"Dị nhân" ở Hòa Bình

Sinh ra và lớn lên ở xứ Mường Động (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), “dị nhân” Bạch Chí Tình (SN 1956) làm được những điều mà người bình thường không dễ làm được: Tự chữa khỏi bệnh nan y khi mới 12 tuổi, trở thành vận động viên điền kinh khi bị bệnh tim bẩm sinh, làm ca sĩ và có thể chơi được hầu hết các nhạc cụ, có thời kỳ trở thành đại gia phố núi...

Cuộc đời ông lắm tài nhưng cũng nhiều tật, nên thời trai trẻ “hoành tráng” bao nhiêu thì về già tủi cực bấy nhiêu. Hiện nay, ông đang sống một mình trong căn nhà cấp 4 xập xệ ở Bãi Chạo, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

12 tuổi, tự chữa khỏi bệnh nan y bằng thuốc trong rừng

Cuối năm 2012, trong một lần tham gia lễ hội tại một xã vùng cao tỉnh Hòa Bình, chúng tôi giật mình khi gặp lại “nghệ sĩ Y Moan” đang biểu diễn. Điều mà ai cũng biết người nghệ sĩ này đã qua đời vào ngày 1/10/2010. Qua những cán bộ ở địa phương, chúng tôi cũng đã biết được “bản sao” của nghệ sĩ Y Moan kia là ai. Ông tên thật là Bạch Chí Tình, với biệt danh “Y Cớt Tình” và điều đặc biệt là ông cũng chọn những ca khúc biểu diễn đều là nhạc của Nguyễn Cường và phong cách biểu diễn thì y trang Y Moan, nên người ta vẫn gọi ông với cái tên đầy trìu mến “nghệ sĩ Y Moan của núi rừng Tây Bắc”.

Bẵng đi một thời gian, mới đây trong một chuyến công tác, chúng tôi mới có dịp về thăm người nghệ sĩ đặc biệt này. Người dân ở khu vực ngã ba Bãi Chạo tận tình chỉ cho chúng tôi đường vào nhà của “ông Tình nuôi lợn Mán” - bởi nghề chính hiện nay của ông là chăn nuôi lợn - cách đường lớn khoảng hơn cây số. Ông ra tận cổng đón khách, rồi dẫn chúng tôi vào một căn nhà cấp 4 xập xệ. Bên trong dù đầy đủ tiện nghi nhưng đồ đạc thì vô cùng bừa bộn, hôi hám. Phía bên trong là hai dãy chuồng lợn với 6 nái sề và vài chục lợn con lúc nhúc phía dưới, rồi ngan, gà, vịt được ông nuôi chung với nhau. Theo lời ông nói thì “các con và vợ ông sống ở ngôi nhà ngay mặt đường cái, nhưng vợ chồng không hợp nhau nên ông ở luôn trong này, vừa tự do thoải mái lại dễ bù khú với đám bạn bè “văn nghệ sĩ”.

Cũng như những lần tiếp khách trước, ông chuẩn bị sẵn đồ nhậu để thết đãi chúng tôi. Đồ nhậu của ông là những thứ có sẵn, do tự tay ông nuôi trồng được như gà trong chuồng, cá dưới ao, măng, rau trong vườn. Người em gái bán tạp hóa nghe nói ông có khách đã mang cho ông anh chục lon bia lạnh cùng đồ ăn, nhưng ông chỉ nhận bia vì đồ ăn ông đã chuẩn bị rồi. So với lần gặp trước, lần này ông tỏ ra là một lão nông chi điền, đang vui cảnh điền viên hơn là dáng dấp của người nghệ sĩ. Với sự chân thành của người dân tộc vùng cao, chúng tôi cảm thấy ông dễ gần, dễ mến và bộc tuệch hơn trong cách ăn nói, chuyện trò.

Ông tâm sự: “Tôi sống một mình ở đây đã nhiều năm và điều quan trọng là cảm thấy thoải mái. Ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng lòng tôi rất rộng, tính tôi rất thanh niên. Vì vậy, cánh thanh niên trong và ngoài làng vẫn thỉnh thoảng đến chơi, nghe tôi hát và thổi sáo. Nhiều cô cậu tối thứ bảy, chủ nhật còn tranh thủ đến nhờ và tôi dạy đàn, sáo, nhị, đánh cồng chiêng... miễn phí”. Ngôi nhà nhỏ này chẳng mấy khi thiếu vắng tiếng hát, tiếng chiêng, tiếng sáo, bởi cứ thích hát là tha hồ thể hiện, thích thổi sáo, đánh đàn, thậm chí là treo cả giàn cồng chiêng lên đánh râm ran cả tiếng đồng hồ cũng chẳng làm phiền đến ai.

"Dị nhân" ở Hòa Bình - 1

Chân dung Bạch Chí Tình

Sinh năm 1956, là con thứ năm trong một gia đình vốn dòng dõi quan lang ở xứ Mường Động (“Nhất Pi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”) ở Kim Bôi, Hòa Bình. Từ lúc lọt lòng mẹ, cậu bé Bạch Chí Tình đã không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Những lúc bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy, vui đùa thì Tình chỉ ngồi thui thủi một góc. Thời thơ ấu của cậu chỉ gắn với bệnh tật, nay bệnh viện này, mai bệnh viện khác. Kết quả ở tất cả cách bệnh viện đều giống nhau khi kết luận cậu bị bệnh hở van tim 2 lá (vào thời kỳ đó người mắc phải bệnh này cũng coi như căn bệnh nan y, vô phương cứu chữa). Sau nhiều năm, trâu bò, lợn gà trong nhà cũng dần đội nón ra đi vì căn bệnh của cậu.

Khoảng năm 1968, khi đó Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, các bệnh viện phải dần sơ tán về các tỉnh. Lúc đó, cậu bé Tình 12 tuổi và bệnh tật ngày càng nặng hơn, trước đây còn đi lại được nay chỉ nằm một chỗ, người chỉ còn da bọc xương. Bệnh viện lắc đầu, bố mẹ đành gạt nước mắt đưa con về “chờ chết”. Sự sống thoi thóp từng ngày, hơi thở yếu ớt dần cứ “3 nhịp thở thì 1 nhịp tắc”. “Tôi có thể cảm nhận được phần từ thắt lưng xuống đến chân tê cứng, cấu vào thịt không thấy đau, mà sau này tôi mới biết là mình đã chết một nửa người. Mỗi buổi tối tôi đều bắt bà nội bế ra ngoài sân để nhìn ánh trăng, vì sợ khi chết đi không còn được nhìn thấy nữa” - ông Tình kể.

Một hôm đang nằm ngắm trăng, cậu bé Tình bỗng nhớ tới ông nội và nhớ tới những vị thuốc mà ngày nhỏ thường hay bên ông xem ông bốc thuốc cho mọi người trong bản. Như có điều mách bảo, ngay sáng hôm sau Tình nói trong hơi thở mệt nhọc, bắt bằng được bà nội lên khu rừng trước nhà lấy cho những vị thuốc gồm: Cùn gấc, ngái, xạ đen, xạ vàng về rửa sạch rồi cho vào 2 nồi đổ đầy nước đun. Một nồi đun sôi kỹ để xông cơ thể rồi tắm toàn thân, còn một nồi đun cho tới khi cạn chỉ còn một chén nước nhỏ để uống.

“Lúc đó, tôi khao khát sống hơn bao giờ hết. Mặc dù nằm liệt giường nhưng tôi vẫn cố uống thuốc, nhờ bà, mẹ xông tắm hằng ngày rồi lại gắng gượng húp từng thìa cháo” - ông Tình nhớ lại. Cho dù không thể nuốt được nữa, nhưng Tình vẫn bảo bà, mẹ nấu thêm để húp lấy nước. Từ chỗ chết nửa người, cậu bé Tình dần cảm nhận được mạch máu đã bắt lưu thông trên toàn cơ thể, cậu càng cố gắng nhiều hơn. Những lúc sáng sớm, Tình còn bắt mọi người đưa ra nằm dưới sân sưởi nắng để hấp thụ thêm sức sống.

Sau khoảng 3 tháng thì cậu bé Tình có thể bước khỏi giường, dò dẫm bước đi trước con mắt thán phục của mọi người và cũng khoảng bằng đó thời gian, sức khỏe của Tình dần hồi phục như một điều thần kỳ. Biết mình thoát chết, cậu bé Tình không chỉ thường xuyên dùng bài thuốc do chính mình tìm ra, mà còn chăm chỉ tập luyện thể dục. “Thật kỳ diệu, tôi có thể sống sót trong sự kinh ngạc của gia đình, bởi căn bệnh này đến bệnh viện lúc đó cũng còn bó tay. Nhờ sự khao khát sống mà tôi đã sống sót đến tận bây giờ” - ông Tình chia sẻ. Khi bệnh tật thuyên giảm, Bạch Chí Tình lại tiếp tục theo học và đã học văn hóa hết cấp II, lúc đó là lớp 7.

Bệnh tim vẫn nhập ngũ, còn đoạt giải… điền kinh

Năm 1976, ông tham gia quân đội lúc 20 tuổi. Sau thời gian huấn luyện ông được phân về Trung đoàn 220, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (đóng quân tại Đại Mỗ, Hà Nội). Trong thời gian ở quân đội, ngoài việc luyện tập thao trường, ông thấy nhiều anh em trong đơn vị bị bệnh mà thời kỳ đó thuốc thang khan hiếm, phải nằm bệnh xá thì mới được phát thuốc. Vốn biết về cây thuốc nam, ông đã không thể khoanh tay đúng nhìn trước bệnh tật của anh em hằng ngày vẫn ăn ở, luyện tập cùng nhau.

"Dị nhân" ở Hòa Bình - 2

Giới thiệu giàn cồng chiêng quý

“Hôm đó cả đơn vị bị ngộ độc, trong lúc chờ xe và y tá trên quân đoàn xuống, tôi đã đi lấy cây nhọ nồi mọc quanh đơn vị, giã nhỏ lấy nước cho anh em uống. Mọi người nôn được hết chất độc ra ngoài, thế là khỏi, đến khi đoàn quân y xuống thì mọi người đã hoàn toàn khỏe mạnh” - ông Tình nhớ lại. Từ đó anh em trong đơn vị gọi ông bằng cái tên “Tình thuốc nam” là như vậy. Đi bộ đội, định bụng bỏ nghề bốc thuốc, nhưng như cái nghiệp, sau lần đó hết thủ trưởng đơn vị đến anh bạn cùng đơn vị đều nhờ Tình lấy thuốc để chữa bệnh. Tiếng lành vượt ra cả ngoài doanh trại, những người dân mỗi lần thấy Tình ra ngoài đều xúm đến nhờ anh “Tình thuốc nam” chữa bệnh cho.

Từ hồi nhỏ ông Tình đã biết chơi nhiều thứ nhạc cụ, nhất là sáo vì vừa dễ mang theo lại ai cũng thích vì âm điệu dân gian, dễ hiểu. “Hồi đó, khi đi hái thuốc tôi thường đem theo một cây sáo để thổi. Khi chỉ nghe thấy tiếng sáo thì dân làng đã ra đón rồi. Có gia đình, người thân khỏi bệnh còn giết con lợn cả tạ khao anh em chúng tôi” - ông Tình kể lại.

Trong thời gian ở quân đội, ông Tình còn nhớ rất rõ một kỷ niệm mà đến nay ông vẫn không hiểu vì sao mình lại có thể làm được như vậy. Một lần trung đoàn tổ chức thi điền kinh để cổ vũ phong trào rèn luyện thể dục, thể thao cho các chiến sĩ. Tất nhiên, biết mình bị bệnh không thể chạy điền kinh, nhưng thường ngày ông Tình vẫn luyện tập chăm chỉ cùng đồng đội. Hôm đó, vận động viên của đơn vị bị cúm từ đêm hôm trước nên không thể thi đấu. Tiểu đội trưởng Hoàng Đảm đang loay hoay chưa biết tìm ai thay thế, thì ông buột miệng nói “chạy như vậy thì thua tôi chắc”. Nghe được câu nói, tiểu đội trưởng đã hỏi lại, biết mình lỡ lời nhưng trước không khí cuồng nhiệt ông đánh liều vào đường đua.

“Sau khi chạy được vài vòng thì thấy các anh em khác vượt lên dẫn đầu cả vòng sân. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì chạy. Càng về những vòng cuối thì các anh em khác càng bị đuối sức và tụt lại. Lúc đó tôi mới dồn sức để chạy lên dẫn đầu và vượt xa họ. Tôi đã chiến thắng trong cuộc thi chạy đường dài ngoạn mục, khi bỏ xa các đối thủ khác cả vòng sân. Phần thưởng lúc đó chỉ là chiếc khăn mùi xoa tượng trưng, nhưng tôi thấy mình đã chiến thắng được bệnh tật” - ông Tình nhớ lại.

Chiếm trái tim người yêu của… sếp!


Còn một câu chuyện nữa trong thời kỳ đi lính, khi đó Tình đã trở thành người được cả đơn vị yêu mến. Lúc đó, anh Tiểu đội trưởng Hoàng Đảm thích một thiếu nữ tên Mai gần đơn vị trong làng Đại Mỗ, hai anh em cũng hay đi chơi cùng nhau. Một lần mẹ của Mai bị trúng gió, bất động toàn thân (mà y học gọi là tai biến mạch máu não - PV). Đang luống cuống không biết phải xử lý thế nào thì hai anh em vừa đến nhà chơi. Xem qua tình trạng của mẹ Mai, Tình nói bệnh có thể chữa được, không cần phải đưa đi viện.

Dù không tin nhưng biết Tình có tay nghề thuốc nam, lại đã chữa trị nhiều ca bệnh nên Mai và Huỳnh Đảm đồng ý. Sau khi dùng gừng đập nhỏ bóp với rượu xoa bóp toàn thân và cho bệnh nhân uống, những ngày sau đó ông dùng các vị thuốc nam kết hợp vừa uống, vừa xông, vừa tắm. Chỉ mất hơn 1 tuần nằm bẹp, bà cụ đã ngồi dậy tự làm được những công việc nhẹ nhàng hằng ngày. Sau nửa tháng thì cụ đã trở lại hoàn toàn bình thường và ăn ngủ tốt hơn cả lúc trước khi bị bệnh.

Điều trớ trêu là sau đó, Mai đã từ chối tình cảm của Hoàng Đảm để xin được “nguyện đời vì anh” với Tình vì đã cứu mẹ cô thoát khỏi bàn tay tử thần, hoặc ít nhất cũng là toàn thân bất toại. Điều đó đã gây ra sự hiểu lầm tình bạn giữa 2 người, cho dù Tình ra sức khuyên Mai, nhưng cô nhất quyết không chịu.

Không lâu sau chiến sĩ Tình cũng xin ra quân khi hết thời hạn, cho dù nhiều thủ trưởng đã đến gặp và đặt vấn đề muốn chuyển Tình sang lính chuyên nghiệp gắn bó cuộc đời với quân đội, nhưng Tình đã thẳng thắn từ chối. Khi có quyết định hôm trước, thì ngay hôm sau Tình đã lên xe về quê. Thực ra, đó cũng là sự trốn chạy trước tình yêu của Mai, vì Tình cảm thấy có lỗi với người bạn thân Hoàng Đảm và từ đó không bao giờ ông gặp lại cả 2 người nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Doãn Kiên - Thanh Tâm (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN