên, về đề xuất chọn cặp complet - áo dài làm lễ phục, quốc phục, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, nhìn bên ngoài thì phù hợp nhưng lại không thể hiện được bản sắc văn hóa Việt cũng như lòng tự hào dân tộc.

"Áo dài phụ nữ Việt Nam mà kết hợp với bộ quần áo complet tuy nhìn thì rất hợp lý nhưng xét ở góc độ văn hóa thì đó không thể là một bộ quốc phục. Nguyên tắc của một bộ quốc phục là làm sao phải thấy được truyền thống văn hóa và hiện đại, phải có tính dân tộc, trong khi rõ ràng, ai cũng nhận thấy, quần áo complet, veston xuất phát từ châu Âu”, ông Thịnh nói.

Theo đó, ông Thịnh đưa quan điểm: “Đừng quan tâm quá đến vấn đề quốc phục bởi trên thực tế không nhất thiết phải có quốc phục, nhiều nước khác cũng đâu có quy định về quốc phục. Trong khi đó, rất nhiều những vấn đề văn hóa khác lẽ ra đáng phải quan tâm thì lại không lo".

"Nước ta đa dạng những sắc màu văn hóa, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng thể hiện qua những trang phục đa sắc màu, kiểu dáng. Giống như việc chọn quốc hoa, việc đi chọn một cái trong nhiều cái có sẵn là rất khó. Vì sao khi thực hiện chọn quốc phục lại mất thời gian dài đến như thế? Bởi vì quốc phục là quần áo mặc lên người. Khi mặc lên người thì phải xem quần áo thật ấy có trang trọng không? Có tính dân tộc không? Có đẹp không? Kết hợp hài hòa như thế nào, vải vóc ra sao?... Thực tế đó là chuyện của các nhà tạo mốt".

"Khi chưa tìm được bộ quốc phục hợp lý thì nên cứ từ từ, sao phải vội, bởi không nhất thiết phải cần có ngay. Làm sao để ra được một bộ quốc phục phải điển hình, sang trọng chứ vội vã, làm cho xong, bộ quốc phục mà như phường tuồng là không được".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Ninh (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN