Khổ cực tình cảnh LĐ bị ngân hàng xiết nợ

Sau khi đi XKLĐ tại Maldives về nước trước hạn không được Công ty TNHH Thương mại Quốc tế (TRAIDECO) thanh lý hợp đồng thoả đáng, anh Vũ Đức Luận cùng một số anh em lao động bất ngờ bị người của ngân hàng Chính sách xã hội đến “thúc” nợ…

Không có việc còn 'ôm' nợ vào người

Đã 4 năm nay, kể từ ngày đi XKLĐ từ Maldives phải về nước trước hạn, anh Vũ Đức Luận cùng anh Tô Văn Hùng (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) luôn phải sống trong cảnh lo lắng vì khoản nợ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Võ Nhai đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Khổ cực tình cảnh LĐ bị ngân hàng xiết nợ - 1

Anh Luận và anh Hùng chưa được Công ty TRAIDECO thanh lý hợp đồng thoả đáng nhưng đã bị ngân hàng xuống "thúc" nợ

Anh Luận kể, giữa năm 2008 anh được vay 30 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội theo chương trình hộ nghèo để đi XKLĐ tại Maldives qua Công ty TNHH Thương mại quốc tế (TRAIDECO). 

Ngày 23/8/2008, anh Luận và anh Hùng cùng với một số anh em lao động được công ty TRAIDECO đưa sang làm việc tại Thủ đô Male. Tuy nhiên, sang đến nơi phải 13 ngày sau anh Luận, anh Hùng mới được bố trí việc làm tại công trường xây dựng.

Tưởng chừng như mọi việc sẽ ổn thoả thì bất ngờ anh Luận và anh Hùng cùng nhiều lao động Việt Nam nhận được thông báo quyết định đuổi việc do khủng hoảng kinh tế tại Madives.

Không có việc làm, anh Luận có gặp ông Lê Ngọc Tuấn là Giám đốc của Công ty TRAIDECO lúc đó sang khảo sát công việc tại TP Male. Anh có nói với ông Tuấn tìm việc cho anh em làm để kiếm tiền về trả nợ, chứ nếu phải về nước ngay thì không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng.

Thế nhưng, do tình hình kinh tế tại Madives lúc đó nên ông Tuấn không thể tìm thêm được việc làm cho nhóm lao động này. Sau đó ít ngày, anh Luận, anh Đức và 6 lao động khác  được đưa về nước.

Về nước, anh Luận và anh Hùng được Công ty TRAIDECO gọi lên thanh lý hợp đồng với mức 5 triệu đồng/người. Tuy nhiên, nhóm lao động này đã không chấp thuận vì mức thanh lý quá thấp so với số tiền 38 triệu đồng/người mà các anh phải bỏ ra để đi.

“Ngoài khoản nợ vay ngân hàng 30 triệu đồng, chúng tôi còn phải vay mượn ngoài mới có thể có đủ 38 triệu đồng nộp cho công ty với mong muốn sang có công ăn việc làm về trả nợ. Chúng tôi không thể nào đồng ý được”, anh Luận nói.

Khổ cực tình cảnh LĐ bị ngân hàng xiết nợ - 2

Về nước trước hạn anh Nguyễn Văn Đức phải bỏ ra 8 triệu đồng tự mua vé máy bay nhưng không được công ty TRAiDECO thanh toán

Không phải về nước trước hạn như anh Luận và anh Hùng, anh Nguyễn Văn Đức ở xã Lang Thượng (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) sang Maldives làm việc từ tháng 7/2008 cũng qua Công ty TRAIDECO.

Sang làm việc được 10 tháng với mức lương chưa đầy 200 USD/tháng nhưng anh Đức chỉ mới nhận được 4 tháng lương, số còn lại không thể lấy được do công ty của nước sở tại tuyên bố phá sản.

Điều đáng nói là khi không có việc và buộc phải về nước trước hạn, anh Đức có yêu cầu ông Tuấn mua vé máy bay thì ông Tuấn đã không mua, bỏ mặc anh vất vưởng nơi đất khách quê người.

Cuối cùng, anh Đức phải bỏ toàn bộ số tiền tích cóp được 8 triệu đồng sau 4 tháng làm việc để mua vé máy bay. Đến nay, do mất hết giấy tờ nên anh Đức vẫn chưa được công ty TRAIDECO thanh lý hợp đồng.

Doanh nghiệp phá sản, ngân hàng xiết nợ lao động?

Thời gian gần đây, anh Luận và anh Đức thương xuyên thấy người của Ngân hàng Chính sách huyện Võ Nhai xuống yêu cầu ký vào biên bản trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên họ đã một mực không ký.

Anh Đức nói: “Ngân hàng cho chúng tôi vay chỉ là trên giấy tờ và ngân hàng chuyển tiền trực tiếp cho Công ty TRAIDECO. Khi sự việc không may xảy ra ngân hàng cũng phải có trách nhiệm làm việc cùng doanh nghiệp để thanh lý hợp đồng hợp lý cho chúng tôi”.

Thời gian gần đây, anh Luận và anh Hùng có lên hỏi Phòng lao động xã hội huyện Võ Nhai về trách nhiệm của Công ty TRAIDECO trong việc thanh lý hợp đồng thì được cho biết: hiện Công ty TRAIDECO đã bị phá sản và huyện cũng không biết phải tìm công ty ở đâu.

Trước tình trạng thời gian gần đây liên tiếp bị người của Ngân hàng Chính sách xã hội Võ Nhai xuống hỏi về khoản nợ vay, các lao động này đã làm đơn gửi lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) mong được cấp có thẩm quyền giải quyết.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Hiện Cục đã nhận được đơn của 3 lao động này và sẽ kiểm tra cụ thể từng trường hợp một sau đó sẽ có hướng giải quyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Điệp ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN