Giáo viên nhận định: Đề thi Văn chưa có tính thời sự

Thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) nhận xét: Đề thi khá cũ, không có tính mới mẻ và chưa cập nhật tính thời sự xã hội cũng như các vấn đề thực tiễn.

Giáo viên nhận định: Đề thi Văn chưa có tính thời sự - 1

Thí sinh làm bài thi môn Văn tại cụm thi Đại học Bách Khoa Hà Nội sáng 2/7.

Vẫn đòi hỏi học thuộc lòng

Theo thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định), các văn bản của đề thi Văn năm 2016 lấy trong SGK học sinh đã ôn luyện rất kỹ nên không có gì bỡ ngỡ.

“Đề thi khá cũ, không có tính mới mẻ và chưa cập nhật tính thời sự xã hội cũng như các vấn đề thực tiễn. Đề thi vẫn đòi hỏi học thuộc lòng văn bản nên không mới, học sinh dễ tư duy đề thi theo lối mòn”, thầy Quỳnh cho hay.

Chuyên gia phân tích, câu nghị luận văn học mang tính truyền thống vẫn cần đến việc tái hiện kiến thức. Tuy nhiên, học sinh giỏi phải biết giải thích ý kiến tình huống bất thường và khát vọng bình thường, biết cách phân chia luận điểm rõ ràng.

Câu nghị luận xã hội đề cập đến tư tưởng đạo lý nhưng học sinh có thể lấy các vấn đề hiện tượng đời sống để làm sáng rõ. Đề có 2 vế sẽ nhấn vào vế thứ 2- đề cao sự dũng cảm trong đó quan trọng nhất là dũng cảm đối diện với chính mình, tự nhận sai sửa sai thì mới tìm được chính mình.

Cô Đoàn Thị Thu Hà , giáo viên Trường THPT Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội, cho rằng, đề ngữ văn năm nay thật sự rất thú vị, đảm bảo sự phân hóa rõ ràng nhưng lại khá quen thuộc trong kỳ thi đại học và THPT Quốc gia năm 2015. Học sinh chỉ cần nắm chắc kỹ năng là có thể làm tốt, học trò sẽ rất hào hứng với câu này.

Theo cô Hà, những vấn đề đặt ra khá thiết thực, gần gũi và có ý nghĩa đối với cuộc sống. Trong đề thi, nội dung hay nhất là câu nghị luận xã hội khi đặt ra một vấn đề khá thú vị là yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến cho rằng “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình còn dũng khí lại giúp họ được chính mình”.

Nhắc nhở học sinh giữ gìn trong sáng Tiếng Việt

Thầy Nguyễn Phi Hùng, Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội: Đề Văn thi THPT quốc gia năm nay thể hiện rõ xu hướng đổi mới trong cách ra đề. Chủ yếu kiểm tra, đánh giá kĩ năng chứ không chú trọng vào những kiến thức mang tính chất thuộc lòng.

Nội dung các câu hỏi trong đề thi đều xoay quanh những vấn đề gần gũi với cuộc sống của học trò.

Giáo viên nhận định: Đề thi Văn chưa có tính thời sự - 2

Giáo viên nhận định: Đề thi Văn chưa có tính thời sự - 3

Đề thi Văn tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016

Thầy Hùng phân tích, phần Đọc hiểu trong đề thi hỏi về vẻ đẹp của tiếng Việt qua bài thơ rất hay của Lưu Quang Vũ. Trong bối cảnh sự trong sáng và đẹp đẽ của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hiện tượng giới trẻ lạm dụng tiếng lóng, viết không dấu, viết tắt tùy tiện trên mạng xã hội và trong các tin nhắn điện thoại... đề thi như một lời nhắc nhở mỗi học sinh về ý thức giữ gìn vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.

Câu 1 trong phần Làm văn đề cập đến sự hèn nhát và dũng khí, hai cách ứng xử khiến con người có thể đánh mất mình hay làm chủ được bản thân trong cuộc sống.

Đây sẽ là "đất" để các em được thể hiện quan điểm cá nhân và khả năng lập luận logic, thuyết phục.

Câu 2 phần Làm văn hỏi về tình huống trong truyện Vợ nhặt. Đây là một nội dung khá quen thuộc mà nhiều thầy cô tập trung ôn luyện cho học trò nhưng để giành điểm số cao ở câu hỏi này, các em cần trình bày bài viết mạch lạc, đầy đủ các ý: từ nêu khái niệm tình huống truyện cho đến phân tích và nêu ý nghĩa của tình huống truyện đối với tác phẩm. Đây sẽ là câu hỏi có khả năng phân hóa trình độ học sinh. Nhìn chung, với đề thi năm nay, học sinh trung bình khá có thể đạt từ 6 đến 7 điểm, số lượng bài thi đạt điểm 8, điểm 9 có thể sẽ tăng so với năm ngoái.

Trong khi đó, thạc sĩ Đặng Ngọc Khương – Giáo viên trường THPT Quốc tế Newton đánh giá, đề thi môn Ngữ văn hay, vừa sức và có tính phân loại cao. Nội dung kiến thức và kỹ năng phù hợp, vừa đảm bảo kiến thức cơ bản của chương trình vừa cập được những hiểu biết cần thiết trong cuộc sống hiện đại.

“Đề có khả năng phân hóa cao vì thế sẽ đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường ĐH, CĐ… Như vậy đề bài đã đáp ứng đúng được mục đích đề ra cho kỳ thi THPT quốc gia 2016”, thầy Khương cho hay.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương phân tích, phần đọc hiểu không đánh đố học sinh, nắm chắc các kiến thức tập làm văn và tiếng Việt như: chủ đề của đoạn văn biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, phát hiện từ ngữ và hình ảnh thơ tiêu biểu…học sinh đã có thể đạt được ½ số điểm.

Phần nghị luận xã hội câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, vấn đề không quá mới những đầy tính thực tiễn và cách hỏi vẫn tạo được hứng thú cũng như có định hướng cho người làm bài. Phần nghị luận văn học hỏi về tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt – một vấn đề khá gần gũi với học sinh nhưng cách hỏi theo kiểu đưa ra ý kiến nhận định lại có thể làm mới câu hỏi và yêu cầu ở học sinh kỹ năng xử lí đề tốt.

Đề thi Văn không lạ nhưng bất ngờ

Giáo viên nhận định: Đề thi Văn chưa có tính thời sự - 4

Hoàn thành môn thi Ngữ văn, chiều 2.7, các thí sinh sẽ tiếp tục thi môn Vật lý.

Thầy Thân Văn Kiều, Tổ phó tổ Văn Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) đánh giá: “Đề Văn đợt này không khó. Ở phần đọc hiểu, từ câu 1 đến câu 4 dễ, các thí sinh có thể lấy trọn điểm; từ câu 5 đến câu 8 thì khó hơn một chút, đòi hỏi các em phải đọc kỹ và tư duy. Tôi nghĩ các em có thể lấy được 75% điểm của phần đọc hiểu từ câu 5 tới câu 8”.

Theo thầy Kiều, ở phần nghị luận xã hội bàn về 2 ý, đó là sự dũng cảm và hèn nhát trong mỗi con người. Đề đã nêu khá rõ vấn đề nên các thí sinh sẽ làm được và làm tốt.

Riêng phần nghị luận văn học, thầy Kiều cho rằng: Đề có sự bất ngờ, nhưng cách ra đề khá truyền thống chứ không phải mới. Chính vì truyền thống nên có một số bất ngờ ở đây.

“Gần đây, nhiều trường dạy cho các em các kiến thức khá cao siêu, so sánh hai nhân vật ở hai tác phẩm, so sánh hai tình huống ở hai tác phẩm, so sánh hai đoạn thơ hay những ý kiến nhận định mang tính tổng hợp. Trong khi đề Văn đợt này ra theo một hướng khá truyền thống”, thầy Kiều nói.

“Với câu này, các em phải xác định được tình huống truyện. Tình huống truyện ở đây dễ thấy ngay từ tiêu đề “Vợ nhặt”. Tình huống truyện là nhân vật Tràng nhặt được vợ. Tràng xấu xí, nghèo khổ, thân cho chưa xong nói gì đèo bồng. Trong khi đó lại “nhặt” một cô vợ về, dường như không có tinh toán sâu xa như các cụ. Cho nên, việc anh có vợ làm cho bản thân anh ngạc nhiên, người dân hàng xóm ngạc nhiên, mẹ của anh là cụ Tứ cũng ngạc nhiên.

Sau giây phút ngạc nhiên ấy là chuyện thêm một thành viên mới sẽ mang theo sự lo âu. Nhưng tác phẩm đã chứng minh đó chỉ là một thoáng lo âu, chứ tinh thần chung của gia đình là như có một cái gì đó mới mẻ. Thí sinh phải phân tích được sự tươi vui đó sau sự ngạc nhiên ban đầu. Chính tình huống truyện này làm cho không khí trở nên mát lạ, vui vẻ. Mở rộng ra cuộc sống là phải sống vui vẻ, sống cho ra sống”, thầy Kiều nhắc lại tình huống truyện.

Từ đó, thầy Kiều đánh giá: Đề không khó nên sẽ không nhiều điểm dưới trung bình nhưng cũng không nhiều điểm giỏi. Đề bám sát chương trình học và có sự phân hóa. Nếu học sinh chỉ sử dụng điểm môn này để xét tốt nghiệp thì không lo. Đề thi này cũng đủ điều kiện để phân loại, xác định, tìm ra được các thí sinh đầu vào chất lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu-Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN