Điểm mặt tàu ngầm của các nước châu Á (tiếp)

Châu Á – Thái Bình Dương hiện là khu vực đang chứng kiến nhiều chương trình lớn mở rộng số lượng và khả năng hoạt động của các tàu ngầm.

Thái Lan

Theo xu thế các nước láng giềng, Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) cũng đang cân nhắc mua thêm tàu ngầm. Tháng 3/2011, một sỹ quan hải quân Thái Lan đã đề cập tới việc mua hai tàu ngầm Type 206A đã qua sử dụng từ Hải quân Đức với giá mặc cả là 220 triệu USD. Mặc dù vậy, vẫn chưa rõ liệu Quốc hội Thái Lan có phê chuẩn kế hoạch này.

Điểm mặt tàu ngầm của các nước châu Á (tiếp) - 1

Tàu ngầm Type 206A đã qua sử dụng của Hải quân Đức mà Thái Lan định mua

Tháng 10 năm ngoái, Tư lệnh hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết RTN sẽ tiếp tục thúc ép Quốc hội về việc mua tàu ngầm. Tuy nhiên, các khả năng của quân đội Thái Lan không phải lúc nào cũng đáp ứng được tham vọng của họ. Nguy cơ hiện hữu nhất là bất cứ tàu ngầm nào trong tương lai, có thể, cuối cùng sẽ chịu chung số phận nằm yên trong cảng giống như tàu sân bay mà nước này từng mua của Tây Ban Nha.

Indonesia

Một nước nữa cũng đang phấn đấu nâng cấp hạm đội tác chiến ngầm của mình là Indonesia, quốc gia đã mua hai tàu ngầm lớp Chakra (Type 209/1300) từ Đức năm 1981. Tháng 12/2011, Indonesia ký một hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD với công ty đóng tàu và kỹ thuật biển Daewoo (DSME) để mua 3 tàu Type 209/1200. Bộ 3 này sẽ được chuyển giao cho Indonesia vào năm 2020, với 2 chiếc đầu tiên đóng tại Hàn Quốc và chiếc thứ ba sẽ được đóng trong nước bởi Viện kỹ thuật hải quân Indonesia. Đảo quốc này thậm chí còn muốn sở hữu số tàu ngầm nhiều hơn nữa.

Điểm mặt tàu ngầm của các nước châu Á (tiếp) - 2

Tháng 12/2011, Indonesia ký hợp đồng 1,1 tỷ USD mua 3 tàu Type 209/1200 của Hàn Quốc

Các quan chức Hải quân Indonesia từng đề cập tới con số 12, tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi số tiền nhiều hơn hiện có. Xét tới thực tế Indonesia nằm ở vị trí gần Eo biển chiến lược Malacca, việc mua bán này sẽ mang lại cho Jakarta tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực.

Việt Nam

Tháng 12/2009, Việt Nam đã đặt mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo (Project 636) cùng các vũ khí, trang thiết bị đi kèm với giá 3,2 tỷ USD. Các tàu này sẽ được đóng tại Nga với mật độ trung bình mỗi năm một chiếc và chiếc đầu tiên sẽ được chuyển giao trong năm tới.

Điểm mặt tàu ngầm của các nước châu Á (tiếp) - 3

Tàu ngầm lớp Kilo (Project 636) mà Việt Nam sẽ mua của Nga

Với 6 tàu ngầm có khả năng bắn tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM), Hải quân Việt Nam đã đạt một bước tiến lớn. Hiện một căn cứ tàu ngầm đang được Việt Nam xây dựng tại Cam Ranh, Khánh Hòa với sự trợ giúp của phía Nga.

Ấn Độ

Ngày 23/1/2012, Ấn Độ tái gia nhập câu lạc bộ 6 quốc gia đầu tiên sở hữu tàu ngầm hạt nhân (SSBN). Để giúp các thủy thủ quen với SSBN, Hải quân Ấn Độ (IN) đã thuê của Nga tàu ngầm lớp Akula (Project 971) trọng lượng 8.140 tấn trong vòng 10 năm với giá xấp xỉ 1 tỷ USD. Được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) Klub-S (một dạng tên lửa cải tiến cho các tàu Kilo của Ấn Độ), INS Chakra đã cập cảng Visakhapatnam hồi đầu tháng 4. Ấn Độ hiện đang đàm phán với Nga thuê thêm một chiếc Akula nữa.

Điểm mặt tàu ngầm của các nước châu Á (tiếp) - 4

Tàu ngầm INS Chakra được Ấn Độ thuê của Nga trong 10 năm

Dựa trên công nghệ Nga, SSBN nội địa đầu tiên do Ấn Độ tự thiết kế đã được hạ thủy ngày 26/7/2009 theo chương trình đóng tàu công nghệ cao (ATV) của nước này. Chiếc Arihant 6.000 tấn dự kiến sẽ bắt đầu chạy thử trên biển và sẽ mang theo 12 tên lửa đạn đạo K-15 (tầm bắn 750km) hoặc 4 tên lửa K-4 ( tầm bắn 3.500km) phát triển trên nền tảng tên lửa Agni-III. Ấn Độ dự kiến sẽ vận hành 5 tàu ngầm hạt nhân vào năm 2020, gồm hai chiếc thuê của Nga và ba chiếc lớp Arihant.

Ngoài ra, Ấn Độ vẫn còn 14 tàu ngầm thông thường khác đã có tuổi. Nước này đang hiện đại hóa 10 tàu ngầm lớp Sindhughosh (Kilo/Project 877EKM) đã đưa vào sử dụng từ 1986 - 2000 với phần lớn các thiết bị được nội địa hóa. Số còn lại là 4 chiếc lớp Shishumar (Type 209/1500) cũ hơn. Tuy nhiên, hạm đội tàu điện – diesel này dự kiến sẽ được Ấn Độ nhanh chóng thay thế trong thập kỷ tới.

Thực hiện kế hoạch hiện đại hóa, Ấn Độ đã đặt hàng 6 tàu ngầm Scorpène Project 75 với hệ thống cung cấp động lực không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) MESMA do công ty Mazagon Dock chế tạo ở Mumbai. Các tàu này sẽ được trang bị thủy lôi Black Shark và tên lửa Exocet. Chiếc đầu tiên dự tính sẽ được chuyển giao năm 2015. Tuy nhiên, các tàu Scorpènes này mới chỉ là sự khởi đầu vì năm ngoái, Ấn Độ đã gửi đề xuất cung cấp thông tin đến các công ty DCNS, Navantia, Rubin và HDW cho 6 tàu ngầm thuộc Project 75I trị giá 6 tỷ USD. Các tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos dự đoán sẽ được tích hợp với loại tàu này.

Pakistan

Pakistan thành lập liên độ tàu ngầm năm 1964. Liên đội này có 3 tàu ngầm điện – diesel lớp Khalid (Agosta 90B), trong đó chiếc thứ nhất và chiếc thứ 2 được lắp ráp tại Karachi. Chiếc Agosta 90B 1.980 tấn cuối cùng được trang bị hệ thống cung cấp động lực không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) MESMA, thiết bị cũng đang được nâng cấp cho hai tàu đầu tiên.

Điểm mặt tàu ngầm của các nước châu Á (tiếp) - 5

Hamza, 1 trong 3 tàu ngầm lớp Khalid (Agosta 90B) của Pakistan

Hải quân Pakistan cũng đã đặt hàng 2 chiếc Agosta 70 cũ hơn và tháng 6/2010, công ty DCNS của Pháp đã nhận được hợp đồng nâng cấp chúng bằng hệ thống tác chiến tích hợp cho tàu ngầm (SUBTICS). Năm 2006, Pakistan tuyên bố mua các tàu ngầm tấn công SSK (Pháp) để thay thế cho những chiếc Agosta 70. Dù gần đạt thỏa thuận mua 3 tàu Type 214 của Đức, Pakistan lại quay sang hợp tác với Trung Quốc để mua tới 6 tàu ngầm có trang bị AIP. Trong đó, được biết 4 chiếc sẽ đóng tại Trung Quốc và 2 chiếc cuối sẽ đóng tại Pakistan.

Australia

Một cường quốc tàu ngầm nữa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Australia. Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) hiện đang vận hành 6 tàu ngầm lớp Collins với vòng đời sử dụng sẽ hết hạn vào 2026. RAN đang tìm cách thay thế bằng các tàu ngầm tự thiết kế trong nước theo dự án SEA 1000. Sách trắng Quốc phòng 2009 của Australia tái khẳng định ý định việc tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm hiện nay lên con số 12 từ năm 2025. Lớp tàu ngầm mới sẽ lớn hơn, hoạt động tĩnh lặng hơn, ở tầm xa hơn, nhanh hơn và trang bị tốt hơn so với các tàu ngầm hiện nay.

Điểm mặt tàu ngầm của các nước châu Á (tiếp) - 6

Một tàu ngầm lớp Collins của Australia

Châu Á – Thái Bình Dương hiện là khu vực đang chứng kiến nhiều chương trình lớn mở rộng số lượng và khả năng hoạt động của các tàu ngầm. Thị trường khu vực này dự kiến đạt tổng giá trị 44 tỷ USD từ nay đến 2021 (chiếm 23,6% tổng thị phần quốc tế). Con số này rõ ràng sẽ có những tác động to lớn tới tác chiến ngầm trong khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN