HN trình đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào tháng 4?
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết trong tháng 3 sẽ có văn bản xin ý kiến của UBND thành phố.
Hà Nội sắp trình đề án hạn chế phương tiện cá nhân
Sáng 7.3, lãnh đạo TP Hà Nội có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016- 2020.
Liên quan đến lộ trình xây dựng Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện tại đơn vị đang làm việc với Viện Chiến lược Phát triển giao thông (Bộ GTVT) để có những phương án cụ thể.
Dự kiến trong tháng 3 sẽ có văn bản xin ý kiến của UBND TP Hà Nội. Nếu được thông qua, trong tháng 4 UBND TP sẽ có văn bản gửi Thành ủy Hà Nội xin ý chỉ đạo.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề nghị Chính phủ cho phép các bộ, ngành phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Ông Chung cho rằng nếu không có giải pháp từ bây giờ thì trong vòng 4 - 5 năm nữa tình hình ùn tắc giao thông sẽ ngày càng phức tạp.
Cũng tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia bày tỏ lo ngại về môi trường của thành phố Hà Nội. Ông dẫn chứng thông tin mà tạp chí Nature công bố vào tháng 9.2015: Mỗi năm Việt Nam có 4.000 người tử vong vì ô nhiễm môi trường liên quan tới khí thải giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia đề xuất Hà Nội nên thay xe buýt "sạch" để tránh ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)
“Vừa qua, có thông tin cảnh báo Hà Nội sẽ ô nhiễm như Bắc Kinh. Hình ảnh xe buýt nhả khói đen giữa giờ cao điểm với hàng nghìn xe máy phía sau là hình ảnh thường thấy ở Thủ đô. Chúng ta đã có quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro II, III. Nhưng với Hà Nội, tôi nghĩ nên áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao hơn vì mật độ phát thải ở thành phố rất lớn. Trong lộ trình đầu tư đổi mới xe buýt, thành phố nên sử dụng xe buýt điện, hay xe dùng khí thiên nhiên CNG để hạn chế ô nhiễm”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng Hà Nội nên đưa tiêu chí hạn chế ô nhiễm môi trường khi mở đấu thầu, khai thác các tuyến xe buýt trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia cũng đề nghị Hà Nội quan tâm sớm việc xây dựng và triển khai đề án tăng cường năng lực vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân.
Về việc Hà Nội ra quân xử phạt người đi bộ sai quy định đang nóng trong thời gian qua, ông Hùng bày tỏ: “Rõ ràng con số hơn 100 người chết/năm vì đi bộ sai quy định là vấn đề lớn. Chúng tôi ủng hộ chủ trương và cách thức triển khai của thành phố. Nhưng chúng ta không giải quyết dứt điểm các vấn đề kết cấu hạ tầng, đặc biệt vỉa hè, lối sang đường thì người dân không thể đi bộ được và không thể phát triển vận tải công cộng, kiểm soát phương tiện cá nhân được.
Ông Hùng dẫn chứng đường Nhật Tân, Nội Bài đang thiếu cầu vượt cho người đi bộ ở gần nhà ga T1, T2. Kết nối chủ yếu giữa các trạm dừng xe buýt là đi bộ qua đường, như vậy rất nguy hiểm cho người dân.