Đường làm chưa xong đã tính tăng phí

Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu phí ôtô trên quốc lộ 51 sẽ tăng từ ngày 1/10. Trong khi đó, quốc lộ này vẫn chưa thi công xong, chủ đầu tư cũng khẳng định “chưa biết bao giờ sẽ xong vì vướng giải phóng mặt bằng”.

Nhiều doanh nghiệp có xe qua lại quốc lộ này đã kêu trời khi nghe giá thu phí sẽ tăng và sẽ có thêm... trạm thu phí mới.

Dân lãnh đủ

Ông Cao Văn Xuân, chủ nhiệm Hợp tác xã Đồng Tiến (Đồng Nai), than thở: “Quốc lộ 51 thi công chậm chạp khiến các doanh nghiệp vận tải khốn khổ, vậy mà tôi vừa nghe sẽ tăng mức thu phí, đúng là không hiểu nổi”. Ông Xuân nói hợp tác xã của ông có 34 xe buýt tuyến số 11 đi trên quốc lộ 51, qua trạm thu phí ở xã Tam Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai), phải mua vé tháng với giá 450.000 đồng/xe buýt. Tới đây, khi vé tháng tăng lên 600.000 đồng/xe buýt chắc chắn hợp tác xã của ông và nhiều doanh nghiệp khác sẽ oằn cổ ra gánh phí. “Phí đội lên, doanh nghiệp buộc phải trình phương án tăng giá thì mọi cái tăng đều đè vào người dân mà thôi” - ông Xuân tâm sự.

Theo ông, trước đây lộ trình xe buýt tuyến 11 đi từ ngã ba Vũng Tàu (TP Biên Hòa) đến trung tâm thương mại huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) phải ghé khoảng 80 trạm dừng, hết khoảng 90 phút cả đi lẫn về. Từ ngày quốc lộ 51 được thi công mở rộng thì các trạm dừng cũng bị dỡ bỏ, xe buýt phải đón khách dọc đường và bị cảnh sát giao thông xử phạt. “Đã vậy, việc thi công kéo dài, đường chỗ lồi chỗ lõm, vỏ xe phải thay nhiều hơn. Người ta không chia sẻ với doanh nghiệp, giờ lại còn nâng giá vé qua trạm, giới vận tải càng khốn khổ thêm” - ông Xuân nói.

Đường làm chưa xong đã tính tăng phí - 1

Người dân lưu thông trên quốc lộ 51 đoạn qua P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai sau cơn mưa chiều 15/8

Tương tự, anh Tuấn - tài xế xe container của Công ty Xuân Đại Lợi - cho biết hiện anh chạy xe từ Biên Hòa đến Vũng Tàu qua một trạm thu phí hết 80.000 đồng/lượt, nhưng sắp tới phải tăng gấp đôi là 160.000 đồng. “Nếu tăng phí, tất nhiên công ty phải chịu tiền. Rồi sẽ tăng giá cước vận chuyển để bù vào. Rốt cuộc bạn hàng chịu hết” - anh Tuấn nói. Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Đồng Nai cũng nói: “Trạm thu phí ở Đông Nam bộ dày đặc. Chúng tôi kêu hoài, kêu mãi không thấy thay đổi. Nói chung cái gì tăng thì doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước tăng, chỉ có người dân thêm khổ”.

Đề cập việc Bộ Tài chính đưa ra mức tăng giá thu phí trên quốc lộ 51 trong khi đường này còn ngổn ngang bao thứ, ông Nguyễn Thành Hóa - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC, chủ đầu tư) - nói: “Chúng tôi chưa có bất cứ thông tin nào về việc tăng giá vé ở trạm thu phí. Nếu muốn thu phí, Bộ Giao thông vận tải đi kiểm tra rồi bàn với các bộ khác chứ chúng tôi không thể muốn thu là thu”. Tuy nhiên, ông Hóa cho hay khoảng tháng 6/2012, Bộ Tài chính có dự thảo đề nghị tăng phí để xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải và hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đường làm chưa xong đã tính tăng phí - 2

Quốc lộ 51 đoạn qua P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa còn nham nhở (Ảnh chụp chiều 15/8)

Chưa biết khi nào xong

Ngày 15/8, phóng viên trở lại “con đường đau khổ”: quốc lộ 51. Theo ghi nhận, nhiều đoạn trên quốc lộ 51 từ Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn ngổn ngang với “lô cốt” công trình, dải phân cách được làm tạm bợ bằng những đoạn bêtông ngắn nối lại. Nhiều ổ gà, ổ voi trên mặt đường.

