Khi cái chết là lựa chọn cuối cùng…

Một người mẹ bệnh tật tự tìm đến cái chết để gia đình bớt gánh nặng, và kiếm tiền phúng viếng để trả nợ và nộp học phí cho con; Hai cô gái uống thuốc diệt cỏ tự tử vì không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông,… Phải chăng, đó là sự lựa chọn cuối cùng của những con người nghèo khổ?

Tuần qua, dư luận xôn xao về các vụ tử vì gia cảnh nghèo khó. Nghèo không có tiền cho con đi học, người mẹ phải tự tử. Nghèo không có tiền chữa bệnh, nam thanh niên phải quên sinh để đỡ gánh nặng cho gia đình. Rồi đến 2 thiếu nữ phải tự tử mà người nhà cho rằng vì không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông.

Những vụ việc trên đây đã khiến dư luận không khỏi xót xa.

Chiều ngày 24/4, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân đã treo cổ tại nhà riêng, bỏ lại chồng và 3 đứa con còn đang đi học. Vụ việc đau lòng này đã làm xôn xao dư luận tại xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Anh Đinh Hoài Bảo (chồng chị Nhân) nghẹn ngào kể: “Vợ tôi bị bệnh viêm dây thần kinh số 7, giật méo miệng, thêm suy thận, suy tim, mỗi ngày tốn tiền thuốc 140.000 đồng. Vợ tôi nghĩ rằng chết đi sẽ tiết kiệm được khoản này và còn được mọi người đi phúng điếu sẽ kiếm thêm được chút ít tiền nữa cho chồng con…”.

Cái chết thương tâm của chị Nhân khiến nhiều người xung quanh phải giật mình thảng thốt. Đọc bức thư tuyệt mệnh của chị để lại cho chồng con ai cũng rơi nước mắt.

Khi cái chết là lựa chọn cuối cùng… - 1

Chồng và con chị Nhân đau xót trước cái chết của chị (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)

Bức thư có đoạn: "Em bệnh, em biết không qua được căn bệnh này. Sống với anh hai mươi mấy năm trời toàn là khổ không. Lúc bệnh, không tiền trị bệnh than khổ, anh em vay hỏi tiền để trị bệnh mà không hỏi ai được đâu. Cuộc sống không lối thoát, đi đến con đường chết… Xin các cấp chính quyền ấp 5, vì hoàn cảnh gia đình quá khổ, mong các ông giúp cho chồng con tôi được sổ nghèo để sống ngày tháng còn lại trên đời”.

Được biết, dù chị Nhân đã làm đơn xin chi bộ ấp 5 (xã An Xuyên) cấp giấy chứng nhận hộ nghèo để đi vay tiền đóng học cho con nhưng không được. Bao gánh nặng: tiền học cho ba đứa con, tiền thuốc cho chị, tiền hụi chết đã hốt non lo cho con ăn học… dồn lên vai người chồng. Tự thấy mình là gánh nặng, ngay sau khi mất việc, chị đã nói với chồng là sẽ chết đi. Và chiều 24/4, lúc 15 giờ, con trai út của chị đã phát hiện mẹ mình treo cổ chết trong phòng ngủ, bên cạnh là một bức thư tuyệt mệnh.

Sau khi nghe câu chuyện này, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Họ hàng, bà con lối xóm đâu? Chính quyền địa phương đâu? Sao lại để cho người phụ nữ này rơi vào bước đường cùng như vậy? Trong khi cái chết của chị Nhân đã được báo trước. Phải chăng, sự thờ ơ, vô tâm của mọi người đã dẫn đến bi kịch này?

Thật đau lòng khi người mẹ ấy chết đi, ban ngành địa phương mới vào cuộc. Lời than: “Lẽ ra người mẹ ấy không chết” cũng không thể khiến chị Nhân sống lại.

Hằng ngày, trong cuộc sống đâu đâu cũng thấy những cảnh đời đối lập: xa hoa phung phí và nghèo túng cùng cực. Hầu hết những gia đình nghèo đều có một mong ước cho con được học hành đến nơi đến chốn để thoát nghèo. Chị Nhân cũng vậy. Cái chết của chị Nhân có mục đích rõ ràng. Một mục đích cao quý: Chết để cho người thân được sống tốt hơn.

Sự ra đi của chị Nhân lại khiến chúng ta nhớ đến tấm gương xả thân cứu người của em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường THPT Đô Lương 1, xã Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An).

Chiều 30/4, Nguyễn Văn Nam đã xả thân cứu 5 em nhỏ thoát chết đuối, sau đó chính Nam đã bị kiệt sức chết đuối thương tâm.

Sự hy sinh của Nam cũng là một cái chết đáng trân trọng: Chết để mang lại sự sống cho người khác.

Nhắc đến chuyện tiền thuốc thang, viện phí, chúng ta lại nhớ đến nhiều vụ tự tử vì không có tiền chữa bệnh.

Ngày 4/10/2011, anh Phạm Trung Kiên phát hiện em trai của mình là anh Phạm Công Trình (SN 1988, ngụ Nghĩa Thành, Nghĩa Hưng, Nam Định) chết trong tư thế treo cổ bằng dây cáp internet sau phòng bếp của trạm điện.

Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an thu được lá thư tuyệt mệnh của anh Trình, nói rõ do buồn chán vì căn bệnh nan y thiếu máu lên não, không có tiền chữa trị nên treo cổ tự tử.

Khi cái chết là lựa chọn cuối cùng… - 2

Ông Đinh Văn Niễu xót xa khi kể lại cái chết của vợ

Còn ông Đinh Văn Niễu (73 tuổi, xã An Hòa, Huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) kể về cái chết của vợ cách đây hơn 3 năm: "Tối hôm đó, sau khi vợ tôi đi khám bệnh về, tôi hỏi thăm bệnh tình, bà buồn bã nói: 'Mấy người đi khám bệnh cùng tôi nói cái bệnh khớp của tôi chẳng bao giờ chữa khỏi đâu, càng ngày càng đau thôi'. Nghe vậy, tôi động viên rồi bảo ngủ sớm cho khỏe. Ai ngờ hôm sau, tôi chết lặng khi phát hiện vợ treo cổ chết sau vườn. Bà ấy chết để tôi lủi thủi sống cô độc mà còn khổ hơn cả chết…".

Đến câu chuyện về hai cô gái ở TP. Pleiku, Gia Lai phải uống thuộc diệt cỏ tự tử cũng khiến độc giả phải suy ngẫm.

Ngày 21/4 tại xã An Phú (TP. Pleiku, Gia Lai), Nguyễn Như Phụng (20 tuổi, trú thôn 3) và Dương Thị Thủy (15 tuổi, trú thôn 9) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử khi đang làm việc xa nhà tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Dù được cấp cứu nhưng đến ngày 29/4, Phụng tử vong do chất độc của thuốc diệt cỏ ngấm vào trong cơ thể, còn Thủy đang trong tình trạng nguy kịch.

Khi cái chết là lựa chọn cuối cùng… - 3

Hàng xóm đến thắp hương cho em Phụng (Ảnh: Tiền Phong)

Ông Nguyễn Văn Hai 48 tuổi, cha Phụng đau xót kể: "Vì nhà quá nghèo nên năm lớp 6 Phụng phải nghỉ học. Cách đây gần một tháng, Phụng nói muốn đi kiếm việc làm đỡ đần cha mẹ. Nghe người mai mối, cháu mượn xe máy của người bà con, chở Thuỷ đi Đức Cơ (Gia Lai) xin việc. Ngày hôm sau, Phụng gọi điện về báo rằng hai đứa bị công an bắt xe, phạt 2,5 triệu đồng vì không có mũ bảo hiểm, không bằng lái, chưa đủ tuổi điều khiển xe. Trong điện thoại, cháu nói công an đang giữ xe, hai đứa đã xin được việc phụ bưng bê cho một quán phở trên thị trấn Chư Ty. Để hết tháng, khi nhận lương, hai đứa sẽ chuộc xe về trả người thân".

Sau đó, hai cô gái đã rủ nhau uống thuốc diệt cỏ tự tử. Theo người nhà em Phụng, nguyên nhẫn dẫn đến Phụng và Thủy tự tử là do không có 2,5 triệu đồng để nộp phạt vi phạm luật giao thông.

Chưa biết thực hư sự việc ra sao, nhưng thật đau xót khi hai cô gái còn quá trẻ, tương lai còn rộng mở phía trước mà giờ đã khép lại để lại bao nỗi đau cho người thân. Nhiều người sẽ nghĩ hai cô gái này quá dại dột, nông nổi. Chỉ vì một sự việc nhỏ mà tìm đến cái chết, không nghĩ đến tương lai, đến gia đình, không nghĩ đến cảnh đau lòng khi “người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh”.

Những vụ tự tử thương tâm trên đây chung quy lại cũng chỉ vì cái nghèo. Người tự tử vì muốn giải thoát cho mình và không trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng họ đâu nghĩ rằng sự ra đi này đã để lại hậu quả nặng nề, gây đau khổ tột cùng cho người ở lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huệ Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN