Khai, phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long?

Ấn “Sắc mệnh chi bảo” có thực sự 700 năm tuổi? Có nên tổ chức khai ấn, phát ấn này đầu Xuân?… Đó là những vấn đề được các nhà khoa học tranh luận gay gắt, chưa có hồi kết.

Khai, phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long? - 1

Các nhà khoa học tranh luận về việc có nên tổ chức khai ấn, phát ấn “Sắc mệnh chi bảo” ở Hoàng thành Thăng Long

Tọa đàm khoa học “Ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo - phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012” đã được tổ chức vào chiều 26-2 tại Hà Nội.

“Quốc ấn” của vua Trần Thái Tông?

Trước đó, việc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ thể nghiệm khai ấn (ngày 16-2) từ hiện vật được cho là ấn “Sắc mệnh chi bảo” đã làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa các nhà sử học, các chuyên gia Hán Nôm, nhà khoa học... trong nước.

Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” tìm thấy ở khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G) tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong đợt khai quật năm 2012-2014. “Sắc mệnh chi bảo” được các nhà khoa học rất quan tâm bởi tính chất độc đáo của nó, là chiếc ấn duy nhất được tìm thấy bằng gỗ.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà sử học đầu ngành như GS Lê Văn Lan, PGS-TS Tống Trung Tín, PGS-TS Hoàng Văn Khoán... đều cho rằng đây chính là chiếc ấn gỗ nổi tiếng được “Đại Việt sử ký toàn thư” nhắc tới, có niên đại khoảng 700 năm. Theo đó, vào năm 1257, khi rời Thăng Long cầm quân đi đánh giặc Nguyên Mông, vì việc quân cơ quá gấp rút nên vua Trần Thái Tông đã sai người giấu ấn ngọc lên rường điện Đại Minh, chỉ mang theo ấn nội mật nhưng không may lại bị thất lạc dọc đường. Trước tình thế này, vua Trần Thái Tông đành sai khắc gỗ làm ấn để sử dụng tạm thời ngoài trận tiền. Đến khi thắng trận năm 1258, vua về lại kinh đô thì thu hồi được ấn mất dọc đường và ấn giấu ở điện Đại Minh. Số phận chiếc ấn gỗ không thấy nhắc đến nữa.

Nhấn mạnh giá trị của chiếc ấn trên, PGS-TS Hoàng Văn Khoán khẳng định dấu “Sắc mệnh chi bảo” triều đại phong kiến nào cũng có nhưng đến nay chỉ còn lại ấn thời Nguyễn, Lê. Chiếc ấn gỗ này đích thực là di vật của vua Trần Thái Tông, là “quốc ấn”.

PGS-TS Tống Trung Tín cũng đoan chắc ấn này dùng để vua ban mệnh, ban chức tước, công việc cho người giúp triều đình, giúp nước. “Sắc mệnh chi bảo” là ấn có sớm nhất và cổ nhất trong lịch sử ấn chương, ấn tín của Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đặt nghi vấn về niên đại của ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Không ít chuyên gia nghi ngờ về quá trình khai quật khảo cổ, giám định niên đại và lập hồ sơ về hiện vật này, đồng thời cho rằng trước khi thể nghiệm khai ấn cần phải có hội đồng tư vấn, thảo luận, cân nhắc kỹ theo đúng quy trình.

Ông Lê Quốc Việt - nhà nghiên cứu Hán Nôm, hiện giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam - thậm chí còn khẳng định đây là “một phiên bản vụng về của con dấu thời Lê Trung Hưng”.

Nỗi lo phong tục biến dạng

Ngoài tranh luận về niên đại “Sắc mệnh chi bảo”, những nhà sử học hàng đầu cũng có  quan điểm khác nhau về việc có nên khai ấn, phát ấn cho người dân hay không.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang buổi tọa đàm, PGS-TS Hoàng Văn Khoán bày tỏ: “Đã phát hiện ấn quý thì phải để cho người dân hưởng vì văn hóa là của người dân tạo ra. Người dân hiện nay đi lễ chùa nhiều đều có nguyện vọng xin những vật linh thiêng về để trên bàn thờ, cầu mong sự mầu nhiệm của năm mới. Ở Hoàng thành Thăng Long chưa có hình thức nào như vậy”.

Theo ông Khoán, nét nổi bật của Thăng Long chính là 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông đều ở đây. Do đó, cùng với việc khai ấn, phát ấn, cần tổ chức ngày hội chiến thắng quân Nguyên Mông để làm nổi lên giá trị của một di sản văn hóa được thế giới công nhận.

“Có người cho rằng không nên tâm linh hóa lễ hội phát ấn nhưng theo tôi, ấn có thật, đời Trần có thật, việc phát ấn có thật. Ai hiểu tâm linh thì mặc, còn tôi cho rằng đây là văn hóa” - PGS Khoán khẳng định.

Cho rằng nên tiến hành lễ phát ấn nhưng PGS-TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học, đề nghị phải chuẩn mực, tổ chức tốt để diễn ra trật tự, văn minh. “Không thể chấp nhận việc đánh nhau vỡ đầu để giành ấn. Không lồng vào đó ý nghĩa kinh tế, lợi lộc vì sẽ làm biến dạng một phong tục rất đẹp từ xưa” - ông nhìn nhận.

Trong khi đó, dù đề cao giá trị của “Sắc mệnh chi bảo” song nhiều nhà khoa học nhấn mạnh không nên tổ chức phát ấn. Theo GS Lê Văn Lan, hiện nay có một tư tưởng “rất tệ” là dùng bùa ngải, bùa chú, coi những mảnh giấy là vật thể có giá trị thiêng liêng, ai xin được, cướp được là có tài, có lộc, được thăng quan tiến chức...

“Đó hoàn toàn là hiểu sai, tạo ra lối nghĩ, lối sống chỉ chuộng vật chất, trong khi thực chất đây là lịch sử, là quá khứ vẻ vang. Đặc biệt, chiếc ấn này là tín hiệu, là di tích, di vật duy nhất còn sót lại của vua Trần Thái Tông và của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Vì thế, không nên khai ấn này dù có thiện ý chỉnh sửa sai lầm ghê gớm trong việc khai ấn, xin ấn, cướp ấn ở đền Trần đi chăng nữa. Đây là sự mông muội, mê tín dị đoan và hướng tới lợi lộc vật chất rất tệ, không nên có vào lúc này” - GS Lê Văn Lan thẳng thắn.

Theo GS Lê Văn Lan, để phát huy giá trị chiếc ấn này cần trả về đúng chỗ của nó. “Đó là vật thiêng nhưng là thiêng của tinh thần yêu nước, quật cường đánh giặc; không có tài lộc, danh vọng gì ở chỗ này. Cần dùng kỹ thuật hiện đại để tôn vinh như máy ảnh, ánh sáng, in ấn, hoa văn... Quan trọng là có thể tặng, biếu, giới thiệu các cánh ấn cho mọi người chứ không phải là xin, khai, phát, cướp...” - ông nhấn mạnh.

Không có phong tục nhà vua khai ấn

Theo GS sử học Lê Văn Lan, trong lịch sử không hề có phong tục nhà vua khai ấn. Nhà vua đầu năm chỉ đóng ấn phát cho các đền chùa. Giống như các nhà thơ, đầu năm khai bút khi có hứng thú, nhà vua cũng thế.

“Lịch sử và di sản quá khứ đang bị hiểu nhầm rất nhiều, theo hướng tệ hại, lợi lộc hóa, quan chức hóa… Chúng ta đang có một báu vật vô giá để trả lịch sử vào đúng vị trí, vị thế vốn có tác dụng rất lớn, rất quan trọng của nó” - GS Lan nhìn nhận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Ngọc (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN