Gà lậu biên giới: Những ông trùm sạch sẽ
Qua gặp mặt, chân dung của những lái gà xuyên biên giới này lại rất “sạch sẽ”. Có những ngày họ giao dịch hàng vạn con gà nhưng không cần xuất hiện, mà chỉ... ngồi nhà uống cà phê.
Cho đến nay, cơ quan chức năng nước ta đã "nắm" được danh sách 80/123 đầu mối chuyên buôn bán gia cầm nhập lậu ở Việt Nam. Phóng viên NTNN đã tiếp tục thâm nhập vào đường dây buôn bán gà lậu để "điểm mặt" một vài đầu nậu như thế.
Trước khi gặp mặt những đầu nậu này, chúng tôi cứ ngỡ những ông trùm, bà trùm buôn lậu gà phải là những người "ghê gớm" lắm, hay ít ra cũng phải tay khoác bị tiền, tay túm cổ gà để kiểm hàng. Song trên thực tế, qua gặp mặt, chân dung của những lái gà xuyên biên giới này lại rất “sạch sẽ”. Có những ngày họ giao dịch hàng vạn con gà với cả trăm tấn hàng qua biên giới nhưng không cần xuất hiện, mà chỉ ngồi nhà uống cà phê và chuyển tiền qua mạng.
Gặp trùm gà đường biên
Cũng phải qua nhiều "cầu", chúng tôi mới gặp mặt được Thanh - một trong những nữ buôn lậu nổi tiếng của huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Thanh nổi tiếng đến nỗi dân "bao biên" ở đây cũng phải kính nể. Năm nay, Thanh 38 tuổi, đã có đến hơn 20 năm làm nghề buôn mọi thứ qua biên giới.
Song đột nhiên, nhiều năm trở lại đây, người ta chỉ thấy Thanh cả ngày ngồi gác chân ở những quán cà phê tại thị trấn Lộc Bình. Hôm nào cao hứng thì Thanh phóng ra thành phố Lạng Sơn nhậu hoặc về Hà Nội để đi sàn nhảy. Ngoài ra, Thanh dành 3 tháng mỗi năm để đi lễ ở các đền phủ, đình chùa khắp trong Nam, ngoài Bắc...
"Rỗi" việc như vậy nhưng mọi mối hàng qua biên giới đều do một mình Thanh đạo diễn. Cả buổi buôn chuyện phiếm với Thanh, có lúc cao hứng, bà trùm này mới bật mí về những bí mật của mình. Chẳng là, sau nhiều năm buôn bán vặt ở biên giới, giờ đã qua cái thời đứng chỉ đạo cửu vạn vác hàng hùng hục cho lên xe máy rồi phóng bạt mạng hay dùng dao, dùng búa đánh nhau.
Cách làm đó, giờ chỉ dành cho những kẻ buôn chuyến vặt. Còn bây giờ, công việc của Thanh là quan tâm xem mấy anh ở C48, C49 của Bộ Công an đang chuẩn bị lên Lạng Sơn làm gì, nội dung thế nào, làm ở đâu, bao giờ rút về? Từ đó, Thanh biết đường tính cho hàng khỏi rơi vào tay lực lượng công an. Chứ còn dân Lạng Sơn với nhau thì cũng chẳng còn ai lạ gì Thanh nữa. Có nhiều ông sếp của ngành chống buôn lậu bây giờ, Thanh biết từ hồi còn là nhân viên hay đội trưởng gì đó.
Tiêu hủy trứng và gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc
Theo Thanh, buôn gà thời điểm này thực chất cũng chỉ để giữ mối thôi chứ nhằm nhò gì mỗi ngày chục tấn gà qua biên giới. Lãi được hơn 20 triệu không đủ để đi chơi mà lúc nào cũng lo ngay ngáy vì mấy "bố" liên ngành suốt ngày đi tuần, đi phục.
Thanh kể tiếp, trước kia, khi chưa cấm chặt, mỗi ngày Thanh giao dịch qua biên giới hàng vạn con gà với số lượng khoảng hơn 100 tấn gà mỗi ngày. Tất nhiên đều không phải là qua đường chính ngạch, mà đều được vận chuyển qua các đường mòn, có khi dùng cả xe tải 4 trục để chở gà về các tỉnh tiêu thụ. Có những xe chở đến 25 tấn gà nhưng hầu như không bị phát hiện vì tài ngụy trang và lo luật của Thanh.
Thanh cũng nói thêm, bây giờ dịch cúm gia cầm của Trung Quốc đang hoành hành nên đành bó tay về chuyện bao luật, vì không có ai dám nhận cả. Chỉ có chạy tay bo, được chuyến nào ăn chuyến đó, bắt thì chịu, không xin được.
Trong khi ngồi ở quán cà phê nói chuyện với tôi, 2 chiếc điện thoại cao cấp của Thanh liên tục đổ chuông. Lúc Thanh nói tiếng Việt, lúc lại tiếng Trung. Sau vài cuộc điện thoại, Thanh lôi chiếc máy tính bảng trong túi ra làm vài động tác nhấp chuột, thế là xong một cuộc giao dịch với 10 tấn gà lậu lại được chuyển về nước ta bằng con đường bí mật.
Chuyển tiền xong, Thanh bốc máy gọi cho mấy đệ tử chỉ đạo đám đầu nậu đón hàng, phân đội chạy xe máy và nhắc: "Thằng nào muốn chở hàng thì phải đóng tiền đặt cọc đấy, bị bắt mất hàng là thu luôn tiền đó để đảm bảo đôi bên cùng có trách nhiệm với nhau, làm ăn lâu dài thì phải thế".
Thanh cho biết thêm, để có được các mối hàng tin tưởng như thế, giới buôn gà phải làm ăn lâu năm với nhau rồi. Mình chỉ cần chuyển một nửa tiền sang, là họ gửi hàng về, lúc nào bán xong hàng thì chuyển phần còn lại. "Bây giờ có vốn làm ăn rồi cũng không phải chường mặt ra biên giới nữa. Nếu hàng bị bắt thì coi như bỏ vì bọn chở hàng cũng có biết mặt mình đâu, còn các cơ quan chức năng dù có biết là hàng của mình cũng khó mà tìm ra chứng cứ"- Thanh tiết lộ.
Mối lẻ sẵn hàng
Sau nhiều ngày lần mò từ các đầu mối buôn gà, chúng tôi đã hình dung ra một công đoạn khép kín như sau: Các đầu nậu ở biên giới đánh hàng về những điểm tập kết ở Bắc Giang. Từ đây, gà được xé lẻ để các xe tải hạng nhỏ và xe máy đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Vì vậy, các mối lẻ lúc nào cũng sẵn hàng, cung cấp loại gà da giòn, thịt dai... Khi gà đã tới bàn ăn rồi thì có thể lãi siêu lợi nhuận.
Qua nhiều cầu nối, tôi cũng đã tiếp cận được chị Phương - một mối chuyên gà thịt sẵn ở chợ Đọ, thành phố Bắc Ninh. Không cần giấu bí quyết nghề gì cả, gặp tôi, chị Phương nói ngay, nếu cần "gà Tàu" thịt sẵn thì có thể cung cấp cả tấn mỗi ngày mà không gặp khó khăn gì, chỉ cần đặt tiền là có người đưa hàng đến tận nhà, đảm bảo tươi ngon.
Theo chị Phương, sở dĩ dân mình vẫn tiêu thụ "gà Tàu" là do thịt dai, da giòn mà lại rẻ. Một con gà khoảng 1,5 kg chỉ có giá 80.000 đồng nên vẫn tiêu thụ tốt. Còn người buôn thì cũng thích làm loại gà này, bán dễ lại lãi cao. Mua 1 con gà lông khoảng 45.000-50.000 đồng, mổ ra đã lãi được bộ lòng, tràng, trứng 10.000 đồng. Đây là gà đẻ nên tràng, trứng thường rất nhiều, cộng với mỗi con gà lãi khoảng 25.000 đồng thì buôn bán loại gà này lãi hơn gà ta nhiều.
Cũng theo chị Phương, hiện nay tuy bị các cơ quan chống buôn lậu làm gắt, nhưng "gà Tàu" vẫn về được với điều kiện khách phải đặt hàng trước. Bởi không chỉ có ở Bắc Ninh, nếu khan hàng, chị Phương có thể "huy động" thêm gà từ các tỉnh khác như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… đổ hàng về ngay.
Ăn gà thải có thể bị suy gan Theo ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tồn dư kháng sinh cao, đặc biệt các kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi có thể gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Kết quả kiểm tra mẫu gà nhập lậu thu giữ thời gian qua, gần 100% mẫu thịt, mẫu gan gà đều có tồn lưu kháng sinh không được phép như Chloramphenicol, Cycline. Trong đó, kháng sinh Cycline nếu sử dụng nhiều trong thời gian lâu có thể làm giảm chức năng gan, dẫn đến suy gan. Còn kháng sinh Chloramphenicol gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, gây thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn. Ngoài ra, người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có nhiều kháng sinh có thể khiến cho cơ thể bị kháng kháng sinh, nếu sau này bị bệnh sẽ rất khó điều trị. Nếu ăn phải thịt gà có tồn dư kháng sinh cao cũng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể giảm sút, kém chống chọi với bệnh tật. Vì vậy, người dân nên thận trọng khi lựa chọn thịt gà. Tuy nhiên, rất khó phân biệt bằng mắt thường gà nào có dư lượng kháng sinh cao nên chỉ có thể phân biệt bằng cảm quan. Gà thải loại thường có lông cổ và lông đầu bị trụi (gà hói), cổ chai sần (do phải thò mỏ ra ăn ở các máng, cổ cọ vào thành máng). Còn gà thịt rồi mà thấy da có nhiều u cục màu xanh tím, hậu môn to, dạ con to, buồng trứng teo lại (do đẻ nhiều) thì không nên ăn. Tuấn Kiệt (ghi) |