Khảo sát “nạn” bọ đậu đen bao vây nhà dân
Cán bộ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương và TP.HCM đã đến khu vực dân cư bị bọ đậu đen tấn công để khảo sát, lấy mẫu.
Ngay sau khi thông tin về nạn bọ đậu đen bao vây khu dân cư ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai được phản ánh, ngày 18/6, khoa Côn trùng thuộc Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM cho biết, đoàn công tác của TP.HCM và Trung ương đã phối hợp Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, Đồng Nai khảo sát tình hình, lấy mẫu xét nghiệm tại hiện trường.
Anh Lê Tấn Kiệt, tổ trưởng tổ Anophen, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM cho biết, hiện nay chưa có biện pháp nào đạt hiệu quả cao trong việc phòng, chống bọ đậu đen. Đoàn khảo sát đã lấy mẫu bọ đậu đen để về nghiên cứu đồng thời tìm hiểu đặc điểm sinh thái, thời điểm xuất hiện để đưa ra phương pháp phòng trừ. Dự kiến, trong thời gian tới đoàn sẽ đưa ra kết quả nghiên cứu về việc kiểm soát, phòng chống loại bọ này.
Bọ đậu đen bao vây làm cuộc sống người dân ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đảo lộn
Về thông tin nạn bọ cạp tấn công khu dân cư ở khu phố Tân Phú, phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương, anh Lê Tấn Kiệt, tổ trưởng tổ Anophen, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM cho biết: “Bọ cạp truyền nọc độc từ đuôi khi chích vào người và gia súc, chúng tấn công người khi con người vô tình đụng phải”.
Bọ cạp tấn công khu dân cư ở phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Cũng theo các chuyên gia của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM, để hạn chế bọ cạp, người dân cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thoáng đãng, nơi làm việc và sinh hoạt phải đủ ánh sáng. Bên cạnh đó, phải vệ sinh xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, tránh để những vật dụng bừa bộn dễ làm nơi cho bọ cạp trú ngụ… Đặc biệt, người dân khi bị bọ cạp đốt nên đến bác sĩ thăm khám để được xử lý kịp thời.