Ở trước khu vực Nhà máy cơ khí Sông Buông (ấp Đồng, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là một hố sâu kéo dài do mặt đường cao hơn nhiều so với nhà dân. Ngăn cách hố sâu này với mặt đường là những cây sắt đóng cách nhau chừng 5m, được nối dây lại làm bờ rào tạm bợ. Đi một đoạn vài trăm mét nữa đến ấp Miễu cũng gặp tình trạng tương tự, rất nguy hiểm cho người đi xe máy chạy qua khu vực này.

Tại khu vực thi công cầu Suối Độn (tổ 4, ấp Tân Mai 2, xã Phước Tân), đường được chia làm ba phần, trong đó có một rào chắn bêtông làm con lươn cho xe chạy hai chiều, phần còn lại rào chắn bằng tôn để thi công. Bà Luân (bán tạp hóa) than thở: “Xã này bị nặng nhất do có đến ba cây cầu trên một đoạn đường chưa đến 2km. Hai năm qua rồi mà vẫn chưa xong, làm ăn ế ẩm lắm”. Chị Nhung (trú tại khu 12, xã Long Đức, huyện Long Thành) cũng lắc đầu ngao ngán: “Ở đây xảy ra tai nạn hoài. Người ta chạy tới thấy bãi đất, thắng gấp nên bị té xe”. Tại nơi này còn có một đoạn đường được đổ đất nối giữa đường nhựa mới làm xong với đường cũ. Người dân phản ảnh tình trạng mặt đường như vậy dẫn đến nhiều vụ tai nạn nhưng không thấy ai đến làm cho xong.

Tại khu vực trạm xăng dầu An Phước 2 (khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành) cũng có một nửa con đường bị rào lại để thi công. Anh Thành (chạy xe ôm) cho biết đơn vị thi công mới trở lại làm mấy ngày nay, còn trước đó họ đến dựng rào rồi bỏ đi, không thấy ai làm gì. “Hai năm nay làm không xong một đoạn như vậy thì làm sao có thể xong vào đầu tháng 10 được” - anh Thành nói. Cách trạm xăng dầu An Phước 2 hướng về phía TP Biên Hòa hơn 100m, một nửa con đường phía bên trái đang được rào lại để phục vụ thi công. Xe chạy đến khu 12 phải rẽ trái do bị rào bên phải, đến khu 13 thì rẽ phải do bị rào bên trái...

Giải thích về việc thi công ngổn ngang hiện nay, đại diện BVEC cho biết đã cố gắng khắc phục sau khi xảy ra những sự cố như chết người... Về một số cây cầu thi công quá chậm, BVEC cho rằng ở tuyến tránh tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) và xã Phước Tân (TP Biên Hòa) còn hơn 500 hộ chưa bàn giao mặt bằng.

Trả lời câu hỏi chừng nào quốc lộ 51 mới xong, ông Nguyễn Thành Hóa nói: “Chỉ còn vướng mặt bằng nên hỏi tôi chừng nào xong thì tôi cũng... bó tay! Chúng tôi cam kết với Bộ Giao thông vận tải khi được giao mặt bằng chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn thành trong thời gian sớm nhất”. Theo ông Hóa, việc tăng phí hoặc thu phí ở trạm thu phí Long Sơn (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa xây dựng, BVEC sẽ có thông báo rộng rãi khi được phép.

Kiến nghị sửa chữa đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Ngày 15/8, ông Huỳnh Ngọc Hùng - phó Ban An toàn giao thông tỉnh Long An - cho biết tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương còn nhiều đoạn không an toàn, tỉnh đã kiến nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) sửa chữa những đoạn bị xuống cấp.

Theo ông Hùng, dù đã được sửa chữa không ít lần nhưng một số đoạn đấu nối giữa cầu và đường vẫn bị lún. Đó là chưa kể mặt đường được dặm vá xong đều bị đùn bêtông, có đoạn xuất hiện thêm ổ gà. Riêng ba đoạn cầu vượt ở địa phận huyện Thủ Thừa (Long An) và Tiền Giang không có đèn chiếu sáng. Dải phân cách trên đường dẫn được làm bằng sắt không đảm bảo an toàn khi xe va vào.

Nhiều tài xế cho biết mặt đường cao tốc bị lồi lõm là do đơn vị sửa chữa không đảm bảo chất lượng. Đoạn đường ở km38-42 thuộc địa phận Long An và Tiền Giang vừa dặm vá xong đã bị lún hai bên đường. Đoạn từ km26 đến 25 xuất hiện nhiều ổ gà.

Quang Vinh

Quốc lộ 14: Vẫn thu phí trên “đoạn đường đau khổ”

Tuyến quốc lộ 14 đoạn từ huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) đến thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đang xuống cấp rất nặng, mật độ các ổ voi, hố sâu xuất hiện dày đặc. Tại thị trấn Đức Phong (Bù Đăng), từng đoàn xe tải và xe khách nối đuôi nhau ì ạch vượt qua khúc đường vừa được tái lập tạm mặt đường. Tình trạng xuống cấp tương tự xảy ra dọc tuyến đường này và kéo dài đến sát thị xã Đồng Xoài. Đây là một trong những “đoạn đường đau khổ” trên tuyến quốc lộ 14.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Tuyến - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước - cho biết dự án quốc lộ 14 đoạn từ huyện Đắk R’Lấp đến thị xã Đồng Xoài dài 75km đã được giao cho Công ty Đức Thành Gia Lai (tỉnh Gia Lai) và Công ty Đức Phú Gia Lai (tỉnh Gia Lai) làm chủ đầu tư xây dựng theo hình thức BOT. Đến năm 2010 dự án mới được khởi công, dự kiến năm 2013 đưa vào sử dụng, nhưng do cần vốn thi công đường nên UBND tỉnh Bình Phước cho phép Công ty Đức Thành Gia Lai tiến hành thu phí ở trạm thu phí số 2 (Đồng Tiến, Đồng Phú, Bình Phước) trước khi công ty này đầu tư làm đường.

Theo ông Tuyến, hiện trên quốc lộ 14 từ thị xã Đồng Xoài đến khu vực giáp ranh tỉnh Đắk Nông chỉ có một trạm thu phí đang được Công ty Đức Thành Gia Lai khai thác, khi tuyến đường hoàn thành tỉnh sẽ cho phép mở thêm một trạm thu phí ở cầu 38 (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng).

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Viện - giám đốc Sở Giao thông vận tải Đắk Nông - cho biết sáng 15/8 tỉnh đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai về tình trạng thi công quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông. Theo ông Nguyễn Văn Viện, tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai có nêu ra những nguyên nhân dẫn đến việc thi công quốc lộ 14 bị chậm trễ. Theo đó, Công ty Đức Long Gia Lai hiện đang gặp khó khăn về vốn do hợp đồng tín dụng ký với Ngân hàng Công thương vào năm 2010 bị ngân hàng này tạm ngưng giải ngân. Việc giải phóng mặt bằng trên toàn dự án cũng mới chỉ đạt 8/70km. Dù vậy, Đức Long Gia Lai vẫn cam kết tiếp tục làm chủ đầu tư tuyến đường và sẽ thực hiện dự án theo như hợp đồng đã ký kết với UBND tỉnh Đắk Nông. Theo kế hoạch, đến ngày 15-9 toàn bộ gói thầu sẽ được thi công trở lại. Về tiến độ dự án, đại diện chủ đầu tư cho biết mới thực hiện được khoảng 110 tỉ đồng trong tổng số 1.228,4 tỉ đồng.

Thái Bá Dũng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My - Nguyễn Nam (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN