Khi nhóm lợi ích ra tay!

Hè 1994, Vladimir Gusinsky thắng lớn trên con đường kinh doanh. Đài truyền hình NTV của ông liên tiếp hốt bạc nhờ quảng cáo. Mối quan hệ cá nhân với thị trưởng Matxcơva Luzhkov đã giúp mọi việc suôn sẻ. Không chỉ truyền thông, Gusinsky còn mở rộng hoạt động doanh nghiệp sang xây dựng và ngân hàng. Thanh thế Gusinsky nổi như cồn.

Khi lập danh sách tỉ phú Nga vào hè 1994, Tổ chức thăm dò Vox Populi đã xếp Gusinsky đứng đầu về tài chính và thứ hai về quyền lực (trong khi Berezovsky chỉ được xếp thứ 17 về tài chính và 13 về quyền lực). Tuy nhiên, Gusinsky không có mặt trong Câu lạc bộ đồi Chim Sẻ, bởi ông là đối thủ của tất cả thành viên câu lạc bộ này. Đó cũng là lý do mà sau này Gusinsky đã bị một trận “hội đồng” khiến gần như thanh bại danh liệt.

Khi nhóm lợi ích ra tay! - 1

Tỉ phú Vladimir Gusinsky (nghe điện thoại) được xem là người giàu nhất nước Nga năm 1994 - Ảnh: rferl.org

Loại trừ đối thủ!

Sự lớn mạnh “không kiểm soát nổi” của Gusinsky cùng quan hệ “mờ ám” với thị trưởng Luzhkov đã khiến Yeltsin khó chịu. Berezovsky có lần tường trình rằng Gusinsky có lệ gửi phong bì hối lộ vào thứ năm hằng tuần cho nhiều viên chức chính phủ, từ 500 USD đến vài ngàn đôla - tùy mức độ “nhờ cậy”. Để trừ khử Gusinsky, Berezovsky đã liên minh với con gái Yeltsin - Tatyana Dyachenko. Trong khi đó chính trường Nga tiếp tục hỗn loạn. Ngày 11/10/1994, kinh tế Nga gần như sụp đổ khi đồng rup mất giá 27%. Một tuần sau, Dmitri Kholodov - phóng viên điều tra của nhật báo Moskovsky Komsomoles, lúc đó đang phanh phui vụ tham nhũng trong quân đội - bị giết chết bởi một quả bom...

Cuối năm 1994, chiến dịch tiêu diệt Gusinsky được bật đèn xanh, dù một cố vấn riêng của Yeltsin nói rằng không có cơ sở cho cuộc động thủ và quy kết Gusinsky. Nhưng sự bực tức của Yeltsin đối với Gusinsky càng tăng khi Đài truyền hình NTV tung ra các bài bình luận tiêu cực về cuộc chiến của Kremlin với lực lượng ly khai Chechnya. Thế rồi, chiến dịch tấn công Gusinsky từng bước được thực hiện. Ngày 19/11/1994, Rossiiskaya Gazeta tung ra bài viết mang tựa Tuyết bắt đầu rơi, mang nội dung quy chụp rằng Gusinsky đang bí mật lập kế hoạch lật đổ Yeltsin và đưa (thị trưởng Matxcơva) Luzhkov lên ghế tổng thống.

Từ vài “nguồn tin không thể tiết lộ”, Rossiiskaya Gazeta cho biết thêm Gusinsky cũng là thủ phạm đứng sau vụ gây mất giá đồng rup vào tháng 10. Sáng 2/12/1994, một nhóm mang mặt nạ đen thủ súng tự động bất ngờ xâm nhập tư dinh Gusinsky ở ngoại ô Matxcơva. Sau đó, Gusinsky bị bám sát khắp nơi. Cuộc khủng bố tinh thần thực hiện hằng ngày và vợ Gusinsky sợ đến mức phải trốn ra nước ngoài.

Ngày 18/12/1994, Gusinsky phải sang Anh, náu tại London sáu tháng, nhưng vẫn bị nhận các cú điện thoại hăm dọa. Cuối cùng, “tuyết” ngưng rơi. Gusinsky đầu hàng. Ông không còn công khai đi lại với Luzhkov và phải “nhường” thương vụ Hãng hàng không Aeroflot cho Berezovsky...

Khi nhóm lợi ích ra tay! - 2

Một bức ảnh hiếm hoi về cuộc gặp gỡ của các đại gia giàu có và đầy quyền lực ở nước Nga thập niên 1990: từ trái qua: Smolensky, Khodorkovsky, Berezovsky và Gusinsky - Ảnh: liveinternet.ru

Ngân hàng, năng lượng: món mồi béo bở

Thành viên Câu lạc bộ đồi Chim Sẻ liên tục chiếm lĩnh và dần thống trị nền kinh tế Nga. Ngân hàng Menatep của Mikhail Khodorkovsky hốt bộn bạc từ sự trồi sụt của đồng rup. Đến tháng 9/1995, Khodorkovsky - mới 31 tuổi - đã xây dựng được một vương quốc khổng lồ. Tập đoàn Rosprom của Khodorkovsky kiểm soát 29 công ty liên quan đủ ngành, từ dầu hỏa, hóa chất, chế biến thực phẩm, dệt đến bột giấy... Như Berezovsky, Khodorkovsky cũng tìm cách thâm nhập Kremlin.

Ngay trong năm đầu của chế độ Boris Yeltsin, Khodorkovsky đã làm cố vấn riêng cho Vladimir Lopukhin (bộ trưởng năng lượng và nguyên liệu trong nội các Gaidar). Lopukhin tạo vỏ bọc bằng cách “chế” ra ghế thứ trưởng đặc trách quỹ đầu tư cho Khodorkovsky. Nhờ vậy, Khodorkovsky tiếp cận được nhiều thông tin nội bộ liên quan chính sách khai thác năng lượng của chính phủ mà không người ngoài nào có thể biết được... Nhân vật thứ hai trong Câu lạc bộ đồi Chim Sẻ cũng phất nhanh trong giai đoạn này là Vladimir Potanin. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Matxcơva, Potanin làm việc tại Bộ Mậu dịch nước ngoài và bắt đầu thiết lập doanh nghiệp riêng ngay sau khi Liên Xô tan rã. Tháng 4/1993, Potanin thành lập Ngân hàng Xuất - nhập khẩu thống nhất (Uneximbank) và nhanh chóng trở thành một trong những những ông chủ ngân hàng giàu nhất Nga.

Trong cùng thời gian, giới tài phiệt mới cũng bắt đầu móc nối thành phần tư bản phương Tây. Trong thương vụ mua công ty khổng lồ Norilsk Nickel, Ngân hàng Incombank của Vladimir Vinogradov, Ngân hàng Alfa Bank của Mikhail Friedman và Ngân hàng Rossiisky Kredit của Valery Malkin đã gõ cửa tỉ phú dầu hỏa Mỹ Martin S. Davis xin tài trợ. Tuy nhiên, ba ông chủ ngân hàng trên đã bị Khodorkovsky chơi xỏ. Trước đó không lâu, Khodorkovsky phái đại diện sang Mỹ gặp Martin S. Davis nói rằng việc cho giới doanh nghiệp Nga vay thời điểm đó là điều nguy hiểm. Mục đích của Khodorkovsky là muốn ba ông chủ ngân hàng trên đến vay Ngân hàng Menatep của mình.

Cùng lúc, Khodorkovsky cũng vận động hậu trường để mua Công ty dầu Yukos, khi công nghiệp dầu bắt đầu trở thành mục tiêu số một của giới trùm tư bản mới. Và trong khi Khodorkovsky nhắm vào Yukos, Berezovsky tập trung vào chiến dịch mua Sibneft (công ty dầu lớn thứ sáu tại Nga thời điểm 1995). Như các ông trùm mới nổi khác, Berezovsky cũng không đủ tiền cho thương vụ Sibneft và cuối cùng đến gặp nhà tài phiệt George Soros (lúc đó George Soros được xem là “người hùng vĩ đại”, với chiến dịch tung hàng trăm triệu đôla cho công tác “từ thiện”). Tuy nhiên, Berezovsky cũng bị Soros khước từ, khi bày tỏ lo lắng rằng thủ lĩnh đảng Cộng sản Gennady Zyuganov có cơ hội thắng cử tổng thống. Dù vậy, Berezovsky cuối cùng cũng mua được Sibneft với giúp đỡ của Smolensky. Trong phiên đấu giá Sibneft, Berezovsky ra giá cao hơn vỏn vẹn 300.000 USD so với giá khởi điểm 100 triệu USD. Vài năm sau, Sibneft đã trị giá 1 tỉ USD.

Đến cuối năm 1995, các ông trùm Potanin, Khodorkovsky và Berezovsky đã thủ trong tay những chiếc chìa khóa quan trọng nhất của nền công nghiệp Nga. Trong cùng thời gian, không khí chính trị Nga bắt đầu có vài chuyển biến. Đảng Cộng sản đã giành nhiều ghế trong cuộc bầu cử quốc hội và thủ lĩnh Zyuganov chuẩn bị tư thế bước vào cuộc tranh cử tổng thống vào hè năm sau (1996) với nhiều khả năng chiến thắng.

Boris Yeltsin đang lâm nguy. Và các ông trùm tài phiệt chuẩn bị chiến dịch ra tay “cứu chúa”...

“Tất cả thương vụ làm ăn giai đoạn này (thập niên 1980) đều thành công chỉ với điều kiện chúng phải được bảo trợ bởi giới chức cấp cao từ những quan hệ chặt chẽ - Mikhail Khodorkovsky nói huỵch toẹt vào năm 1991 - vấn đề không phải là tiền mà là sự đỡ đầu. Thời điểm đó, anh buộc phải có sự bảo trợ chính trị”.

Và cuối cùng thì Khodorkovsky cho thấy mình đã qua mặt và “trên cơ” hơn cả những người bảo trợ ở giai đoạn đầu lập nghiệp. Khodorkovsky  tham vọng và tàn bạo hơn chính những đồng chí từng cùng mình chạy đua học đòi chủ nghĩa tư bản, và cũng cho thấy mình có khả năng biến báo và thông minh hơn những ông sếp KGB trước kia từng giúp mình. Tất cả họ đều không thể đi xa hơn Khodorkovsky, khi chen đẩy nhau để bước vào những toa xe đầu tiên chở đến miền đất hấp dẫn của một “tân thế giới” vừa hình thành lúc đó ở Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Trí (Tuổi Trẻ)
"Bố già" Nga lũng đoạn chính trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN