"Không dễ để thực thi quyền im lặng ở nước ta"

"Ở ta luật sư ít, tỷ lệ số người dân so với luật sư là 14.000 người/1 luật sư. Chưa kể luật sư muốn bào chữa cần phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, nên khi bàn đến vấn đề này rõ ràng còn khó khăn xa vời, còn là một khoảng cách lớn".

Liên quan đến một số vấn đề lớn trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau, Dân Việt đã trao đổi với đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.
 

"Không dễ để thực thi quyền im lặng ở nước ta" - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền.

Ông nghĩ sao trước đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa đối với giới luật sư?

- Tôi đồng ý với đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, luật sư chỉ cần thông báo với cơ quan tiến hành tố tụng rằng sẽ là người tiến hành bào chữa, trên cơ sở sự đồng ý của bị can, bị cáo hoặc gia đình của họ. Còn nếu vẫn thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận thì thời gian sẽ lâu.

Ví dụ khi không đồng ý cấp giấy  thì đại diện cơ quan tố tụng có thể tìm đủ mọi cách để không cấp, hoặc cấp chậm, họ có thể viện lý do như họ đi vắng, đi công tác... Như vậy, sẽ rất khó cho người bào chữa và cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người cần được bào chữa.

Tôi cho rằng trong hoạt động tố tụng cũng cần giảm bớt thủ tục hành chính đi.

Việc đề xuất ghi âm, ghi hình khi hỏi cung được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành, tuy nhiên cần có quy định chặt chẽ hơn, nếu không việc ghi âm, ghi hình thành diễn xuất, còn việc bức cung, nhục hình vẫn xảy ra. Ông nghĩ sao?

- Tôi cho rằng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là biện pháp hết sức cần thiết. Còn giữa quy định và thực tế sẽ còn những cái khác nhau, trong quá trình tổ chức thực hiện cần làm tốt.

Thực ra việc đánh đập, nhục hình thường diễn ra ở giai đoạn tiền tố tụng, nghĩa là khi mới xảy ra sự việc. Lúc này một số lực lượng công an, ví dụ như công an cấp xã họ bắt nghi can trước, lúc đó chưa được công khai nên có thể xảy ra chuyện bức cung, nhục hình. Còn khi đã tiến hành điều tra công khai, cùng với máy ghi âm, ghi hình thì đó là điều kiện rất tốt để làm rõ quá trình hỏi cung.

Có nhiều người nói là bị đánh đập, nhục hình trong quá trình hỏi cung, nếu có băng ghi âm, ghi hình sẽ chứng minh được có hay không chuyện đó. Còn nếu có vấn đề gì khác thì thông qua việc kiểm soát băng ghi âm, ghi hình chúng ta sẽ xem xét, làm rõ.

Tôi tin khi có ghi âm, ghi hình thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng hơn, làm đúng luật hơn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc trang bị máy ghi âm, ghi hình cho tất cả các phòng hỏi cung trên toàn quốc, rồi đến chuyện kho lưu trữ  các băng đó là việc rất khó khăn, tốn kém, không khả thi. Quan điểm của ông thế nào?

- Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trong lần trả lời trước Quốc hội (tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII) đã nói "chúng tôi đã làm, đang làm". Lần này cơ bản Bộ Công an cũng đồng tình, nên tôi nghĩ có thể thực hiện được việc trang bị máy ghi âm, ghi hình.

Thực ra máy ghi âm, ghi hình hiện nay cũng không đắt, vấn đề chúng ta bố trí làm sao cho phù hợp. Nếu nói chỉ ghi âm, ghi hình cho những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì gây lãng phí, bởi đằng nào cũng phải mua sắm máy móc. Nên khi đã có máy rồi thì ghi âm, ghi hình hết các cuộc hỏi cung.

Về quyền im lặng của người phạm tội, bị can, bị cáo, hoặc cụ thể hơn là “quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, dường như ông cũng chưa hẳn đồng tình?

- Ở các nước họ ghi vào trong luật đầy đủ là “quyền im lặng của người bị bắt để chờ người bào chữa”. Còn quyền này ở ta ghi khác đi một chút, tức là “người bị bắt không buộc phải khai báo những vấn đề gì chống lại mình”.

Các nước họ ghi thẳng quyền im lặng chờ người bào chữa là vì điều kiện của họ có luật sư nhiều, khi có yêu cầu luật sư đến ngay. Còn ở ta luật sư ít, tỷ lệ số người dân so với luật sư là 14.000 người/1 luật sư. Chưa kể luật sư muốn bào chữa cần phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, nên khi bàn đến vấn đề này rõ ràng còn khó khăn xa vời, còn là một khoảng cách lớn.
 
- Xin cảm ơn ông!
“Trong điều kiện nước ta hiện nay, số vụ án có luật sư tham gia chỉ chiếm hơn 20% và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn (ngay ở TP.HCM tỷ lệ này cũng chỉ có 15%), thử hỏi quy định nghi can có quyền im lặng chờ tới khi có luật sư có khả thi hay không? Mỗi năm có khoảng 130.000 nghi can, cơ quan điều tra cứ ngồi chờ luật sư đến mới lấy được lời khai, điều này sẽ mâu thuẫn với chính hàng loạt các quy định trong luật như: Yêu cầu cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay của người mới bị bắt; nếu chưa có lời khai thì VKS cũng chưa dám phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, bắt tạm giam…”.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết (thực hiện) ([Tên nguồn])
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN