Đến nơi phải cười trong đám tang
Cơn mưa vội đêm qua không làm ướt khúc ca hân hoan của bản Đá Đen (huyện Mù Cang Chải- Yên Bái). Những bát rượu vẫn vơi - đầy, tiếng khèn vẫn réo rắt, xạc xào những tầng mây. Những ngày này, bản Đá Đen say trong niềm vui kỳ lạ: niềm vui vì một cái chết.
Không vui sao được, bởi sau những ngày đau ốm, Vàng Xú Rùa giờ đã lên Giàng, quần tụ với tổ tiên.
Uống mừng người về với tổ tiên
Nằm chót vót giữa lưng đèo Khau Phạ (một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam), bản Đá Đen (Yên Bái) hoang sơ như cổ tích. Những khung cảnh thường tình tưởng chừng như đã bước qua ta cả thế kỷ hiện về trong mây sớm: một vài mái nhà cấp 4 lúp xúp lẩn khuất sau áng mây phiêu bồng, vài con lợn đeo gông ngúng nguẩy chạy dọc con đường đá hộc bầm dập dấu chân người, tiếng khèn vắt vẻo lưng non, tiếng cười giòn tan nắng mới... Một khung cảnh bình yên đến lạ.
Vàng Quang Trung phẩy phẩy cái que tre đuổi lũ nhặng rồi lấy chai rượu bên cạnh một hình nhân. Rót đầy bát, cậu trai người Mông tít mắt cười: “Bọn mày là khách, đến chơi đúng ngày vui của nhà tao. Tao là cháu bác Rùa. Đây là rượu của bác. Qua ba ngày rồi, chắc lúc này bác đã đến nơi rồi. Bọn mày uống một bát mừng cho bác”.
Tiếng khèn Mông rộn ràng trong đám tang
Người vùng cao, hễ gặp nhau là uống. Thì uống. Nốc cạn bát rượu nồng hơi gạo Tú Lệ, bắt tay giật giật với cậu trai bản Đá Đen, tôi quay sang hỏi: “Thế anh Rùa bản mình được đi đâu mà bản mình tổ chức lễ hội to thế?”. – “À, cái hồn bác ấy được lên Giàng rồi. Còn cái xác đây”, vừa nói, cậu vừa cười hỉ hả chỉ tay vào cái mà tôi ngỡ là hình nhân lúc trước.
Xác Vàng Xú Rùa được cột trên một dàn tre. Phần đầu dàn tre là một xô cơm và một chai rượu gạo. Vàng Quang Trung cho hay, xô cơm là để người sống thể hiện niềm tri ân với người đã khuất. Những người thân sẽ tới xúc cơm từ xô, bón vào miệng Rùa để anh ấm bụng lên đường. Còn chai rượu để người nhà thay mặt người đã mất, uống cảm tạ tấm lòng bạn hữu và chia vui với phần hồn anh đã được thoát kiếp. Con dao Rùa phạt nương rẫy, cái nỏ Rùa săn con thú cũng được khéo léo xếp vào cạnh thi thể “để lên đấy nó còn dùng”.
Vàng Quang Trung kể, trước đây, khi gia đình có người chết, người nhà vác súng kíp ra nổ liền ba phát lên trời để báo hiệu. Nhưng giờ, không được dùng súng nữa, nên khi bác Rùa mất, một người họ hàng ra gõ một hồi trống làm hiệu cho bản biết. Trong lúc đó, người nhà tắm rửa cho người chết, thay quần áo mới để diện khi đoàn tụ với tổ tiên. Đồng thời, những người thân trong gia đình cũng gom góp của cải để người chết lấy vốn làm ăn khi đi xa. Con cái thường dâng cha mẹ một thồ thóc, con lợn; bên ngoại sẽ thuê một chủ hát “chí sù sình” để lo liệu tang lễ; hàng xóm, bạn bè thường mang rượu, hương và thóc đến cùng gia đình góp cho người đi.
Kế đó, các lễ theo phong tục lần lượt được tiến hành: lễ “treo sáng đù” (giao lễ vật), “nùng chàn gì” (lễ hỏi đáp), “tiu rìa kềnh”, “gẩu trùng”... rồi đến lễ “nhù đăng” (mổ trâu). Theo phong tục người H’ Mông, khi một người “theo trăng gió đi xa”, gia đình sẽ mổ một con trâu to. Trước là để cúng thần linh, ma quỷ, sau là để cả bản ăn mừng cho... người chết.
Hôm nay là ngày thứ ba của đám tang, cũng là ngày cuối cùng giữ thi hài Vàng Xú Rùa lại bản. Anh em, bạn bè của Rùa dốc nốt những vò rượu đã gần cạn để “uống cho thỏa những ngày thương mến đã qua, uống cho vừa những ngày xa nhau sắp tới”.
Cái lý người Mông
Trong cái đám ma “tươi” đó, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước thái độ ứng xử của dân bản với cái chết của Vàng Xú Rùa. Họ vui đùa, rượu thịt, nhảy múa, khèn ca tưng bừng ngay cạnh xác anh như thể đang trong ngày hội. Tại sao người ta lại hả hê với cái chết của Rùa đến thế? Hồi còn sống anh ta ăn ở thế nào? Cái chết đến với anh ra sao? Hay bệnh tật của Rùa kéo dài khiến gia đình anh chạy chữa khuynh gia bại sản?... Một loạt câu hỏi luẩn quẩn trong đầu và chuỗi dài suy tưởng.
Trưởng bản Chang Blà Tòng bên “phần xác” Vàng Xú Rùa
Tôi đánh bạo mang những khúc mắc hỏi trưởng bản Chang Blà Tòng. Lão cười khà, rồi chầm chậm trả lời bằng chất giọng chắc nịch, đặc quánh: “Cái bụng thằng Rùa tốt. Nó thương vợ, thương con, thương dân bản. Ai cũng quý mến nó. Nó chết vì tai biến nên cũng chẳng phải chạy chữa lâu. Tao còn không kịp mời thầy mo về”.
“Nhưng dù có “làm lý” hay không thì trăm đời nay, nghìn đời nay, người Mông vẫn vậy. Cái chết với bọn tao không phải là hết. Ăn ở tốt như thằng Rùa, chết sẽ được lên Giàng. Rồi sang kiếp mới khỏe mạnh, sung sướng. Nên nếu mến thằng Rùa thì trong đám ma nó phải thật vui. Mày là khách, hôm nay đến đây đúng ngày này, mày cũng phải cười nhiều vào. Người sống cười hộ người chết mà”.
Tợp một ngụm rượu cay xè, lão tiếp tục tâm tình: “Có đợt nghe phổ biến, người ta bảo phong tục ma chay của bọn tao là hủ tục, nếp nghĩ của bọn tao không hợp nếp sống mới, phải thay đổi, tao thấy buồn lắm. Tao không hiểu biết nhiều, nhưng theo tao, đã là văn hóa, phong tục phải đa dạng và có truyền thống. Chứ bỏ tục lệ cả nghìn năm, tang ma như nơi khác, nghe kỳ lạ quá!”. Nói đoạn, lão nhìn xa xăm vào đám trai gái đang đội ô, múa khèn.
Theo quan niệm của người Mông, tiếng khèn là sợi dây vô hình kết nối những linh hồn. Trong suốt quãng thời gian chúng tôi trò chuyện, ngay cạnh xác Vàng Xú Rùa, đám trai bản vẫn thay nhau múa khèn, thi thố tài năng trước các cô gái. Tiếng khèn lúc rộn ràng hoan ca, lúc “hổn hển như lời của nước mây” làm chín hồng đôi má của những thiếu nữ Mông. Tiếng khèn vang từ quả núi này sang quả núi kia, vang xa hơn tiếng con nước Nậm Đông đập vào vách đá, xa hơn tiếng vó ngựa nện lưng trời...
“Đám tang của người Mông là ngày hội vui. Cái chết của thằng Rùa là cái cớ để bọn trẻ nên vợ nên chồng rồi sinh con đẻ cái. Thế thôi, cuộc đời vẫn trôi.”- lão Tòng vừa chiêm nghiệm vừa phóng tầm mắt nhìn đám mây trắng đang bảng lảng trôi trên đỉnh trời Khau Phạ, nơi sẽ chôn cất Vàng Xú Rùa.