Gặp người thầy "chế biến" nước sông Tô Lịch để uống

Hơn 40 năm gắn bó với khoa Hóa học của trường Đại học Khoa Học Tự nhiên Hà Nội, Phó giáo sư Trần Hồng Côn luôn đau đáu với việc làm thế nào để đem lại nguồn nước sạch nhất cho người dân.

Người vẽ bản đồ nước bẩn Hà Nội

Tiếp chúng tôi tại căn nhà tập thể trường Đại học Tự nhiên Hà Nội, PGS Trần Hồng Côn vẫn bận rộn với việc nghiên cứu của mình. Những cục lọc nước là thứ gắn bó với ông từ nhiều năm nay.

Nói về câu chuyện lấy nước sông Tô Lịch để làm nước uống, PGS Côn cười và cho biết, thực sự ban đầu ông cũng không nghĩ như thế. Ông kể từ năm 1996, khi đó có một người thuê khoa Hóa học làm xét nghiệm mẫu nước ở một vùng ven đô Hà Nội. Mẫu nước lấy từ nước ngầm của thành phố. Khi đó trong 30 mẫu nước gửi thì có đến hơn 10 mẫu nước nhiễm asen (thạch tín) gấp nhiều lần cho phép.

Gặp người thầy "chế biến" nước sông Tô Lịch để uống - 1

PGS Côn và công trình nghiên cứu tại trường ĐH KH Tự nhiên Hà Nội.

PGS Côn không hiểu tại sao nước ngầm ở Hà Nội lại bị nhiễm bẩn đến như thế và nó luôn khiến thầy ám ảnh. Ông muốn có một công trình nghiên cứu về nguồn nước ở Hà Nội nhưng kinh phí là vấn đề quan trọng nhất. Lúc này, Quỹ phát triển tiềm năng của Thụy Sỹ đã tài trợ kinh phí để ông có điều kiện tiến hành khảo sát thực trạng và lập nên bản đồ phác thảo các điểm bị nhiễm asen gồm 8 nhà máy nước nội thành và các giếng khoan của người dân ngoại thành. Dựa trên kết quả nghiên cứu này cho thấy hiện trạng nước ngầm trên địa bàn TP Hà Nội có đến 30% điểm giếng khảo sát có mức độ nhiễm asen trên 0,05mg/lít, còn ở mức vượt trên ngưỡng cho phép 0,01mg/lít thì có tới 50%.

Dần dần, ông "vẽ" ra một bản đồ nguồn nước ngầm nhiễm độc ở Hà Nội. Hầu hết bà con ở các vùng ngoại thành sử dụng nguồn nước ngầm và họ chỉ lọc được các kim loại khác như sắt... mà không loại bỏ được asen. Lúc này, việc tìm ra cách để lọc sạch được nguyên tố asen ra khỏi nguồn nước để bà con có thể sử dụng nấu nướng sinh hoạt là vô cùng cấp bách. Sau đó, PGS Côn đã có công trình nghiên cứu về đá ong trong việc loại bỏ asen.

PGS-TS Trần Hồng Côn kể, sau khi đã tìm ra giải pháp để xử lý được asen trong nước từ đá ong, một suy nghĩ lướt qua trong ông, đó là đã có công nghệ xử lý được chất độc asen, tại sao không tiếp tục nghiên cứu để xử lý các chất hữu cơ độc hại khác có ở trong nguồn nước?

Lần lượt hàng nghìn vật liệu đã được ông chọn lọc, sử dụng để đưa vào nghiên cứu của mình. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã tìm ra được những vật liệu tuy rẻ tiền những mang lại những giá trị hiệu quả rất cao như đất sét ở Trúc Thôn, Đá Son ở Núi Đèo, than gáo dừa ở Trà Bắc…Cùng thời gian đó là sự ra đời của công nghệ nano. PGS Côn lại mày mò suy nghĩ có thể nano sẽ hợp với việc đưa nguồn nước bị ô nhiễm tái chế sử dụng được.

Biến nước sông Tô Lịch thành nước uống?

Và mất một thời gian ông mày mò cuối cùng cũng cho ra được một công nghệ lọc nước có "1 không 2" ở Việt Nam. PGS Côn kể: "Lúc đầu tôi lọc nước ở những nguồn nước như nước máy rồi nước ở hồ Bảy mẫu. Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Trung tâm đo lường chất lượng thuộc Tổng cục Đo lượng Chất lượng Việt Nam kết quả đều rất khả quan.

Lúc này, tôi nghĩ, tại sao mình không thử với nước sông Tô Lịch - nơi được gọi là "xóm nước đen" của Hà Nội? Ý tưởng của tôi đưa ra có không ít người phản đối cho rằng không thể tẩy lọc được nước sông Tô Lịch. Nhưng với đam mê về việc thanh lọc nước, tôi vẫn ra sông Tô Lịch lấy một xô nước về thử".

Nước ở sông vừa đen, vừa hôi lại tanh tanh, tuy nhiên sau khi chảy qua cục lọc của ông thì lại cho một loại nước trong tinh khiết không mùi hôi, không còn tanh như nguồn nước ban đâu. Để chứng kiểm chứng, PGS Côn lấy hai chai nước đóng chai. Cả hai chai ông ghi mẫu 1 và mẫu 2. Mẫu 1 ông đổ nước mình đã lọc từ nước sông Tô Lịch vào chai và mẫu 2 là nước đóng chai ông mua về. Sau đó, PGS Côn gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để kiểm tra các vi khuẩn, vi rút và các ký sinh trùng. Một phần mẫu được gửi sang Bộ Khoa học Công nghệ kiểm tra tồn đọng các chất hóa học.

Kết quả thật bất ngờ, PGS Côn cho biết mẫu từ bên Tổng cục gửi về hoàn toàn "sạch" so với mẫu nước tinh khiết của một hãng sản xuất nước đóng chai hàng đầu Việt Nam. Còn kết quả từ Viện Vệ sinh Dịch tễ thì có hơn 10 chỉ số hoàn toàn tinh khiết.

Sau đó, tại phòng thí nghiệm của trường, PGS Côn đã bảo học trò lấy nước sông Tô Lịch để lọc qua máy lọc. Ông uống thử. Lúc ấy, sinh viên còn khuyên thầy không nên thử vì nhìn mẫu nước bên trên chưa qua máy lọc thì không ai dám lại gần chứ chưa nói là uống. Ông vẫn cứ lấy cốc uống thử. Cảm giác không khác nước tinh khiết tý nào. Khi thầy giáo thử, không ít sinh viên đã chau mày "sao lại có thể uống nước đó được".

Khi công trình nghiên cứu được công bố, nhiều báo đài đã đến và muốn thử tận mắt việc lọc nước sông Tô Lịch để uống. Không ít người nghi ngờ cho rằng điều đó hoang đường. PGS Côn đã ra hẳn bờ sông Tô Lịch lấy nước lên đổ vào khayrồi cho nước chảy qua hệ thống lọc và uống thử trước sự chứng kiến của nhiều người. Lúc ấy, nhiều người cũng thử cùng với ông.

PGS Côn cho biết mục đích lớn nhất trong đề tài nghiên cứu của ông là có thể giúp cho những người dân sống ở những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, những nơi bị lũ lụt hay những vùng nông thôn thiếu nước sạch có khả năng tái chế nguồn nước đã bị ô nhiễm để phục vụ cho sinh hoạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN