Có mưa, ĐBSCL vẫn khô cháy

Thay vì tiếp tục chờ mưa và nước xả từ Trung Quốc vào thời điểm này, các địa phương cần khẩn trương đưa ra các giải pháp tự cứu mình trước thiên tai.

Tối 27-3, một cơn mưa “vàng” bất ngờ đổ xuống địa bàn 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Trong lúc tình hình khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài, người dân nơi đây vui mừng không tả xiết khi trời ban cho cơn mưa này.

Tuy nhiên, do cơn mưa không lớn và chỉ diễn ra trong khoảng chưa tới 60 phút nên chỉ giúp thời tiết trong đêm bớt oi bức, trong khi hạn, mặn ở 2 tỉnh này cũng như cả khu vực ĐBSCL vẫn đang diễn ra khốc liệt. Trước tình hình này, thay vì chờ mưa và chờ phía Trung Quốc xả nước, các địa phương cần khẩn trương đưa ra các giải pháp tự cứu mình trước thiên tai.

Trong cuộc họp với các tỉnh, thành ĐBSCL về việc phòng chống hạn, mặn vừa tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu những vùng có đủ nước ngọt thì xuống giống vụ hè thu, vùng nửa ngọt nửa mặn thì làm công trình đắp đập ngăn mặn, riêng vùng mặn xâm nhập sâu thì không xuống giống vụ hè thu.

Vĩnh Long là tỉnh ít bị hạn, mặn tấn công nhưng năm nay, hạn, mặn lại xuất hiện ở huyện Trà Ôn và xã Quới Thiện (huyện Vũng Liêm). Đến thời điểm này, có 17 ha trồng bưởi da xanh, sầu riêng và xoài của 36 hộ dân ở các địa phương này bị ảnh hưởng. “Trước mắt, nhà vườn nên tranh thủ lấy nước ngọt để dự trữ ở kênh mương, túi ni-lông… nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu. Bên cạnh đó, theo dõi chặt diễn biến độ mặn; nếu độ mặn từ 4‰ trở lên thì ngưng ngay, không tưới cho cây có múi để tránh thiệt hại” - TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), lưu ý.

Có mưa, ĐBSCL vẫn khô cháy - 1

Do hạn hán, người dân vùng Bảy Núi (An Giang) phải mua nước ngọt về sử dụng Ảnh: NGỌC TRINH

Theo TS Thoại, nhiều năm qua, Sofri đã lai tạo thành công nhiều giống cây ăn trái chịu mặn cao, người dân có thể tham khảo để chuyển đổi cây trồng. Theo đó, kết quả lai tạo và trồng thử nghiệm ngoài đồng cho thấy 5 dòng/giống cây có múi, gồm: sảnh, bưởi bung (Bến Tre), bòng (Huế), bưởi Hồng Đường (Cần Thơ), bưởi Đường Hồng (Bình Dương) tiếp hợp tốt với bưởi da xanh. Trong đó, bưởi da xanh ghép trên gốc ghép cây sảnh và bòng có sức sinh trưởng mạnh, đồng thời thể hiện chống chịu mặn trong điều kiện mặn 8‰. Ngoài ra, Sofri cũng lai tạo được giống từ xoài cát Hòa Lộc và xoài cát chu ghép trên gốc ghép xoài 13-1, xoài Châu Hạng Võ và xoài ghép xanh tại tỉnh Bến Tre chống chịu được độ mặn 22‰.

Cà Mau là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL nhiều khả năng không nhận được giọt nước nào khi Trung Quốc xả lũ. Cho nên, điều mà tỉnh này chờ đợi để giải cơn khát hạn kỷ lục là mưa. Theo các ngành chức năng tỉnh này, dường như không có giải pháp tức thời mà chỉ có giải pháp ứng phó tình trạng hạn hán trong tương lai.

Cụ thể, Chi cục Thủy lợi Cà Mau đã duy tu, sửa chữa hệ thống đê bao, cống ngăn mặn để hạn chế mặn xâm nhập sâu. Bên cạnh đó, kế hoạch nạo vét kênh tăng cường trữ nước phục vụ sản xuất tiếp tục đẩy mạnh. Về lâu dài, khi cống Cái Lớn, Cái Bé hoàn thành, Cà Mau có thể chủ động đưa nước ngọt từ sông Hậu về.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng đã đề nghị chính quyền địa phương, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã thống nhất địa điểm và hỗ trợ kinh phí 10 triệu USD để xây hồ chứa nước ngọt rộng khoảng 100 ha tại vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Khi công trình hoàn thành, Cà Mau sẽ chủ động được hơn 5 triệu m3 nước phục vụ cho hơn 250.000 hộ dân trong mùa khô và phòng cháy chữa cháy rừng U Minh Hạ. Hồ này khi đấu nối được với nguồn nước từ sông Hậu dẫn về sẽ bảo đảm lượng nước ngọt phục vụ người dân quanh năm.

Nói về cơn mưa “vàng” trong đêm 27-3, một cán bộ của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho rằng nó chẳng thấm vào đâu trước tình hình hạn, mặn đang diễn ra ở ĐBSCL.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CÔNG TUẤN - DUY NHÂN - CA LINH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN