Họ hàng làm quan cùng chỗ: Luật cần siết lại
Giải thích là “đúng quy trình” nhưng câu trả lời ấy không thuyết phục được lòng dân thì phải xem lại.
Gần đây rộ lên thông tin họ hàng cùng làm quan ở một số xã, huyện gây phản cảm trong dân chúng. Nhận định về việc “cả họ làm quan” ở một số địa phương, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói: “Tình trạng cả họ làm quan đã lác đác xảy ra nhưng “lác đác” cũng hơi nhiều. Không chỉ cấp xã mà cả cấp huyện cũng xảy ra tình trạng này. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp này đã đưa con em mình vào bộ máy, gây dư luận trái chiều”.
Gây phản cảm thì phải xem lại quy trình
Và tình trạng này đang gây phản cảm trong dân chúng, thưa bà?
Bà Bùi Thị An: Ai cũng biết tổ chức chính quyền địa phương cấp xã không phải là bộ máy của một công ty thuộc sở hữu riêng của một người, một gia đình. Vì thế không ai có quyền quyết định riêng. Đối chiếu với Nghị định 114/2003 về cán bộ, công chức xã/phường/thị trấn, khi để xảy ra tình trạng này thì không thể không xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Chí công vô tư mà lại để xảy ra tình trạng con em, họ hàng đều làm ở chính quyền xã? Công bộc của dân, tại sao lại làm như thế?
Tôi không loại trừ việc con em cán bộ xã/huyện rất giỏi. Nhưng theo quan sát của tôi, thường người giỏi sẽ không ở lại quê nhà. Nên cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ở những địa phương này.
Trả lời báo chí, nhiều người có trách nhiệm đều nói việc cả họ làm quan là do lịch sử, ngẫu nhiên hoặc cho rằng việc bổ nhiệm đó là đúng quy trình, trong khi sự đúng quy trình lại gây phản cảm trong dân chúng?
Tôi khẳng định nếu đúng quy trình mà để dây mơ rễ má như thế trong bộ máy chính quyền thì phải xem lại quy trình. Một quy trình đúng thì phải cho sản phẩm tốt, còn ngược lại thì đề nghị phải xem lại quy trình. Tôi không đồng ý với cách lý giải mang tính ngụy biện đó. Hoặc là anh cá nhân chủ nghĩa, đưa vào nội bộ chính quyền họ hàng, con cháu của mình. Tại sao đúng quy trình mà con em người dân thi tuyển công chức, viên chức không đỗ, mà con em cán bộ dễ đỗ? Điều này chắc chắn có vấn đề.
Cũng xin nói rõ tuy chúng ta có chính sách chiếu cố cho con em cán bộ nhưng cần phải phân định rõ trường hợp nào được chiếu cố và sự chiếu cố đó có thuyết phục được chính bộ máy cán bộ của chúng ta chưa.Chẳng hạn như đó là con em chiến sĩ ở Trường Sa thì lại khác.
Cần sớm khắc phục
Thưa bà, trách nhiệm của phòng Nội vụ quận/huyện tại các địa phương xảy ra việc nhiều cán bộ là bà con, họ hàng như thế nào? Vai trò của cấp ủy, của người đứng đầu cần được xem xét ra sao?
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu thì dễ, không khó. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Vẫn còn tình trạng nể nang nên xử lý trách nhiệm người đứng đầu không đến nơi đến chốn. Chúng ta vẫn thấy điều đó qua những lập luận như “đúng quy trình, do lịch sử để lại, do ngẫu nhiên”… Tôi nghĩ nên căn cứ vào tất cả quy định để xử lý.
Nhưng tôi cho rằng người đứng đầu cần có tinh thần tự giác. Nếu đã để xảy ra tình trạng cả họ làm quan thì nên chủ động khắc phục. Vì sự phát triển chung của đất nước, các đồng chí ấy “sai thì phải sửa”. Nếu cố tình biện hộ cho mình bằng những lập luận nói trên thì hiện nay dân trí cao rồi, dân sẽ không tin được những lời ấy. Người dân sẽ nhìn vào việc làm, hành động của các lãnh đạo này và thấy rõ hết.
Tôi tha thiết nhắn gửi những người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng này rằng: Nếu đã lỡ sai rồi thì nghiêm túc sửa chữa. Bây giờ không thể ngụy biện được nữa rồi.
Hãy nhớ rằng có dân là có tất cả.
Trong một số quy định của pháp luật hiện nay như Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định không để bà con thân thích làm cùng cơ quan, đơn vị để phòng ngừa những tiêu cực xảy ra. Theo bà, pháp luật về cán bộ, công chức có cần phải điều chỉnh điều này để tránh xảy ra tình trạng cục bộ không?
Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay quy định rõ: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan… Hay người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
Nhưng tôi cho như thế là chưa đủ. Cần phải minh bạch, khách quan trong công tác cán bộ để hạn chế việc đưa con em, họ hàng của lãnh đạo vào bộ máy chính quyền. Nên nhớ ta đang vận hành nguyên tắc tập trung dân chủ, ở ta nếu đa số người trong gia đình, họ hàng nằm trong bộ máy chính quyền thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là khi người đứng đầu cơ quan, địa phương định hướng sai.
Xin cám ơn bà.
Tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An có nhiều người là bà con, họ hàng với bí thư và chủ tịch xã này làm cán bộ, công chức của xã. Tình trạng này cũng xảy ra ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An trước đó khi nhiều người họ hàng của ông Vi Văn Chân - nguyên Bí thư Đảng ủy xã này cùng làm cán bộ xã. Trước đó, tình trạng này cũng được phát hiện ở Mỹ Đức, Hà Nội. Cùng đó là ở huyện An Dương, TP Hải Phòng, nhiều họ hàng thân thích của một vị phó chủ tịch huyện này cùng làm cán bộ trong huyện. |