Đoạn kết có hậu của những “người hùng kiện tụng”

Sự kiện: Thời sự

Câu chuyện về hai lão nông ở Bắc Ninh đều ở vào tuổi bát tuần góp phần “khui” ra gần 3.000 trường hợp làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh, thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng và giảm chi mỗi năm hơn 20 tỷ đồng chấn động với khá nhiều người. Đằng sau những con số đó là những câu chuyện bi tráng đầy tự hào nhưng cũng đẫm nước mắt…

Đoạn kết có hậu của những “người hùng kiện tụng” - 1

Ông Nguyễn Tiến Lãng.

Từ Tiểu đội trưởng đội xe phá bom từ trường…

Ông Nguyễn Tiến Lãng (81 tuổi), ở phố Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và ông Nguyễn Công Uẩn (82 tuổi) ở thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đều có gương mặt rắn rỏi, khả năng nói chuyện rất cuốn hút và rành rẽ về các quy định pháp luật. Tôi khá ấn tượng với ông Lãng vì câu chuyện cuộc đời của ông. Học hết lớp 3, ông xin đi làm giao liên cho Việt Minh nhưng vì nhỏ quá không ai nhận.

Lớn lên, xin đi làm công nhân rồi vào bộ đội. Ông là người đầu tiên xung phong đi… lái xe phá bom từ trường. Cả tiểu đội 7 người do ông làm Tiểu đội trưởng sau nhiều trận đi phá bom hy sinh gần hết, chỉ còn lại 2 người. Trong một trận đánh trên chiến trường ác liệt, ông trực tiếp lái xe và dính vào quả bom nổ trước xe khoảng 2m. Cả xe, cả người bị hất văng xuống vực sâu, ông bị ảnh hưởng ở mắt còn đồng đội của ông bị cưa một bên chân…

Ông Lãng gặp ông Uẩn khi cả hai tham gia vào chương trình văn nghệ ở thôn. Họ trở thành đôi tri kỷ. Bản tính ngay thẳng, hai ông luôn là tâm điểm trong các cuộc họp ở thôn, xã. Ông Lãng tính sơ sơ, qua sự đấu tranh của ông đã có một cán bộ địa chính xã, một đảng ủy viên - chủ tịch Hội nông dân xã bị kỷ luật cách chức, 3 bí thư, trưởng thôn bị kỷ luật và đang xem xét trách nhiệm hình sự. Còn ở xã Ngũ Xá, ông Uẩn đã góp phần “khơi” ra cả Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã cũng là người làm hồ sơ thương binh giả để trục lợi.

Hiện cả hai vị này đều bị cắt chế độ theo quy định. Và đặc biệt, với sự vào cuộc ráo riết, đeo bám quyết liệt của hai ông, 24 bị cáo trong đường dây làm hồ sơ thương binh giả đã phải nhận mức án thích đáng cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do có hành vi gian dối lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thương binh.

Cùng đó, đã phát hiện và kiến nghị đình chỉ trợ cấp là 2.745 người, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng và giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 20 tỷ đồng. Đây thực sự là một “kỳ án” mà nhiều người cho rằng, nếu không có sự quyết tâm cao, hy sinh gian khổ và bản tính cương trực, thẳng thắn thì không thể làm được.

… đến nạn nhân của… bom phân

Ông Nguyễn Tiến Lãng kể chuyện, đã không dưới ba lần, ông phải đối diện với những kẻ tham nhũng là người trong gia đình, gọi ông là cậu, là chú. Có người làm cán bộ thôn, ông phát hiện và vạch ra 9 lần bán đất trái thẩm quyền, không giải trình được hết số tiền thu. Ban đầu họ nói sẽ cho ông vài chục triệu để ông im lặng nhưng ông bảo: Mày đưa tao, tao nộp nhà nước nhưng tội của mày phải xử lý theo quy định pháp luật.

Người này còn chặn đường định đánh ông. Rồi cả gia đình, vợ con cái của họ kéo đến nhà ông chửi rủa. Ngày 3 lần: sáng, trưa, tối họ kéo đến tận nhà chửi trong suốt một tuần liền. Vợ ông sợ quá, khóa cửa, nhốt ông trong nhà không cho ra. Gia đình nhà kia ném đá, ném phân vào nhà, sáng ra vợ ông lại phải dội rửa, dọn dẹp trong ánh mắt nhìn khinh bỉ và những lời đàm tiếu ác ý của nhiều người xung quanh.

Mấy năm trước đây, ông trồng hơn 100 cây bưởi Diễn. Trong cuộc họp, ông lại lên án một đảng viên và cũng là người nhà của mình về những sai phạm. Lập tức trong đêm hôm ấy, 40 cây bưởi Diễn gục xuống. Đợt sau, ông ngăn mọi người không bầu đối tượng này vào chi bộ thôn thì sáng hôm sau, 60 cây bưởi nhà ông đã thân lìa khỏi gốc.

Đoạn kết có hậu của những “người hùng kiện tụng” - 2

Ông Nguyễn Công Uẩn.

Đơn độc trong ngôi nhà của mình

Gia đình ông Nguyễn Công Uẩn còn rất khó khăn khi ông không có lương hưu. Thế nên, việc ông đi kiện suốt ngày khiến cho những người trong gia đình không khỏi bức xúc. Đỉnh điểm là một buổi họp gia đình, những người trong nhà nói lên những nỗi nhục mà họ phải gánh chịu khi ông cứ mải miết đi kiện.

Đó là những câu nói xúc xiểm của hàng xóm như: “thằng chột” suốt ngày đi kiện (ông Uẩn bị hỏng một mắt-PV), “bọn” vô công rồi nghề, làm mất trật tự xã hội… Rồi đưa ra cả những lần ông bị đối tượng lạ đâm xe máy vào người, có lần bị đánh gẫy răng, chảy máu đầu… Cuối cùng, con ông kết luận: “Hoặc là bố bỏ chúng con, hai là bố bỏ kiện”!

Ông Nguyễn Tiến Lãng thì đang hưởng lương hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng, trước đây vẫn để dành được khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng để vợ mua thức ăn, nấu cơm nhưng nhiều năm gần đây ông chi phần lớn số tiền này cho việc phô tô tài liệu, chi phí đi lại, ăn ở để… đi kiện. Không chịu được những lời nói bóng gió của vợ, ông Lãng chuyển sang ăn riêng, ngủ riêng suốt 8 năm nay.

Một mình ông lủi thủi trong ngôi nhà của chính mình. Đến bữa tự mình nấu cơm ăn, quần áo tự mình giặt giũ, thậm chí đến lúc ốm đau cũng phải tự mua thuốc cho mình. “Tôi đến nhà ông Uẩn thì vợ con ông Uẩn hoặc là không bao giờ thèm hỏi han, thậm chí có thời điểm xua đuổi tôi. Ông Uẩn sang nhà tôi cũng thế vì chả ai trong gia đình muốn chúng tôi “kết hợp” nhau, lắm chuyện xảy ra”, ông Lãng kể.

Mỏi mòn chờ khen thưởng

Trong câu chuyện bóc dỡ gần 3.000 trường hợp làm giả hồ sơ thương binh để trục lợi, hai lão nông luôn phải đối mặt những hiểm nguy thường trực. Hàng loạt các cán bộ, lãnh đạo các cơ quan phụ trách ở tỉnh Bắc Ninh cũng đã bị xem xét, kỷ luật. Trong đó, không ít lãnh đạo cấp sở, ngành và các huyện, xã. Hàng chục người đã bị cảnh cáo, khai trừ ra khỏi Đảng, nhiều tổ chức Đảng đã bị khiển trách về việc này.

Sự việc gây rúng động trong ngành thương binh xã hội khi hầu hết các trường hợp các ông “chỉ mặt đặt tên” đều bị xác định là có vi phạm ở những mức độ khác nhau. Không ít những trường hợp cán bộ xã cũng làm hồ sơ thương binh giả, lại có người do tai nạn sản xuất, lao động hoặc trong sinh hoạt hàng ngày, không đi chiến trường ngày nào cũng khai thương binh… Các ông đã chỉ ra nhiều trường hợp phải chi đến 40-60 triệu đồng cho mỗi lần làm hồ sơ thành công.

Tuy nhiên, đến nay hai ông đã 4 lần làm đề nghị khen thưởng lên các cơ quan chức năng nhưng chưa được trả lời dứt điểm. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản đề nghị tỉnh Bắc Ninh cho ý kiến hiệp y về việc khen thưởng hai lão nông này. Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bắc Ninh đang làm thủ tục và khả năng trong tuần này sẽ hoàn thiện các hồ sơ khen thưởng cho hai ông Lãng và Uẩn. 

“Việc đề nghị khen thưởng không phải là chúng tôi ham muốn danh lợi mà vì chúng tôi đã hơn 80 tuổi, ốm đau, bệnh tật liên miên trong khi Bộ LĐ-TB&XH đã thông báo chúng tôi được khen thưởng. Bên cạnh đó, cũng để mọi người hiểu đúng hơn về công việc chúng tôi đang làm, động viên chúng tôi một cách kịp thời”, ông Lãng đề nghị.

Còn ông Nguyễn Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Đông, huyện Thuận Thành cũng ghi nhận: “Chúng tôi cũng rất đồng tình với những người tố giác tiêu cực như ông Lãng và ông Uẩn. Nếu các ông có công, chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm khen thưởng theo quy định”.

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định khen thưởng cho 2 lão nông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn. Dự kiến lễ khen thưởng sẽ diễn ra tại trụ sở Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vào chiều nay, 23/6/2017.

Thưởng tố cáo tham nhũng: “5 tỷ đồng to nhưng không hấp dẫn”

“Nguyện vọng, mục đích của những người tố cáo tham nhũng không phải là phần thưởng 5 tỷ đồng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trường (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN