“Hàng hiếm” ở nơi khát nhất xứ Nghệ
Con đường từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An) đi Huồi Tụ bây giờ đã rải nhựa nhưng chiếc xe máy chở PV Báo GĐ&XH vẫn phải ì ạch bò trên con dốc cao lên theo sườn núi dựng đứng. Ở nơi đây nổi tiếng với hai thứ “hàng hiếm”. Một là chè Tuyết San, thứ kia là… nước sạch!
Mới lên 8 tuổi, nhưng ngày nào Xồng Bá Thung cũng phải đi “gùi nước” (ảnh nhỏ). Ảnh: H.H
Xuyên thủng rừng chống khát
Bà con dân bản nơi đây vẫn thường bảo, Huồi Tụ như một cái ngã ba đường, ai muốn đi về các xã: Mường Lống, Bắc Lý, Mỹ Lý hay Đoọc Mạy, Na Loi, Keng Đu đều phải đi qua Huồi Tụ. Tôi đã từng có dịp ở lại đây vài ngày, trong hành trình đi dọc đường biên. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thực sự hòa mình với cuộc sống thường ngày của bà con dân bản nơi đây. Chẳng phải là thịt treo gác bếp, là rượu đầy trong can chống chếnh say, là tiếng khèn lá dập dìu tha thiết, là đôi má ửng hồng của cô gái tuổi dậy thì trong váy áo xòe hoa rực rỡ… mà là trắng đồi, bạc núi những nắng và nắng. Đang giữa mùa khô khát, khi nắng lên gắt gao hun đốt mái nhà, nương rẫy, bản làng trở nên yên ắng và lặng lẽ.
Huồi Tụ là một trong những nơi khô hạn và thiếu nước nhất của Kỳ Sơn. Các công trình nước sạch ở đây chỉ đảm bảo được một phần nhỏ nhu cầu sinh hoạt của bà con. Ở trên địa bàn đồi núi cao, nước dẫn từ nguồn cũng phải vượt qua mấy con dốc, nên lúc đến được với bản làng thì nó chỉ còn là những mạch nước nhỏ nhoi, yếu ớt. Phải chờ đợi, gom góp bao nhiêu lâu, mới có đủ nước đem về dùng. Bản Huồi Lê cách trung tâm xã chỉ khoảng gần 2km, tôi theo Trưởng bản Xồng Chá Hử đi vào tận trong sâu lấy nước. Đến nơi, đã thấy mấy người đứng chờ với mấy cái can nước dựng ngổn ngang. Đây là bể nước sạch của bản, nhưng nước ít lắm, nên chỉ đủ phục vụ cho khoảng chục hộ dân lân cận. “Hồi xây bể nước này cách đây hơn 7 năm, là dân bản chỉ chỗ cho người ta về làm đó. Xây xong thì cũng có nước, nhưng ngày càng ít. Bây giờ, nhiều bà con trong bản phải đi lấy ở mạch nước nguồn trên rừng, cách xa 2 – 3km gùi nước về. Nhà nào có xe máy thì chạy sang các bản bên cạnh, chỗ nào có nước thì lấy, chứ Huồi Lê là bản thiếu nước nhất trong xã”, anh Xồng Chá Hử cho biết.
Hứng nửa ngày chưa đầy… can nước
Bên cạnh bể nước, thấy còn có một ống nứa được thọc sâu vào trong đất, “Chỗ đó có 1 mạch nước, đặt ống vào cho nó chảy xuống” một cậu bé giải thích. Rồi cậu chỉ vào cái can nước đặt phía dưới bảo: “Phải chờ từ sáng sớm đến tận trưa mới đầy, cô ạ”. Chỗ nước chảy rỉ ra, ai đó đã đặt cái lá tre mỏng, để nước chảy theo xuống cho dễ hứng. Thế mới biết ở đây giọt nước quý giá đến mức nào!
Xồng Bá Thung năm nay lên 8 tuổi, ngày nào cũng vậy, sau buổi đi học về em còn có thêm nhiệm vụ đi “gùi nước”. Tuổi còn bé, không xách được những can nước to như người lớn, em đi lấy nước bằng can 10 lít. Chờ cho nước chảy đầy, rồi cho vào gùi đưa về nhà. “Có hôm em đưa can ra để đó rồi đi học, học xong thì lại chạy đến gùi về, khỏi mất công chờ. Nước lấy về chỉ để uống và nấu ăn thôi, không được tắm rửa”.
Theo lời Trưởng bản Xồng Chá Hử thì Huồi Lê xưa kia ở dưới núi, cạnh con suối có nước chảy quanh năm nên chẳng bao giờ phải lo thiếu nước. Nhưng cách đây khoảng 20 năm, cả bản chuyển hết lên ở trên này, cho gần con đường to, cho xe đạp, xe máy có thể đi vào được. Bây giờ, giao thông đã thuận tiện hơn cho bà con, chỉ có điều lại khô khát quá. Mà cũng chẳng riêng gì Huồi Lê, những bản làng khác của Huồi Tụ, vào mùa khô nắng cháy này, đều cần và quý giọt nước lắm. Ngày ở lại Huồi Lê, tôi tập cách sống tiết kiệm thứ tài nguyên tưởng chừng là vô hạn, cùng nấu bữa cơm chỉ có măng với rau cải mèo nấu mỡ, cùng cuốc bộ lên rẫy trồng sắn với người dân nơi mảnh đất khô khát nhất xứ Nghệ này.
“Hàng hiếm” hồi sinh miền đất khát
Người Mông nặng nghĩa tình nhưng ít khi biểu lộ một cách vồn vã, xởi lởi. Thế nên tôi cứ đi bên cạnh họ, để thấy, để cảm nhận một cuộc sống khi thiên nhiên không có nhiều ưu ái, bà con nơi đây vẫn tìm cách để tồn tại và vươn lên. Một trong những thứ cây họ trồng để vượt qua đói nghèo của Huồi Tụ trong những năm tháng dằng dặc khô khát này là cây chè Tuyết Shan – một đặc sản của vùng núi rừng Tây Bắc được “nhập khẩu” về sau khi cây thuốc phiện được phá bỏ.
Đó là lúc Tổng đội TNXP của Tỉnh đoàn Nghệ An “cử quân” lên Huồi Tụ, bắt đầu công cuộc vận động người Mông xuống núi xóa cây thuốc phiện không phải bằng lời nói, mà bằng sức người, sức của, cùng ăn cùng ở với đồng bào. Bắt đầu từ việc trồng rau, trồng bí, trồng lúa lên tươi tốt giữa đồi núi khô cằn, để bà con có cái ăn, no cái bụng”. Khi giải quyết được nhu cầu trước mắt ấy, khi làm cho bà con tin rằng vẫn có loài cây khác có thể sống được trên mảnh đất của bản làng mình, lúc ấy mới đến lượt đưa cây chè về làm kinh tế. Đó là giống chè Tuyết Shan đầu tiên có mặt trên mảnh đất xứ Nghệ.
Huồi Tụ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa, nhưng có thêm đặc điểm quanh năm sương mù bao phủ nên rất hợp loại chè Tuyết Shan khó tính. Những giọt nước trên mảnh đất này quý giá vô ngần, nên dường như càng chắt chiu cho vị chè thơm ngọt thanh khiết khó quên. Ông Vừ Vả Chống (SN1960) ở bản trung tâm xã Huồi Tụ dẫn tôi lên rẫy, để thăm đồi chè ra búp thu hoạch được hơn 2 năm và cho hay, ông còn trồng sắn, trồng gỗ samu, pơ-mu để làm giàu, rồi làm lúa rẫy, nuôi gà, dê, bò để sinh nhai trước mắt. Nhưng, dù trồng gì đi nữa, ông và bà con Huồi Tụ vẫn nhớ đến cây chè Tuyết Shan, thứ “đặc sản” đã cho họ cuộc sống hôm nay.
“Bây giờ ở đây nhiều người trồng chè lắm, nhà nào cũng một vài hecta. Nhờ có tổng đội TNXP bày cho bà con cách trồng chè, có tiền thu hoạch, nên không ai trồng thuốc phiện nữa mà mỗi năm, thu hoạch từ chè bán cho Tổng đội TNXP cũng được tới 20 – 30 triệu”.