Gặp người mang thân hình quỷ trên "sa mạc đá"
Hàng trăm khối u lớn nhỏ bắt đầu xuất hiện và “cư ngụ” trên cơ thể ông Phủng Tràn Phâu trú tại xóm Lũng Mật, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng khiến người đời đặt cho ông biệt danh người đàn ông mang thân hình quỷ.
Thung lũng Lũng Mật được ví như một "sa mạc đá" thu nhỏ của huyện Bảo Lạc bởi địa hình đa phần là núi đá tai mèo dựng đứng. Dưới chân núi là nơi cư ngụ của đồng bào các dân tộc Mông, Dao…
Đặc biệt trong đời sống còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu điều đó dễ dàng lý giải vì sao nên khi cơ thể ông Phâu khoác lên mình một lớp da sần sùi như da cóc bởi hàng nghìn khối u, nhưng ông lại bình thản như vậy. Dường như việc chạy chữa để giải thoát căn bệnh lạ khỏi cơ thể ông gần như không có, khi miếng ăn còn chưa lo tới sao dám nghĩ việc chữa bệnh.
Nỗi đau nối tiếp nỗi đau
Nằm lọt trong những tàu lá chuối chết khô vì sương trắng là căn nhà nhỏ lớp prô - ximang của ông Phâu.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là dáng một người đàn ông nhỏ thó, toàn thân thể chi chít những nốt u lớn, nhỏ. Lớp da sần sùi như chẳng khác gì da cóc khiến chúng tôi thật sự bị “sốc” mặc dù đã được mọi người giới thiệu từ trước.
Ông Phâu- người mang thân hình quỷ ngồi tiếp chuyện PV
Thấy khách lạ ghé thăm ông Phâu nhoẻn miệng cười mời khách vào nhà, dường như nụ cười ấy như muốn khỏa lấp đi nỗi đau đang cào xé thân xác bé nhỏ của ông.
Ngồi uống chén nước ông Phâu chia sẻ số phận bất hạnh của mình: “Chú thấy lạ lắm không?. Chắc chưa gặp người nào mà có lớp da như này đúng không?. Ở vùng này tôi nổi tiếng lắm, không phải vì cái tài gì đâu mà là vì lớp da lạ này đấy”.
Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, cha mẹ sinh được 9 người con và tất cả đều lành lặn, khỏe mạnh. Thế nhưng, không hiểu họa từ đâu ập xuống sau một trận sốt nặng đến chết đi sống lại, căn bệnh lạ xuất hiện. Da mặt, đầu ông bắt đầu xuất hiện những khối u nhỏ ban đầu chỉ là 1 – 2 hạt, sau đó số lượng ngày một nhiều rồi lan khắp cơ thể.
Ai nhìn thấy ông đều khiếp sợ, thậm chí có người vốn là hàng xóm thân thiết cũng ái ngại né tránh khi gặp ông. Thương con cha mẹ ông lặn lội cất công đi tìm đủ các thầy lang, bốc đủ các loại thuốc nam về chữa trị những bệnh cũng không thuyên giảm.
Chân trái của anh Phâu bị tật sau khi gãy 3 lần
Thậm chí mời cả mời thầy cúng (thầy bói) đến trừ tà ma giải thoát căn bệnh lạ kia, nhưng ai cũng chỉ lắc đầu vì chưa ai gặp căn bệnh xưa nay hiếm bao giờ.
Hàng nghìn khối u nhỏ đó hành hạ ông từng ngày, khiến ông càng xấu xí và sống trong đau đớn và tuyệt vọng. Dân làng gọi ông bằng cái tên đầy cay nghiệt "người đàn ông mang thân thể quỷ".
Số tôi bị trời đày rồi chú à! nói ra thì không ai tin riêng chân trái cũng đã bị gãy “gót” đến ba lần. Ông Phâu kể: “ Khi đang ở dưới gầm nhà sàn, chị gái ở trên nhà vô tình dẫm phải tấm ván mục ngã xuống trúng chân trái làm gẫy chân khi đó mới 16 tuổi. Đến năm 20 tuổi lại bị gãy chân trong khi đang trèo lên cây hái quả đem xuống chợ bán. Không dừng lại ở đó do không cẩn thận tôi lại bị gãy chân năm 40 tuổi. Nhưng cả ba lần chân gãy, tôi không đi bệnh viện bó bột, mà chỉ dùng lá rừng làm thuốc nên đã biến chân tôi thành gấp khúc đi lại khập khiễng.
40 năm chỉ ăn ngô
Tôi hỏi, sức khỏe như vậy có làm được gì không, ông Phâu bần thần trả lời: “Ngày nóng cơ thể nóng ran như có con gì cào xé trong người, lại thêm chân bị gãy đi lại khó khăn nên việc lớn nhở chỉ biết trông chờ vào vợ, con thôi. Nhưng khi cái đói mùa giáp hạt tới, tôi cũng phải cố đi kiếm rau rừng về ăn, nếu được nhiều thì cho vợ đem xuống chợ xã Xuân Trường đem bán để đổi lấy gạo, mỡ".
Để kiếm được rau rừng với người thường đã khó với ông lại càng khó hơn, chỉ cần một chút sơ xẩy là có thể mất mạng. Với cái chân khập khiễng với ông đi tìm hái rau rừng cũng chỉ đủ ăn một bữa, hay đem đổi được bữa ngô, bữa gạo.
Lúc này đã gần tối, tôi hỏi: “Đến giờ nấu cơm rồi ông không nấu cơm à?” ông Phâu trả lời: “Làm gì có cơm mà nấu, chỉ có ngô thôi".
Vợ con ông Phâu nấu bữa cơm tối
Lúi húi trong góc nhà, ông lôi ra một chiếc can đựng đầy bột ngô là thức ăn chính của gia đình ông. Thấy vậy, cậu con trai của ông nhanh nhẩu chạy ra ngoài lấy củi, mồi lửa nấu bữa tối.
Quan sát xung quanh nhà ông chỉ thấy mấy cái nồi méo mó, vài cái bát cũ kỹ đã sứt mẻ, tôi lại hỏi tiếp: “Tối nay ông sẽ mời cháu món gì ạ?” “Như mọi ngày thôi ngô và rau rừng có khách quý thì cho xuống nồi canh rau rừng nhiều mỡ hơn một chút thế là sang lắm rồi”. Dường như với gia đình ông đã quá quen với cái khổ, cay đắng của cuộc đời nên dù chỉ có ngô và rau rừng thì cũng tốt lắm rồi.
Cũng theo ông Phâu cho biết: “Mỗi năm ông gia đình ông cũng chỉ một lần có gạo để nấu từ nguồn hỗ trợ gạo cứu đói của nhà nước hơn 50 kg và quần áo của gia đình chủ yếu là các giáo viên giảng dạy tại phân trường Lũng mật cho”.
Theo anh Vàng A Pá (45 tuổi) người dân tại xóm Lũng Mật cho biết: “Số ông Phâu khổ lắm, nhà nghèo, không đất canh tác quanh năm chỉ ăn ngô trong khi bản thân lại mất khả năng lao động nên quanh năm đến ngô cũng không đủ ăn, mùa giáp hạt bà con trong xóm lại đóng góp cho ông Phâu được chút ít thôi”.
Cái đói mùa giáp hạt và cái rét tê người của mùa đông không làm ông khốn khổ khi thời tiết chuyển hè. Khi tiết trời nóng hừng hực, thì thân thể sần sùi với hàng ngàn cục mụn bắt đầu nóng ran lên, gây ngứa ngáy. Có những lúc không chịu nổi ông cầm con dao về cắt nước từ cục mụn chảy ra làm ông càng đau đớn hơn.
Khi đó, cả vợ và con ông cũng chỉ biết nhìn ông quằn quại trong cơn đau. Bởi, vợ và con ông khi còn chưa lo xong bữa ngô cho những ngày sống tiếp theo thì làm sao dám nghĩ đến chuyện đưa ông đi chữa bệnh.
Sự hành hạ của những nốt mụn khiến ông nóng ran người lên, ông chỉ còn biết dùng lửa hơ vào các cục mụn để cho qua cơn đau và ngứa rát. Nhiều lúc nghĩ tũng quấn ông Phâu nghẹn ngào: “Nên chết đi, để con ma độc âm ỷ trong thân thể không còn hành hạ thêm được nữa”.
Khi bóng tối dần chế ngự thũng lũng Lũng Mật, chúng tôi trở lại TP. Cao Bằng hình ảnh cậu con trai Phùng A Pá (10 tuổi) của ông Phâu đong một ống bơ ngô đã xay, vợ ông lên nương ngô ngắt ngọn rau bí già nấu bữa tối mời khách, cứ khắc khoải trong tâm trí chúng tôi đến nghẹn lòng.