Gián điệp tin học từ TQ: Nỗi ám ảnh
Tin đồn không còn là tin đồn nữa. Huawei và ZTE, 2 công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, đang trở thành nỗi ám ảnh về an ninh của các nước.
Sau khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ (HIC) công bố báo cáo khuyến cáo các công ty Mỹ và Canada đừng làm ăn với 2 công ty Huawei và ZTE vì có thể bị đe dọa an ninh quốc gia hôm 8/10, nay có tin Ủy ban An ninh và Tình báo Hạ viện Anh (ISC) cũng đang xem xét việc điều tra các hoạt động của Huawei ở Anh, theo nhật báo The Guardian.
Bị chỉ trích và cáo buộc hối lộ
Trước đó tại Pháp, thượng nghị sĩ Jean-Marie Bockel, cựu quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng, cũng công bố một báo cáo đề về an ninh mạng, trong đó ông tiên đoán bộ định tuyến (router) của Trung Quốc, sản phẩm chính của Huawei và ZTE, sẽ bị cấm lắp đặt “trên lãnh thổ Pháp và Liên minh châu Âu (EU) vì lý do an ninh quốc gia”.
Không phải mới đây mà từ nhiều năm rồi, 2 công ty cung cấp thiết bị và hệ thống viễn thông Huawei (hạng 2 thế giới) và ZTE ( hạng 5 thế giới) của Trung Quốc bị chỉ trích và nghi ngờ đe dọa an ninh các nước thông qua các thiết bị tin học mà họ bán ra toàn cầu. Chính sự phát triển như vũ bão trên thị trường quốc tế và mối quan hệ không rõ ràng với chính quyền Bắc Kinh đã dấy lên mối nghi ngại này.
Charles Ding (bìa trái), đại diện Huawei và Zhu Jinyun, đại diện ZTE điều trần trước HIC ngày 13/9. Ảnh: AP
Để chứng minh rằng Huawei mắc hàm oan, tháng 2/2011, ông Ken Hu (Hồ Côn) - lúc đó là phó chủ tịch Huawei - viết một lá thư ngỏ mời chính phủ Mỹ “tiến hành một cuộc điều tra chính thức về bất cứ mối nghi ngờ nào liên quan đến Huawei để có một kết luận rõ ràng và chính xác”. Những tin đồn và nghi ngại này đã từng khiến Huawei thất bại chua cay trong nỗ lực thôn tính công ty 3Com và công ty công nghệ máy chủ 3Leaf của Mỹ.
“Cầu được, ước thấy”, kết luận của Mỹ đã được công bố trong bản báo cáo dày 52 trang hôm 8/10 nhưng hoàn toàn ngoài sự mong đợi của ông Hồ Côn, nay là quyền tổng giám đốc Huawei. Sau 11 tháng điều tra hoạt động của Huawei và ZTE - đối thủ cạnh tranh của Huawei - theo yêu cầu của ông Hồ Côn, HIC tuyên bố những tin đồn và nghi ngại mà Huawei và ZTE cho rằng “vô căn cứ” là có thật.
Sau khi nhận định những thiết bị của 2 công ty viễn thông Trung Quốc này dùng trong hạ tầng cơ sở viễn thông Mỹ ẩn chứa các phần mềm gián điệp, bản báo cáo kết luận: “Huawei và ZTE không thể bảo đảm rằng họ độc lập với một quốc gia nước ngoài (Trung Quốc) vì vậy đe dọa an ninh Mỹ bởi Trung Quốc có phương tiện, cơ hội và ý đồ dùng các công ty viễn thông vào mục đích bất hảo”.
HIC đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể. Chẳng hạn như yêu cầu Ủy ban Giám sát Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) rà soát và điều tra các vụ thâu tóm và mua lại công ty Mỹ của Huawei và ZTE. Báo cáo cũng đề xuất điều tra sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh đối với 2 công ty thiết bị viễn thông này. Thông điệp của HIC rất rõ ràng: Thị trường Mỹ không hoan nghênh sự có mặt của Huawei và ZTE.
Chưa hết, HIC còn nói Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Mỹ có những bằng chứng đáng tin cậy cáo buộc Huawei phạm tội hối lộ, vi phạm bản quyền. Đài truyền hình CBC Canada cho biết hồ sơ chứng cứ này đã được chuyển sang FBI (Cảnh sát Liên bang Mỹ) để điều tra hình sự.
Ngựa thành Troye
Ngày 10/10, hãng tin Reuters cho biết Huawei đã bị loại ra khỏi cuộc đấu thầu xây dựng một mạng lưới thông tin bảo mật của chính phủ Canada sau khi người phát ngôn của thủ tướng nước này tuyên bố: “Chính phủ sẽ lựa chọn cẩn thận (đối tác) khi xây dựng mạng lưới và yêu cầu có một ngoại lệ an ninh quốc gia”. Ngoại lệ an ninh quốc gia là một biện pháp cho phép chính phủ Canada phân biệt đối xử với một doanh nghiệp mà không vi phạm các hiệp ước thương mại quốc tế.
Cũng theo Reuters, ông Ray Boisvert, cựu nhân vật thứ 3 trong CSIS (Cơ quan Tình báo Canada), khẳng định rằng Huawei là “mối đe dọa thực sự”. Ông ủng hộ việc chính phủ Canada “cấm cửa” Huawei tham gia xây dựng mạng lưới dữ liệu và thông tin mới của chính phủ.
Chẳng những vậy, ông Boisvert còn thuyết phục Công ty Viễn thông Telus Corp và nhiều công ty khác “nghỉ chơi” với Huawei bởi vì “tin rằng Huawei làm việc cho chính phủ Trung Quốc”. Nói cách khác, nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong giới an ninh Canada tin rằng Huawei và ZTE là những “con ngựa thành Troye” xâm nhập mạng lưới an ninh mạng các nước để thực hiện những điệp vụ bí mật phục vụ lợi ích của Trung Quốc.
Hoạt động của Huawei ở Canada rất mạnh. Năm 2008, công ty này trúng thầu xây dựng mạng viễn thông cho 2 công ty địa phương là Telus và chi nhánh BCE của Bell ở Canada. Thậm chí Huawei còn được chính quyền tỉnh Ontario tài trợ 6,5 triệu đô la Canada (CAD) khi Huawei đầu tư 67 triệu CAD xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển Huawei tại Markham, Ontario. Cơ sở này sử dụng 300 nhân viên, trong đó có 130 kỹ sư Trung Quốc.
Với những diễn biến mới kể trên, sau Mỹ, 2 công ty Trung Quốc có nguy cơ bị thất thế lớn ở Canada.
(Còn nữa)