Dịch vụ công: 80% dân hài lòng!

Kết quả bất ngờ này do Bộ Nội vụ và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp khảo sát thí điểm tại 3 địa phương: Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Định.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ công lần đầu được công bố ngày 20/8 đã khiến rất nhiều người băn khoăn bởi tính xác thực. Băn khoăn bởi có thông tin cho rằng người tham gia khảo sát được trả thù lao, trình độ văn hóa hạn chế nên khi trả lời theo bảng hỏi đã phải hỏi lại cán bộ, phát phiếu điều tra nhầm đối tượng...

Vượt xa mục tiêu cải cách

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, việc cải cách hành chính đã đạt được những kết quả bước đầu. “Chương trình cải cách của nhà nước đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 60% sự hài lòng của người dân với cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2015, đạt 80% vào năm 2020” - ông Dĩnh cho biết.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở 3 địa phương đầu tiên là Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định đã vượt xa mục tiêu của Bộ Nội vụ. Đại diện UBND tỉnh Phú Thọ cho biết tổng hợp sơ bộ từ kết quả khảo sát ở địa phương này cho thấy tỉ lệ người trả lời phỏng vấn thể hiện sự hài lòng đối với các loại dịch vụ hành chính công là 86%. Trong đó, cao nhất là dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - trên 89% hài lòng; tiếp đến là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể, cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của hộ gia đình - 88,1%; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp - 79,3%.

Tại tỉnh Bình Định, tỉ lệ hộ gia đình “rất hài lòng” và “khá hài lòng” đạt tới khoảng 93%, “không hài lòng” chỉ chiếm 5,47% và “rất không hài lòng” là gần 0,5%.

Ở Thanh Hóa, theo ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, có gần 83% người dân trả lời “rất hài lòng” và “hài lòng” với các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, 80,8% “hài lòng” với việc quản lý trong lĩnh vực xây dựng và chỉ có 4% “không hài lòng” hoặc “không cho ý kiến”.

Dịch vụ công: 80% dân hài lòng! - 1

Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa có tỉ lệ người dân hài lòng thấp nhất ở tỉnh này nhưng vẫn có tới 72% người dân “hài lòng” và “rất hài lòng” Ảnh: Tuấn Minh

Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa - nơi đã để xảy ra tai biến sản khoa chết người, gây bất bình dư luận thời gian qua - dù kết quả đánh giá có tỉ lệ hài lòng thấp nhất nhưng vẫn có tới 72% người dân “hài lòng” và “rất hài lòng” với dịch vụ tại đây. Gần 70% số người được hỏi có nhiều cảm tình với đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện này!

Trả lời thay, khảo sát một thể...

TS Nguyễn Khắc Hùng, chuyên gia của WB tại Việt Nam, cho biết 3 địa phương nêu trên đã giao cho các đơn vị độc lập, có khả năng để tiến hành cuộc khảo sát nhằm bảo đảm tính chân thực, khách quan nhất. Cụ thể, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao cho Cục Thống kê thực hiện, tỉnh Thanh Hóa giao Khoa Khoa học Xã hội Trường Đại học Hồng Đức, còn tỉnh Bình Định giao cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin.

Đại diện UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng đã tiến hành phúc tra kết quả khảo sát và các hộ gia đình đều xác nhận có điều tra viên đến phỏng vấn, lấy ý kiến trực tiếp. “Việc phỏng vấn và chi trả chế độ cho đối tượng khảo sát được thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng được phỏng vấn, đúng thời gian nghiên cứu là năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014” - vị này khẳng định.

Tuy nhiên, theo đại diện UBND tỉnh Phú Thọ, 34,8% số người được phỏng vấn hiện sinh sống tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng khó khăn nên khả năng tiếp cận các kênh thông tin công nghệ cao rất hạn chế. Họ thường lựa chọn phương án hỏi các cán bộ, công chức có liên quan.

Trong khi đó, kết quả khảo sát về mức hài lòng trong lĩnh vực văn hóa ở tỉnh Thanh Hóa cho thấy người tham gia có trình độ học vấn thấp, khó trả lời chính xác hết nội dung câu hỏi. Vì vậy, nội dung trả lời dễ bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người xung quanh...

TS Nguyễn Khắc Hùng cũng cho rằng việc chọn mẫu trong khảo sát phải bảo đảm được tính ngẫu nhiên và đại diện. Tuy nhiên, qua phúc tra đã phát hiện việc khảo sát nhầm đối tượng. Có trường hợp bố vắng nhà nên con trả lời thay hoặc mời nhiều người lên UBND xã rồi tiến hành “khảo sát một thể”... 

Mới chỉ là thí điểm

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết đây mới chỉ là khảo sát của WB, còn bộ đang triển khai trên cả nước với 6 lĩnh vực, vì thế sẽ khách quan hơn. Đây cũng mới chỉ là thí điểm nên chưa thể nói gì được. Kết quả khảo sát còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có việc chọn mẫu khảo sát. Số lượng mẫu càng lớn thì tính chính xác càng cao nhưng điều này sẽ rất tốn kém.

Về việc liệu cuộc khảo sát có khách quan khi trả thù lao cho người dân tham gia, ông Dĩnh cho rằng vẫn bảo đảm. “Kinh phí này do WB hỗ trợ và các tỉnh cũng phải bỏ ra để thực hiện nữa” - ông cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN