“Hành quyết” mèo ở Thái Bình: Cơ quan chức năng nói gì?
Lãnh đạo cơ quan chức năng huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho hay, hơn 15 năm qua, đơn vị mới xử phạt 2 hộ kinh doanh treo biển, giết mổ, buôn bán thịt mèo.
Cách đây hơn 15 năm, khi dịch chuột hoành hành phá hoại mùa màng tại nhiều địa phương ở miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 09/1998 quy định rõ: “Thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán thịt mèo, xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, buôn bán mèo”. Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này.
Thế nhưng, hiện nay có một thực tế là những con mèo vẫn đang bị “xẻ thịt” hằng ngày để làm mồi trên bàn nhậu ở huyện Đông Hưng (Thái Bình), nơi nổi tiếng với đặc sản “tiểu hổ”. Ngày 15.4, chúng tôi tìm về nơi được mệnh danh là “thành phố thịt mèo”. Đoạn đường quốc lộ 10 qua xã Đông La (Đông Hưng) dài khoảng 1km, nhưng có hơn 10 nhà hàng kinh doanh treo biển bán “thịt chó mèo”; “thịt chó mèo tươi”; “nhận giết mổ thịt chó mèo”; “đại lý thịt mèo, cao mèo”.
Không xử lý vì "chỉ thị cấm giết mèo" hết hiệu lực
Có mặt tại cơ sở giết mổ “tiểu hổ” C.Đ, chúng tôi chứng kiến gần 30 con mèo đã bị giết, đang được lọc thịt, xương ngay trước cửa nhà. Mèo thui vàng được để đầy trong một chiếc chậu lớn, ruồi bâu kín phía trên. Đầu mèo để trong thùng xốp, trắng ởn, nhe nanh nhọn hoắt trông rợn người.
Ngày 15.4, cơ sở giết mổ C.Đ làm thịt gần 30 con mèo để phục vụ cho một đám cưới trong huyện.
Bà Đ, chủ cơ sở giết mổ cho biết, trong nhà luôn có mèo nhốt trong lồng sắt, khách muốn mua thịt tươi sống sẽ có ngay. Ngày thường nhà bà Đ chỉ giết khoảng 5-6 con mèo, đem đổ cho các quán ăn, nhà hàng ở khu vực lân cận. Ngày có đám cưới, bà giết từ 30 đến 50 con mèo. Khách hàng có nhu cầu mua thịt mèo với số lượng lớn, chỉ cần báo trước cho gia đình bà từ 5-7 ngày là có. Giá thịt mèo bán 170.000 đồng/kg thịt, kèm theo gia vị.
Trao đổi với phóng viên, ông Phí Nhật Tỏ, Đội trưởng Đội quản lý thị trường huyện Đông Hưng cho hay, ông có biết đến Chỉ thị số 09/1998. Hằng năm, Đội quản lý thị trường vẫn kết hợp cùng đội liên ngành gồm cán bộ phòng nông nghiệp, công an, y tế đi kiểm tra an toàn thực phẩm tại các nhà hàng trên địa bàn. Năm 2015, đơn vị đã xử phạt gần 50 triệu đồng đối với các cơ sở, nhà hàng không đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, giấy tờ, thực phẩm không rõ nguồn gốc…
“Thời điểm có chỉ thị của Chính phủ về việc thu hồi, dẹp ngay các cơ sở giết mèo, trên địa bàn huyện Đông Hưng, hàng quán treo biển bán thịt mèo chưa phát triển rầm rộ, chỉ có lèo tèo một vài quán. Đến năm 2004, chúng tôi có đi kiểm tra và xử phạt 2 chủ nhà hàng treo biển bán thịt mèo, với số tiền hơn 1 triệu đồng”, ông Tỏ nói.
Theo ông Tỏ, các quán, nhà hàng treo biển giết mổ, bán thịt mèo trên quốc lộ 10, đoạn qua xã Đông La mới mọc lên rầm rộ cách đây khoảng 5 năm. Hiện tại, trên địa bàn có 45 hộ dân đăng ký kinh doanh mặt hàng ăn uống, trong đó có 12 nhà hàng treo biển bán thịt mèo.
“Tôi có tìm hiểu và thấy rằng Chỉ thị 09 của Chính phủ quy định về thu hồi giấy phép kinh doanh, cấm cơ sở giết mổ mèo đến nay đã hết hiệu lực. Do vậy, chúng tôi không thể đi kiểm tra xử lý các hộ dân kinh doanh, treo biển bày bán thịt mèo”, ông Tỏ cho hay.
Ông Tỏ cho biết thêm, cái khó hiện nay là chưa có một văn bản nào quy định rõ ràng về việc xử phạt đối với các hộ dân treo biển giết mổ, bán thịt mèo. Vì vậy, các lực lượng gần như không thể đi xử phạt. Thêm nữa, mèo không phải là động vật hoang dã, không nằm trong danh sách động vật cần bảo vệ nên các lực lượng chức năng khá “lúng túng”.
“Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại các văn bản liên quan đến chỉ thị của Chính phủ, đồng thời kiểm tra việc cấp giấy phép giết mổ mèo đối với cửa hàng, cơ sở. Nếu cơ sở, nhà hàng không có giấy phép giết mổ mèo, chúng tôi sẽ xử lý”, ông Tỏ nói thêm.
Nhiều nhà hàng trên quốc lộ 10, qua xã Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) treo biển giết mổ thịt mèo tươi sống.
"Nuôi mèo để bắt chuột là hiệu quả nhất"
Ông Nguyễn Văn Chúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho hay, hằng năm, vào vụ lúa xuân, vụ lúa mùa, các địa phương đều thực hiện chiến dịch bắt chuột để bảo vệ mùa màng. Khoảng 2-3 năm về trước, chính quyền đã khuyến khích người dân diệt chuột bằng cách mua với giá 5.000 đồng/1 đuôi chuột. Người dân thường dùng bẫy chuột hoặc dùng thuốc hóa học để diệt chuột. Ngoài ra, hằng trăm ngàn con mèo trên địa bàn huyện cũng tham gia bắt chuột.
“Trong các phương án diệt chuột, tôi thấy phương án nuôi mèo để bắt chuột là hiệu quả nhất. Mèo có thể bắt chuột thường xuyên, không gây ô nhiễm môi trường. Còn dùng thuốc hóa học để diệt chuột sẽ gây ô nhiễm môi trường”, ông Chúc nói.
Ông Chúc cho biết thêm, hiện nay, trên quốc lộ 10, qua xã Đông La (Đông Hưng) có xuất hiện nhiều quán treo biển giết mổ, bày bán thịt mèo. Như vậy, việc chủ nhà hàng giết thịt mèo mỗi ngày làm mồi nhậu đã ít nhiều ảnh hưởng đến địa phương. Cụ thể hơn, mèo bị giết nhiều sẽ không còn mèo để bắt chuột, mùa màng bị ảnh hưởng.
Theo ông Chúc, phần lớn các cơ sở, nhà hàng treo biển bán thịt mèo đều mua mèo của các thương lái đưa từ trong miền Nam ra. Còn mèo ở địa phương bị giết thịt chỉ chiếm số ít.
Ông Chúc khẳng định hiện trên địa bàn, chuột phá hại mùa màng ít hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, Thái Bình là tỉnh trồng lúa và địa phương này đã từng phải chịu những tổn thất nặng nề do chuột gây ra, thế nhưng hiện nay người dân vẫn cứ thoải mái giết thịt mèo làm mồi nhậu.
Video “hành quyết” mèo trong lò mổ ở Thái Bình:
Video “hành quyết” mèo trong lò mổ ở Thái Bình:
Theo Nguyễn Đức-Công Phương ([Tên nguồn])