Khiêu khích CSGT: Xử thế nào?

Dù luật đã quy định nhưng thực tế những kẻ khiêu khích, lăng mạ CSGT trên đường vẫn rất ít bị xử lý.

CSGT bắn người vi phạm giao thông tại Thanh Hóa đã bị đình chỉ công tác để điều tra. Tuy nhiên nhiều độc giả gửi thư cho tòa soạn chúng tôi, vẫn tỏ ra bất bình trước hình ảnh 2 thanh niên vi phạm giao thông không chấp hành hiệu lệnh lại lạng lách đánh vòng tỏ thái độ coi thường pháp luật.

Khó xử lý...

Thực tế lâu nay, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, những thanh niên đi xe có hành vi như trên vẫn không hiếm gặp. Thậm chí, không ít trường hợp cố tình khiêu khích, chửi bới, lăng mạ CSGT trên đường. Tuy nhiên pháp luật quy định thế nào về hành vi này và cơ quan chức năng có xử lý được hay không?

Trung tá Nguyễn Văn Đức (nguyên Đội trưởng Đội CSGT số 2 – Hà Nội) cho biết, hành vi bỏ chạy, khiêu khích, thách thức CSGT trên đường đều đã có quy định xử phạt. Nhưng thực tế trước tới nay, những trường hợp này vẫn rất ít bị xử lý.

Ông Đức phân tích: CSGT đang làm nhiệm vụ tại ngã tư, phát hiện một đối tượng vi phạm giao thông. CSGT ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nhưng người vi phạm không dừng lại, phóng xe bỏ chạy, thậm chí tỏ thái độ thách thức.

Đó là hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông”. Theo quy định, với người đi xe máy, hành vi này chỉ có thể bị xử phạt hành chính 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Ngoài việc bỏ chạy, đôi khi những thanh niên còn quay lại chửi bới, cử chỉ tục tĩu. Đây đã có thể coi là hành vi xúc phạm người thi hành công vụ.

Khiêu khích CSGT: Xử thế nào? - 1

Không ít trường hợp cố tình khiêu khích, chửi bới, lăng mạ CSGT trên đường.

Trung tá Nguyễn Văn Đức cho biết, trong những năm tháng công tác vừa qua, ông đã chứng kiến rất nhiều lần cán bộ chiến sĩ cấp dưới bị một số đối tượng đi đường chửi bới, khiêu khích, thách thức. Đôi khi CSGT đang đứng ở ngã tư làm nhiệm vụ, có những thanh niên đi qua bỗng dừng lại chửi tục một hai câu rồi phóng xe chạy.

Nhưng ông Đức cho hay, cơ quan chức năng vẫn khó xử lý các đối tượng này. Bởi CSGT chưa có đủ trang thiết bị có thể ghi lại hình ảnh, âm thanh làm bằng chứng. Khi bắt lại được, các đối tượng vẫn cãi nên rất khó cho CSGT. Mà theo Trung tá Đức, về nguyên tắc, muốn xử lý thì CSGT phải chứng minh được hành vi đó. Thậm chí phải có nhân chứng xác nhận.

Có thể truy cứu hình sự

Trả lời chúng tôi, Luật sư Tạ Ngọc Sơn (GĐ Công ty Luật Kosy, Hà Nội) cho rằng những hành vi như trên có thể xếp vào 2 nhóm.

Trước hết, các hành vi vi phạm giao thông lại bỏ chạy hoặc không xuất trình giấy tờ, lạng lách, là hành vi vi phạm về lĩnh vực giao thông đường bộ. Các hành vi này sẽ bị xử phạt theo các chế tài quy định tại Nghi định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 121. BLHS quy định về tội làm nhục người khác:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a, Phạm tội nhiều lần;

d) Đối với người thi hành công vụ;

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Hành vi trêu ngươi, chửi tục, thách thức CSGT là vi phạm trật tự công cộng. Do đó các trường hợp này sẽ bị phạt hành chính theo quy định trong Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đối tượng nào có hành vi này mà đã từng bị xử phạt hành chính hoặc đã từng bị kết án, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Trong khi đó, Luật sư Hà Huy Phong (GĐ Công ty Luật Inteco, Hà Nội) cho rằng, những hành vi trên rất khó để bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Luật sư Phong viện dẫn, việc khiêu khích, chửi bới CSGT có thể bị coi là có “lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự” và sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.

Trường hợp 2 thanh niên bị bắn tại Thanh Hóa, theo LS. Phong, họ có dấu hiệu của hành vi: không chấp hành hiệu lệnh, lạng lách đánh võng. Việc không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông chỉ có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Tuy nhiên nếu điều khiển xe lạng lách đánh võng mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ có thể bị phạt 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng.

Vị luật sư này cho biết thêm, trong trường hợp đối tượng điều khiển xe máy vòng đi, vòng lại nhiều lần, cố tình “trêu ngươi” CSGT, vẫn có thể bị xem xét để khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Mặt khác, nếu đối tượng chửi bới, lăng mạ CSGT, vẫn có thể coi là hành vi xúc phạm nhân phẩm của người cán bộ đó. Nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, có thể bị xem xét truy cứu hình sự về tội “làm nhục người khác”.

Nghị định 71 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ” quy định:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với người điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

Phạt tiền từ 10 triệu - 14 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ.

Nghị định 73 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội” quy định:

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh sự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN