“Hai lúa” chế máy bay ở Bình Dương lần đầu hé lộ dự án bí mật

Trong cuộc trò chuyện đầu Xuân 2018, lần đầu tiên “hai lúa” Bùi Hiển nói về một dự án bí mật của mình.

“Hai lúa” chế máy bay ở Bình Dương lần đầu hé lộ dự án bí mật - 1

Ông Bùi Hiển bên cạnh chiếc máy bay “Bùi Hiển” sau khi tân trang lại, đang chờ ra sân bay bay thử.

Nảy sinh ý tưởng chế tạo máy bay rồi tự tìm, dịch các tài liệu, tới nay, ông Bùi Hiển (63 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đã tròn 8 năm theo đuổi đam mê. Nhân dịp đầu Xuân 2018, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với vị kỹ sư này để nghe ông kể về hành trình 8 năm chế tạo máy bay với không ít khó khăn, thử thách và dự định trong năm 2018.

Nhiều người cả trong lẫn ngoài nước đã biết tới ông với niềm đam mê chế tạo máy bay, nhưng dường như ông chưa bao giờ kể về những ngày đầu tiên của mình. Không rõ cơ duyên nào đã dẫn ông vào con đường chế tạo máy bay?

Lúc đầu tiên, tôi có chơi máy bay mô hình. Thấy nó nhỏ vậy chứ cấu tạo bên trong gần như giống máy bay thật ngoài đời. Sau một thời gian chơi máy bay mô hình, tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó lớn hơn mới thỏa mãn đam mê được.

Đầu năm 2010, tôi mở mang tìm hiểu, bắt đầu tải các tài liệu chế tạo máy bay về, dịch ra thành tài liệu Việt hóa của mình. Dịch xong thì tôi bắt tay vào chế tạo máy bay “Bùi Hiển” từ giữa năm 2010 tới năm 2013, rồi chế tạo tiếp chiếc “Giấc mơ” từ năm 2014 tới năm 2016.

Công việc chế tạo máy bay những ngày đầu đã diễn ra như thế nào và có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

Lúc đầu khả năng chế tạo của mình còn mơ hồ lắm, trong đầu nghĩ chưa chắc tạo ra máy bay bay được. Qua tìm hiểu, tôi đã tìm mẫu máy bay đơn giản nhất, dễ chế tạo nhất là một dạng máy bay của Anh để làm theo, bởi khi bay cấu tạo của máy bay này không thay đổi góc cánh và lái bằng cánh bướm.

Hồi đó mình cũng chưa có cánh bằng hợp kim nhôm đâu, mà cánh của máy bay “Bùi Hiển” phải do tôi tự làm bằng inox. Nó không chuẩn bằng cánh hợp kim nhôm hiện nay, chỉ là bay được thôi. Khó nhất khi làm cánh là hàn xong nó bị biến dạng, rút cong lại, về sau tôi mới có kinh nghiệm xử lý. Đĩa điều khiển cũng là lần đầu tiên tôi làm mà kiến thức phải học từ con số 0.

Về động cơ thì qua tìm hiểu tài liệu, tôi biết động cơ hai thì có thể bay được máy bay trực thăng. Từ đó, tôi đi tìm mua động cơ hai thì công suất 105 mã lực ở trong một chiếc cano công suất lớn. Tuy nhiên, mô-tơ này nhanh chóng, chỉ bay được chừng 10 - 15 phút là phải tạm nghỉ; sau tôi phải thay bằng động cơ chuyên dụng có giá hơn 5.000 USD.

Nói chung khó khăn thì vô vàn nhưng mình quyết tâm nghiên cứu, làm chưa ngon thì làm lại cho ngon rồi cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Minh chứng là chiếc “Bùi Hiển” tôi phải “trầy da tróc vẩy” thực hiện trong 3 năm nhưng tới chiếc “Giấc mơ” thì đơn giản, nhẹ hàng hơn và chỉ cần 2 năm.

“Hai lúa” chế máy bay ở Bình Dương lần đầu hé lộ dự án bí mật - 2

Ông Bùi Hiển cho rằng: “Mình làm được chiếc máy bay bay được thì mình có quyền tự hào chứ!”.

Đối với ông, điều quan trọng nhất mà ông gặt hái được trong 8 năm qua là gì?

Điều quan trọng nhất là tôi nắm được kỹ thuật của một chiếc máy bay trực thăng, làm chủ hoàn toàn về kỹ thuật. Thứ hai là tôi đã chứng minh người Việt Nam mình cũng nghiên cứu, làm được máy bay trực thăng. Qua đó, tôi mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê khoa học công nghệ không ngừng học tập, nghiên cứu và sáng tạo.

Một số người cho rằng ông đang tốn thời gian và tiền của để tạo ra những sản phẩm khó ứng dụng thực tế. Ông nghĩ sao và điều này?

Với công nghệ ở Việt Nam mà làm được chiếc trực thăng là cả một kỳ tích, mình phải tự vào vì con người, đất nước mình. Mình làm được chiếc máy bay bay được thì mình có quyền tự hào chứ!

Hiện, tôi đã có trong tay sản phẩm “Bùi Hiển” và “Giấc mơ” bay tốt rồi, nhưng mà tôi chưa có bằng lái với lại chưa có giấy phép ra sân bay thử nghiệm. Tuổi thì ngày một cao, sức khỏe thì ngày càng không đảm bảo để bay, nên mình làm để bay được thôi chứ không mong đưa vào tham gia giao thông. Quan trọng là nắm kỹ thuật để làm máy bay không người lái có khả năng ứng dụng cao, an toàn.

Ông vừa nhắc tới máy bay không người lái. Xin ông tiết lộ thêm về dự án này?

Đó là một dự án giữa tôi với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Hiệp hội Hàng không Việt Nam. Hiện, phần cơ của máy bay đã được tôi làm xong rồi nhưng phần mềm điều khiển vẫn đang chờ Đại học Bách khoa Hà Nội hoàn thành.

Máy bay không người lái chỉ là phiên bản thu nhỏ của máy bay có người lái, như chiếc máy bay không người lái này là phiên bản thu nhỏ của chiếc “Giấc mơ”. Ở trong máy bay lớn có bộ phận nào là trong máy bay nhỏ có bộ phận đó, chỉ khác nhau ở kích thước mà thôi.

Vậy kế hoạch lớn nhất của ông trong năm 2018 có phải là dành tất cả cho máy bay không người lái?

Đúng vậy! Mục tiêu của tôi trong năm 2018 là hoàn thành máy bay không người lái, đưa vào phục vụ nông nghiệp trong việc phun thuốc trừ sâu. Ngoài ra tôi cũng quyết tâm xin giấy phép để đưa được chiếc máy bay “Bùi Hiển” ra sân bay Phú Lợi (tỉnh Bình Dương) bay thử ngay trong năm 2018.

Xin cảm ơn ông!

--------------------

Là phiên bản thu nhỏ của “Giấc mơ”, chiếc máy bay không người lái mà ông Bùi Hiển đang chế tạo trông rất nhỏ gọn, có tính ứng dụng cao. Đón xem Những hình ảnh đầu tiên về máy bay không người lái của “hai lúa” Bùi Hiển vào 0h30 ngày 18/2/2018.

Hành trình tập lái máy bay tự chế của ”hai lúa” Bình Dương

Không chỉ lái máy bay bay cao hơn đầu người, ông còn thực hiện những “cú” quay đầu êm ái, mượt mà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN