Hạ viện Anh cho phép tạo em bé “một cha hai mẹ”

Em bé "một cha hai mẹ" đầu tiên của nước Anh có thể sẽ chào đời vào năm 2016, nếu đạo luật này được Thượng viện thông qua.

Ngày 3/2, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật cho phép tạo ra những em bé từ ADN của một cha và hai mẹ nhằm ngăn chặn những căn bệnh di truyền nguy hiểm truyền từ bố mẹ sang con cái.

Đạo luật này sẽ chính thức được ban hành sau khi được Thượng viện Anh phê chuẩn, và nó sẽ mở ra cánh cửa cho các nhà khoa học Anh tạo ra một bào thai từ nhiễm sắc thể của hai người phụ nữ và một người đàn ông. Đứa trẻ đầu tiên được tạo ra theo hình thức chưa từng có tiền lệ này có thể sẽ được sinh ra vào năm 2016.

Bộ trưởng Y tế Anh Jane Ellison tuyên bố: “Đây là một bước đi quả quyết của Hạ viện, và đối với nhiều gia đình Anh, đó sẽ là ánh sáng cuối đường hầm tăm tối của họ trong việc sinh ra những đứa con không bị ảnh hưởng bởi các căn bệnh di truyền”.

Hạ viện Anh cho phép tạo em bé “một cha hai mẹ” - 1
Em bé "một cha hai mẹ" đầu tiên của Anh có thể sẽ được sinh ra vào năm 2016. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đạo luật trên cũng vấp phải sự phản đối của không ít người, khi họ cho rằng nó sẽ dọn đường cho việc tạo ra những “đứa trẻ được thiết kế” trái ngược với các quy luật tự nhiên.

Ông Marcy Darnovsky, giám đốc Trung tâm Gen và Xã hội ở California tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng Hạ viện Anh đã mắc một sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và mọi người cùng chung tay ngăn chặn những nỗ lực can thiệp vào thế hệ tương lai”.

Các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu suốt nhiều năm trời để hoàn thiện công nghệ tạo ra đứa trẻ “một cha hai mẹ” này tại Đại học Newcastle nhằm ngăn chặn những căn bệnh do các khiếm khuyết trong ti thể của ADN truyền trực tiếp từ mẹ sang con gây ra.

Theo các nhà khoa học, cứ 5.000 người thì lại có một người bị các bệnh lý về ti thể ADN và có thể mắc các chứng yếu cơ, co giật, mù lòa, mất trí nhớ, nhịp tim bất thường và nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe khác. Một số căn bệnh do khiếm khuyết ti thể ADN gây ra có thể khiến người bệnh tử vong.

Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học sẽ lấy trứng của một phụ nữ khỏe mạnh. Các ti thể ADN của người hiến tặng trứng này sẽ được bảo quản, tuy nhiên các ADN hạt nhân gồm 23 cặp nhiễm sắc thể chứa đựng các thông tin di truyền sẽ bị loại bỏ và thay vào đó là ADN hạt nhân của người mẹ.

Qủa trứng lai này sau đó sẽ được thụ tinh với tinh trùng của người bố và cấy trở lại vào tử cung của người mẹ như một ca thụ tinh nhân tạo bình thường khác. Kết quả là đứa trẻ sinh ra sẽ có một người bố và 2 người mẹ sinh học theo đúng nghĩa của nó.

Hạ viện Anh cho phép tạo em bé “một cha hai mẹ” - 2
Các nghị sĩ Anh ủng hộ kỹ thuật tạo ra những em bé "một cha hai mẹ

Đứa trẻ này sẽ có chưa đầy 1% ADN của người phụ nữ hiến tặng trứng, và những ti thể ADN của người phụ nữ này sẽ không tác động đến các đặc điểm của đứa trẻ như ngoại hình. Đứa trẻ sinh ra sẽ có khuôn mặt, màu tóc, màu mắt thừa hưởng trực tiếp từ bố mẹ thực sự của nó.

Tại Mỹ, các nhà khoa học đã sử dụng một kỹ thuật thụ tinh nhân tạo khác để tạo ra một đứa trẻ từ ADN của 3 người vào năm 2000, tuy nhiên sau đó kỹ thuật này đã bị cấm vì vi phạm các quy tắc an toàn và đạo đức.

Trong khi đó, các nghị sĩ Anh được phép tự do biểu quyết theo lương tâm của mình về vấn đề trên mà không phải chịu tác động từ các đảng chính trị. Thủ tướng Anh David Cameron đã bỏ phiếu ủng hộ đạo luật và cho rằng kỹ thuật này không “làm thay Chúa” mà chỉ là tạo cơ hội cho các ông bố bà mẹ có một đứa con khỏe mạnh.

Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo Roma thì lại phản đối động thái trên. Tuyên bố của giáo hội Anh và xứ Wales nhấn mạnh: “Bào thai người là một sinh linh mới tiềm ẩn nhiều khả năng, và nó phải được tôn trọng và bảo vệ chứ không thể được sử dụng như một thứ có thể bỏ đi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN