Bộ Công an giữ nguyên quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Sự kiện: Thời sự

Bộ Công an tiếp tục khẳng định giữ nguyên quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 tới đây. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết.

Đáng chú ý, trong 10 dự án luật nêu trên có một dự luật được dư luận quan tâm là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Bộ Công an soạn thảo.

Để chuẩn bị cho việc thông qua luật dự kiến vào chiều 25-6, Bộ Công an tiếp tục thông tin đến Quốc hội về những điểm mới của dự luật. Tại đây cơ quan soạn thảo khẳng định sẽ giữ nguyên quy định “cấm tuyệt đối nồng độ cồn”.

Bộ Công an nhắc lại, hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Do đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chia làm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất là các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn. Thứ hai là nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng: mức chuẩn, người lái xe thương mại và người mới lái xe.

"Với điều kiện văn hóa và giao thông Việt Nam hiện nay, thực sự rất cần kiểm soát nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện"- Bộ Công an khẳng định và lý giải nguyên nhân do giao thông ở Việt Nam có nhiều đặc thù.

Lực lượng kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe máy. Ảnh: P.HÙNG

Lực lượng kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe máy. Ảnh: P.HÙNG

Cũng theo Bộ Công an, ở các nước phát triển chủ yếu xe ôtô đi đúng theo làn và khoảng cách phù hợp với tốc độ, như quy định tại Australia xe sau cách xe trước một khoảng an toàn hai giây. Tức là nếu xe trước đi qua một mốc nào đó thì ít nhất hai giây sau, xe đi sau mới vượt qua mốc đó.

Quy định trên cho phép lái xe có khoảng 0,5 giây để nhận biết tình huống khẩn cấp, 0,5 giây tiếp theo để có phản xạ và phương án phù hợp, một giây cuối cùng để thực hiện phương án như phanh gấp hay đánh lái sang làn. Như vậy, nếu có vi phạm xảy ra tai nạn cũng hạn chế tai nạn liên hoàn.

“Theo khoảng cách này, nếu ôtô đi với vận tốc 40 km/h thì khoảng cách giữa hai xe là hơn 22 m. Điều này là không tưởng ở Việt Nam, nơi các xe chỉ cách nhau khoảng một vài mét, dù vẫn di chuyển với vận tốc 40 km/h. Giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra…”- Bộ Công an cho hay.

Ngoài ra, Bộ Công an cho rằng ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý.

“Một khi ý thức kém có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc…”- Bộ Công an nhấn mạnh.

Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

“Luật này không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông…”- Bộ Công an giải thích thêm.

Người dân băn khoăn cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Mới đây, Ban Dân vận Trung ương vừa có báo cáo tổng hợp tình hình nhân dân trong tháng 3-2024. Báo cáo ghi nhận nhân dân đồng tình, ghi nhận trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, có một số ý kiến còn băn khoăn về ngưỡng xử phạt với nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0.

Bởi lẽ, người dân cho rằng trong thực tế để đo được nồng độ cồn thì không chỉ do uống rượu, mà ăn một số loại hoa quả nhiều đường, hoa quả ngâm đường đều có thể tạo ra nồng độ cồn như: vải, nho, sô cô la nhân rượu, dung dịch sát trùng miệng, họng... Thậm chí nếu vừa trải qua thủ thuật răng miệng, phải sát trùng vùng răng nướu thì khi thổi nồng độ cồn cũng có lượng cồn nhưng một chút đó không thể ảnh hưởng tới hành vi, năng lực của người điều khiển phương tiện giao thông.

Nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sớm đưa ra tiêu chí “chuẩn” phù hợp về nồng độ cồn giới hạn khi tham gia giao thông để bảo đảm sinh hoạt bình thường của người dân, không gây tổn thất vật chất, tinh thần, tạo nên những bức xúc không đáng có cho người dân…

Nguồn: [Link nguồn]

Hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về quy định nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIẾT LONG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN