Đồng bằng Sông Cửu Long: Dân rốn lũ đỏ mắt tìm cá

Sự kiện: Thời sự

Gần tuần nay, nước ở đầu nguồn lũ Đồng Tháp về nhiều, tuy nhiên những người chuyên sống bằng việc đánh bắt cá mùa lũ cũng không lấy làm vui, khi cả ngày trời giăng lưới ngoài đồng nhưng kiếm chưa đầy trăm ngàn đồng.

Đồng bằng Sông Cửu Long: Dân rốn lũ đỏ mắt tìm cá - 1

Ông Hanh cùng con gái giăng lưới. Ảnh: Hòa Hội.

Trong các số báo trước, Tiền Phong đề cập đến những nguy cơ từ tình trạng chặn dòng thượng nguồn sông Mê Kông, ảnh hưởng đến môi sinh vùng hạ du, tác động nặng nề đến cuộc sống của người dân. Gần tuần nay, nước ở đầu nguồn lũ Đồng Tháp về nhiều, tuy nhiên những người chuyên sống bằng việc đánh bắt cá mùa lũ cũng không lấy làm vui, khi cả ngày trời giăng lưới ngoài đồng nhưng kiếm chưa đầy trăm ngàn đồng.

Ngày 11/10, phóng viên Tiền Phong theo ông Huỳnh Văn Hanh, 52 tuổi ở xã Tân Chí Công (Tân Hồng, Đồng Tháp) nơi giáp biên giới Campuchia ra đồng giăng lưới. Thời điểm này, nước ở đầu nguồn lũ Đồng Tháp cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 0,5 m nước, xung quanh bốn bề nước ngập mênh mông. Tuy nhiên, lượng cá mà người dân bắt được thì thua xa nhiều năm trước. Từ nhà, ông Hanh cùng con gái chạy vỏ lãi sang cánh đồng giáp biên giới Campuchia giăng 300 thước lưới loại hai phân rưỡi để bắt cá linh. Ông giải thích lý do phải chạy sang đây vì là đầu nguồn, cá từ Campuchia đổ về đây trước rồi mới đến chỗ khác. Tuy nhiên, gần cả buổi mà chỉ dính chưa đầy 2 kg cá linh, cá chốt…

Ông Hanh từ bên Biển Hồ (Campuchia) cùng vợ và hai con, một gái 18 tuổi và một trai chưa đầy 3 tuổi, về đây sinh sống được gần 5 tháng. Ông Hanh cho biết, bên đó khó sống vì không có cá. Hơn nữa, lại đóng thuế nên về quê nhà sống cũng bằng nghề câu lưới được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, nhưng được cái an toàn. Lúc đầu, vợ chồng ông Hanh chạy chiếc vỏ lãi composite, sau đó vay tiền người thân mua chiếc ghe trọng tải hơn một tấn cũ kỹ với giá 7 triệu đồng để làm nhà và sống đắp đổi qua ngày trên sông.

Vợ ông Hanh, bà Nguyễn Thị Nở (48 tuổi) cho biết, chồng thức suốt đêm hôm qua giăng được chưa đầy một ký cá mè vinh, bán được 20 ngàn đồng. “Ở đây rốn lũ nhưng giờ khó sống, làm mỗi ngày được vài chục ngàn đủ ăn gạo. Khoảng tháng nữa, hết lũ không biết lấy gì ăn, có nước bỏ xứ đi làm thuê”- bà Nở lo lắng.

Gặp ông Nguyễn Văn Lâm (xã Tân Chí Công) đang cuốn 400 m lưới bốn phân. Ông cho biết, cách nay khoảng hơn tuần, nước lên giăng ngày được  5 - 7 kg cá rô, kiếm nhiều nhất được 300.000 đồng, còn mấy hôm nay trời mưa nhiều, cá không chạy nên kiếm được trăm ngàn là đỏ mắt. Cách ghe ông Lâm vài trăm mét, ông Nguyễn Văn Luốc cũng đang loay hoay cuốn lưới. Ngẩng mặt lên, ông Luốc nói: “Mấy năm trước, giăng xong 500 m lưới quay lại gỡ cá không kịp, còn giờ dính loe hoe, chán nản nhưng cũng phải làm để nuôi vợ con”.

Đồng bằng Sông Cửu Long: Dân rốn lũ đỏ mắt tìm cá - 2

Gia đình ông Hanh sống tạm bợ trên chiếc ghe cũ nát.

Không còn trông chờ vào lũ

Cặp mé sông, cách lều ông Nghĩa vài trăm mét là căn nhà nhỏ đơn sơ mái tôn, sàn gỗ, che chắn bằng cây tạp và những tấm thiếc cũ kỹ của ông Nguyễn Văn Thắng. Ông Thắng cho biết, căn nhà được dựng lên hơn chục năm. Mỗi năm, chuẩn bị vào mùa lũ, sợ giông gió nhiều nên ông cùng với các con mua dây và cây gia cố, giằng chéo lại cho cứng cáp, sợ đêm hôm mưa gió cuốn xuống sông không trở tay kịp…

Ông Thắng chưa dứt chuyện, từ phía ngoài có 4 thanh niên chạy xuồng cập vào. Ông Thắng cho biết đó là 4 người con ông, vừa chạy xuồng đi bắt cá về. Anh Nguyễn Văn Xuyên cho biết, 4 anh em thức dậy từ sáng sớm chạy sang đồng cách nhà hơn 4 km để kéo lưới, đến trưa kiếm chưa đầy 4 kg cá bổi làm thức ăn cho cá lóc. “Với ngần ấy cá tính ra bán chưa được 50.000 đồng, trong khi phải mất 4 người đi bắt cả ngày làm, thua cả đi làm hồ”- anh Xuyên nói.

Ông Thắng cho biết, dăm năm trước, mùa lũ ban đêm cả cánh đồng này đèn giăng sáng trời, lưới giăng chồng chéo lên nhau mà cá linh dính đầy thấy phát ham. Bất kể ngày đêm vui như họp chợ. Còn giờ, tình cảnh đổi khác. Ông Thắng chép miệng: “Dân vùng này, những tháng khô thì làm thuê, làm hồ, đợi đến mùa lũ sống nhờ câu lưới nhưng giờ vào mùa lũ lại đi làm hồ, vì trông chờ lũ về, có nước chết đói”.

Cuối buổi chiều trời mưa rả rích, vợ chồng anh Nguyễn Văn Rin (ở xã Tân Chí Công) ngồi trên xuồng gỡ đống cá linh mắc lưới. “Hai vợ chồng thức suốt cả ngày đêm mệt mỏi kiếm trăm ngàn là đỏ mắt. Bây giờ còn lũ còn kiếm được chứ mai mốt nước vực chắc phải lên Bình Dương làm thuê sống chứ ở đây không biết làm gì sống”- chị Nguyễn Thị Mến, vợ anh Rin than thở.

Dọc sông Tiền thuộc các xã An Hòa, An Long của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là vùng chuyên canh nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi hơn chục năm nay. Hằng năm, lũ về nhiều có nhiều cá làm thức ăn, tôm nuôi sinh sôi và lớn nhanh. Đời sống người dân, nhờ đó cũng khấm khá lên theo con nước. Tuy nhiên, hai năm nay lũ không về đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ. Ông Nguyễn Hữu Nhân, cán bộ phụ trách phòng chống thiên tai huyện Tam Nông nói: “Lũ không về, không có nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi trong ruộng lúa nên diện tích nuôi tôm càng xanh của huyện bị thu hẹp từ 700-800 ha của năm trước, nay giảm còn chưa đầy 200 ha. Chưa biết, sắp tới sẽ giảm thêm bao nhiêu nữa”.

Bỏ xứ ra đi

Chạy dọc kênh Vĩnh Tế một đoạn chừng dăm cây số thuộc ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên, An Giang) không khí mùa lũ không còn náo nhiệt với tiếng nói cười lúc gỡ cá linh trước nhà như những năm trước mà thay vào đó là không khí vắng lặng. Nhiều căn nhà cửa đóng then cài, thi thoảng mới có một vài căn nhà có người, chủ yếu người già và con trẻ.

Gia đình của bà Đặng Thị Hồng có 4 người con phải bỏ xứ đi làm thuê. Bà cho biết, quê bên huyện An Phú (An Giang), gia đình nghèo, không ruộng đất, năm 2000 cả nhà kéo nhau trên chiếc ghe chèo đến đây lập nghiệp bởi nơi này có nhiều cá. Hơn nữa, vào mùa khô đồng rộng đi cắt lúa mướn, làm thuê… cũng đủ sống nhưng hiện nay giờ thì cơ giới hóa nên không ai thuê, trong khi mùa lũ không có nước hoặc không có cá nên các con của bà phải bỏ xứ đi Bình Dương mưu sinh. Trong khi bà Hồng trò chuyện thì đứa bé chừng 4 tuổi chạy lăng xăng sang căn nhà sàn bằng gỗ cũ kỹ, cửa đóng then cài bên cạnh. Bà Hồng cho biết đó là căn nhà của người con trai lớn của bà, tên Huỳnh Văn Đỏ. “Ở đây sống khốn khó nên hai vợ chồng Đỏ bỏ nhà đi làm thuê, để lại đứa con gái cho tôi nuôi gần năm nay”- bà Hồng nói.

Bà Út, người cùng ấp Trung Bắc Hưng cũng cho biết, hai vợ chồng con trai bà đã lên Bình Dương làm thuê hơn 1 năm nay để lại hai đứa con nhỏ cho bà chăm sóc và lo ăn học. Theo bà Út, khoảng 3 năm trước vào mùa lũ con trai kiếm ngày 300 - 500 ngàn đồng là dễ dàng. Làm thời gian, con trai dành dụm được ít tiền và bên vợ giúp cho ít vốn xây nhà, mua máy cày trên trăm triệu, đến mùa thì cày còn lũ thì giăng câu lưới. Tuy nhiên, hai năm nay lũ không về, cuộc sống đảo lộn nên hai vợ chồng cuốn gói đi làm thuê gửi tiền về cho bà trả nợ.

Chập tối, phóng viên ghé vào một căn chòi rách nát, bên trong có 4 đứa trẻ và hai người lớn nói chuyện xì xào trong ánh đèn dầu leo lét. Thấy khách đến, bà Nguyễn Thị Cục bước ra giới thiệu, 4 đứa trẻ dưới 5 tuổi đều là cháu nội và ngoại, còn cô gái có nước da ngăm đen là con gái thứ ba của bà. Nhìn căn chòi mục nát, phóng viên hỏi “Mưa gió thì sao?” bà Cục nhìn xung quanh, ánh mắt buồn bã: “Mưa nước chảy từ trên mái xuống, mấy bà cháu co ro trong góc lấy bạt che nhưng luôn chuẩn bị tinh thần kéo nhau chạy phòng khi gió thổi sập”.

Ông Huỳnh Vũ Trinh, Trưởng ấp Trung Bắc Hưng cho biết, toàn ấp có 533 hộ với 117 hộ nghèo và 85 cận nghèo.  Khoảng 5 năm trước có trên 50 hộ với gần 400 nhân khẩu đăng ký tạm trú để sinh sống bằng nghề câu lưới mùa lũ. Tuy nhiên, hiện nay đời sống khó khăn nên người dân đã bỏ đi, giờ chỉ còn khoảng 5 – 7 hộ, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Hội (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN