Đốt tương lai bên những lò chì

109 trường hợp trẻ dưới 10 tuổi tại thôn Đông Mai (huyện Văn Lâm - tỉnh Hưng Yên) sau khi xét nghiệm máu đều có hàm lượng chì vượt quá giới hạn bình thường từ 2 – 7 lần.

Không theo chì thì... khó sống

Nghề tái chế chì ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo - huyện Văn Lâm - tỉnh Hưng Yên) xuất hiện trước những năm 1970, đến năm 1978 thì phát triển mạnh. Cả làng theo nghề phá chì. Người dân đi khắp nơi để thu gom bình ắc quy hỏng về phá dỡ lấy chì bán. Có thời kỳ cao điểm, mỗi ngày, cả làng nấu được trên 10 tấn chì nhưng cũng thải ra không khí hàng tấn khói bụi lẫn chì.

Quy trình sản xuất chì ở thôn Đông Mai chủ yếu bằng phương pháp thủ công, từ lấy nguyên liệu, vận chuyển đến đưa chì vào lò nấu tái chế. Bình ắc quy hỏng sau khi thu mua về được ngưới dân phá dỡ lấy lõi chì, còn nước axít sau khi phá dỡ được đổ thẳng ra những cánh đồng qua hệ thống kênh mương. Những ngày nắng nóng, bụi chì và nước axít trong các cống rãnh bốc mùi khét lẹt; khi trời đổ mưa nước axít theo nước ngấm vào lòng đất, đọng đầy các ao hồ. Không khí trong thôn luôn ngợp trong khói bụi của chì.

Một nữ công nhân cho biết: "Nghề nấu chì hết sức vất vả và nguy hiểm. Sau khi bình ắc quy được gom về, chúng tôi sẽ phá dỡ toàn bộ bình để lấy những lõi chì bên trong. Ban đầu khi mới vào nghề, tôi thường bị a xít làm phỏng tay trong khi phá dỡ bình. Nhiều hôm còn không ăn uống được gì vì hít quá nhiều khí độc, chỉ chực nôn. Muốn bỏ nghề nhưng không biết làm gì để sống, vì đất đai ruộng vườn xung quanh làng đều bị nhiễm chì nặng, không còn trồng trọt được gì nữa". 

Đốt tương lai bên những lò chì - 1

        Axít từ những bình ắc quy hỏng được xả thẳng ra môi trường...

Đốt tương lai bên những lò chì - 2

...rồi kết tủa thành những mảng lớn dọc bờ mương của các cánh đồng

Đốt tương lai bên những lò chì - 3

   Cây cỏ chết khô, người dân không trồng được gì trên đồng ruộng

Không chỉ thôn Đông Mai bị ảnh hưởng bới khói chì mà các thôn lân cận không nấu chì nhưng cũng bị khói chì bên Đông Mai tấn công, làm cho hoa màu và gia cầm chết hàng loạt.

Đánh đổi vì chì

Tuy biết nấu chì độc hại, nhưng do nguồn lợi mang lại cao nên người dân trong làng bất chấp hậu quả. Chì từ các loại phế liệu, bình ắc quy hỏng sau khi phá dỡ ra được cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất ắc quy, mạ kẽm. Một gia đình theo nghề này có thu nhập bình quân 50 – 60 triệu đồng/năm. Trong quá trình nấu, phế phẩm thường xuyên thải ra từ hệ thống lò đốt, nhưng đa số người dân không trang bị dụng cụ bảo hộ lao động nào.

Chị H., một trong những hộ hiếm hoi không làm nghề nhưng lại chịu ảnh hưởng từ hậu quả của việc phá chì, cho biết con trai út của chị vừa được phát hiện có nồng độ chì trong máu vượt quá giới hạn cho phép. "Cạnh nhà tôi có một hộ nấu chì, mỗi ngày họ thải ra hàng đống bình ắc quy hỏng. Axít từ những bình này thải thẳng ra vườn nhà tôi, kết tủa thành từng đống. Vào những ngày nắng nóng, axít bốc mùi rất kinh khủng, còn trời mưa thì váng axít nổi lềnh bềnh trong sân. Đáng sợ nhất là khi họ nấu chì, khói bốc lên nghi ngút và mùi thì không thể chịu nổi, cả nhà tôi phải di tản để tránh khói chì. Mấy năm gần đây, gia định tôi không trồng trọt, chăn nuôi được gì hết, còn cháu út thì đau ốm thường xuyên".

Đốt tương lai bên những lò chì - 4

Bất chấp lệnh cấm, những lò chì thủ công này vẫn tồn tại và phá chì một cách công khai

Đốt tương lai bên những lò chì - 5

Vỏ bình ắc quy được người dân tận dụng làm hàng rào xung quanh nhà

Đốt tương lai bên những lò chì - 6

Đốt tương lai bên những lò chì - 7

Các phế thải khác thì đổ bỏ bừa bãi khắp đầu làng ngõ xóm

Đốt tương lai bên những lò chì - 8

Khi lượng rác thải ắc quy quá lớn, các lò tái chế sẽ hủy đi bằng cách đốt cháy, bốc mùi khói chì và a xít còn lại rất khó chịu. 

Bà Đặng Thị Lý, Trạm trưởng trạm y tế xã Chỉ Đạo cho biết: Theo kết quả xét nghiệm của Viện y học lao động và vệ sinh môi trường, 109 trẻ em trong xã được vừa xét nghiệm nhanh, sàng lọc thì 100% mẫu máu có hàm lượng chì trong máu vượt quá giới hạn bình thường từ 2-7 lần. Trong số đó có 30 cháu được lấy máu tĩnh mạch tại phòng thí nghiệm của Viện và phát hiện 2 trường hợp có hàm lượng ở mức nguy hiểm (≥ 70mcg/dl), 17 trường hợp ở mức báo động (45 - 70mcg/dl), 4 trường hợp ở mức cao (25 - 44mcg/dl) và 1 trường hợp ở mức ranh giới (15 - 19mcg/dl). Còn tại khu vực thôn Đông Mai, hàm lượng chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn 3,47 lần, trong đất bề mặt cao gấp 10 lần, trong bụi cao gấp hơn 11 lần mức cho phép. Trong thực phẩm thì hàm lượng chì cũng vượt tiêu chuẩn 4,61 lần. Theo bà Lý, đây là hệ luỵ do nghề đúc chì làm lượng chì độc hại ảnh hưởng từ nguồn nước, không khí…

Đốt tương lai bên những lò chì - 9

          Nguồn nước của thôn Đông Mai bị nhiễm chì nặng

Đốt tương lai bên những lò chì - 10

 Đa số trẻ con dưới 10 tuổi sau khi xét nghiệm đều phát hiện lượng chì trong máu cao vượt ngưỡng cho phép.

Để giảm tác hại với môi trường và sức khỏe người dân, vài năm gần đây, nghề nấu chì đã bị cấm. Huyện Văn Lâm đã có nhiều biện pháp xử lý mạnh đối với các lò nấu chì, công an đã thu giữ hàng trăm tấn chì ắc quy từ các lò tái chế thủ công. Song sau các đợt ra quân, mọi việc lại đâu vào đấy, các lò nấu chì vẫn hoạt động công khai. Chất thải độc hại của chì vẫn tiếp tục đeo bám, đe dọa tính mạng của hàng nghìn người dân.

Theo Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): Tình trạng nhiễm chì trong máu gây những tác hại lâu dài, khó lường cho sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, đặc biệt có thể gây ra các chứng rối loạn não và máu, dễ dẫn đến suy gan, thận. Nguy hiểm hơn, có thể gây nên bệnh Alzheimer (mất trí nhớ, sụt cân, khó khăn trong vận động) khi trẻ trưởng thành. Những trẻ em bị nhiễm chì dù đã chữa trị thì vẫn để lại di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ sau này

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Như Hoàn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN