Đốt vàng mã: Đừng xúc phạm cõi âm

GS Trần Lâm Biền cho rằng, con người thường mang những ý nghĩ tiêu cực, xấu xa của mình để áp đặt cho người cõi âm.

Tục đốt mã không phải của người Việt

Trong ngày ông Công, ông Táo, đốt vàng mã được coi như một phong tục, người người đua nhau sắm mã to để đốt lấy lộc to. Theo nhà nghiên cứu văn hóa, GS Trần Lâm Biền, tục đốt mã không phải của người Việt Nam.

GS Biền lý giải, tục đốt mã xuất phát từ Trung Hoa. Trước thế kỷ thứ 6, vua chúa chết đi thường chôn theo những người thân cận và vật sử dụng khi sống. Sau đó, người ta nghĩ ra người hình nhân thế mạng để chôn thay cho người sống. Vàng mã là đồ giả, người ta tin rằng, khi hóa đi nó sẽ trở thành đồ thật để người âm sử dụng. Như vậy, khởi đầu của vàng mã là sự tiến bộ của một thời kỳ lịch sử.

Đốt vàng mã: Đừng xúc phạm cõi âm - 1

GS Trần Lâm Biền: Đốt mã, đừng xúc phạm người cõi âm

Sau đó, tục đốt vàng mã lan dần sang nước ta. Ý nghĩa ban đầu, thể hiện văn hóa ứng xử của người sống với người đã khuất. Lan truyền sang nước ta, tục đốt mã dần thay đổi bởi tâm lý “ghen vợ, ghen chồng không bằng ghen đồng, ghen bóng”. Người này thấy người kia mã to hơn là khó chịu, không bằng anh bằng em nên mình cũng phải mua mã to hơn để đốt.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, người Việt còn có suy nghĩ “tốt lễ dễ kêu” khiến người ta đặt cược với thần linh, đua nhau làm nhiều vàng mã to lớn. Không những vậy, con đường ganh đua mang tính vô thức, kéo cõi bên kia về cõi thực tại theo kiểu “trần sao âm vậy”. Các loại ô tô, biệt thự, xe máy, điện thoại, máy tính... bằng giấy được người trần gửi xuống cho người cõi âm. Chính sự đố kỵ thúc đẩy cho vàng mã trở nên đa dạng, phong phú và nhiều hệ lụy sai trái.

Đừng xúc phạm người cõi âm

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, người Việt có quan điểm chia vũ trụ thành 3 tầng. Tầng cao nhất dành cho thần linh (có thân xác khổng lồ). Tầng thứ hai dành cho nhân gian và cuối cùng là tầng cõi âm. Trong cổ tích người Việt, người âm phủ lên chơi dân gian rất nhỏ bé, có thể trèo cả lên cây ớt mà không gãy cành.

Do vậy, đồ hàng mã làm cho người cõi âm cũng phải nhỏ bé. Mục đích để người cõi âm không bị “át vía” bởi những con vật to lớn hơn mình. Tuy nhiên, hiện nay vì khoe mẽ với đời, vì tâm lý “mã to được lộc to” người trần gửi xuống âm những ông voi, ông ngựa to lớn. 

“Người đã khuất nhỏ bé, tượng to đe dọa người đã khuất nên đấy là điều cấm kỵ, nhưng người trần chúng ta lại lấy đó làm oai. Đó là sự xúc phạm người cõi âm”, GS Trần Lâm Biền nói.

GS Trần lâm Biền ví dụ, con người vì “oai” nên gửi cho người đã khuất cả máy bay để người âm đi lại dễ dàng. Nhưng theo quan niệm dân gian, người cõi âm có năng lực “phân thân”, không phụ thuộc vào không gian, thời gian. Chẳng hạn như có hai người con trai ở hai địa điểm khác nhau đều làm giỗ cha cùng một ngày. Những tấm lòng thành của họ đều được cha đón nhận cùng lúc. Việc di chuyển của linh hồn là tức thì. Vậy, gửi máy bay cho linh hồn có khác gì làm hạn chế khả năng di chuyển của họ?

“Gửi máy bay, ô tô, xe máy cho người đã khuất là có tội với họ, vậy mà nhiều người trần cứ tưởng có công. Chưa kể những thứ khác như máy giặt, điện thoại di động, ipad... hay quan niệm trần sao âm vậy, người sống phải gửi nhiều tiền vàng để các cụ dưới âm đi đút lót quan... là người trần áp đặt cái tiêu cực, xấu xa của mình vào một thế giới linh thiêng”, GS Trần Lâm Biền cho hay.

Theo vị GS này, đừng bằng vàng mã để áp đặt cho thế giới bên kia theo lối đời thường. Nếu sử dụng vàng mã vừa đủ sẽ biểu hiện sự thành kính, là văn hóa. Khi sử dụng quá lên sẽ thấy nó lòe loẹt và trở nên thiếu văn hóa.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cho rằng, nét đẹp của ngày ông Công, ông Táo là tục phóng sinh, không phải đốt mã. Chính vì vậy, ngày này, nhiều người mua cá chép sống về làm lễ, sau đó thả xuống sông.

GS Trần Lâm Biền lý giải, tục lệ này ít nhiều liên quan đến đạo Phật. Ẩn đằng sau tục Phóng sinh là tinh thần từ bi theo quan niệm của nhà phật. Ví dụ như, người tu hành thực thụ còn không dám đi giày dép bới sợ rằng khi dẫm lên con kiến, không kịp bỏ chân ra và làm hại con vật. Do vậy, lòng từ bi của nhà phật không chỉ với loài người mà nó mở rộng ra muôn loài, muôn vật. Triết lý nhà Phật, coi tất cả  muôn loài, kể cả con người cùng chung một bản thể, cội nguồn.

Từ đó, tục phóng sinh là trở về với tâm tư cội nguồn của đạo để tìm sự an ủi cho tâm hồn đầy tội lỗi mà con người vấp phải. Tết ông Công, ông táo vào ngày 23 tháng Chạp cũng được người Việt chúng ta chọn làm ngày lễ phóng sinh, đó là nét đẹp văn hóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN