Đề xuất thí điểm "không hết ngập, không lấy tiền"
Công ty Quang Trung khẳng định chỉ 5 triệu đồng là đủ chống một trận ngập và giải pháp còn giải quyết được 70% tình trạng tắc cống thoát nước.
Chiều 28-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết trung tâm này ủng hộ đề xuất chống ngập mới theo cam kết “Không hết ngập, không lấy tiền” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là Công ty Quang Trung). “Ngày 27-9, đơn vị đề xuất phương án chống ngập đã có buổi làm việc với Sở GTVT và Trung tâm Chống ngập để trình bày một số vấn đề trước khi thực hiện chống ngập thí điểm theo cách tự bỏ tiền ra đầu tư, hiệu quả mới lấy tiền” - ông Công thông tin thêm.
Thí điểm ở nơi ngập nặng
Theo ông Công, Công ty Quang Trung cũng đã khảo sát hệ thống cống thoát nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Đây là khu vực ngập nặng song hiện chưa biết khi nào mới thực hiện dự án nâng cấp, chống ngập. Do đó, việc thực hiện chống ngập cho tuyến đường này rất thích hợp để thực hiện thí điểm phương án chống ngập theo đề xuất của Công ty Quang Trung.
Công ty Quang Trung cũng vừa email trả lời phóng viên Pháp Luật TP.HCM cho biết trước khi gửi phương án chống ngập cho Thành ủy TP.HCM, công ty đã tính toán và cân nhắc giải pháp phải đảm bảo các tiêu chí như sau: Giải pháp khoa học tối ưu để chống ngập, tận dụng hệ thống cống cũ, hạn chế ảnh hưởng đến nhà, các công trình của dân và công trình giao thông, điện, nước. Ngoài ra, chi phí đầu tư thấp nhất, tiết kiệm nhất. “Với phương án tiếp cận trên, Công ty Quang Trung sẽ giải quyết triệt để tình trạng úng lụt trong thời gian tối thiểu 20 năm với tỉ lệ giải quyết được 70% tình trạng tắc cống thoát nước ở địa bàn TP.HCM” - đại diện Công ty Quang Trung cam kết.
Đại diện công ty này cho biết đã nghiên cứu và thiết kế một hệ thống bơm hút công suất lớn để đặt tại các cửa xả nước của TP.HCM, nơi tiếp giáp với sông để hút tự động nước. Các loại tạp chất lẫn với nước gồm cây, que, lá, giẻ rách, tóc, đất đá (loại từ 0,2 kg trở lại) được bộ lọc rác tách ra tự động để đưa vào xe chuyên dụng mang đến nơi thu gom của TP.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, nơi dự kiến thí điểm chống ngập theo cách “không hết ngập, không lấy tiền”. Ảnh: TRUNG THANH
Nhiều khu vực ở TP.HCM liên tục bị ngập kinh khủng. Ảnh: TRUNG THANH
Ngồi phòng máy lạnh vẫn chống được ngập
Cũng theo Công ty Quang Trung, với hệ thống điều khiển thông minh kết hợp với cảm biến đo mực nước, hệ thống van một chiều (không cho nước ngoài sông chảy vào), người quản lý và điều khiển hệ thống bơm hút này có thể ngồi tại trung tâm (DCS) vẫn có thể điều khiển được hệ thống bơm hút và quan sát được hình ảnh thực tế một cách linh hoạt và chính xác. “Nếu thực hiện phương án chống ngập này, hằng năm TP.HCM giảm từ 60% đến 70% chi phí cho công tác nạo vét cống và thông cống” - Công ty Quang Trung cam kết thêm.
Tuy nhiên, đơn vị đề xuất chống ngập cũng cho rằng không phải cứ mang hệ thống chống ngập trên đặt vào các cửa cống xả là giải quyết được triệt để việc ngập lụt của TP.HCM mà cần phải có những nghiên cứu, khảo sát đi kèm.
Cụ thể, mỗi khu vực bị ngập lụt cần phải có việc nghiên cứu, khảo sát cụ thể như đo đạc cốt nền, khảo sát các hệ thống có sẵn, diện tích bị ngập, số dân, mật độ đô thị, cơ sở hạ tầng… Quan trọng nhất là phải khảo sát hệ thống cống có sẵn để đưa ra giải pháp cụ thể và lựa chọn công suất bơm phù hợp.
Kỷ luật nếu để lấn chiếm hệ thống thoát nước “Kể từ nay quận-huyện, xã-phường nào để xảy ra tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước thì bị kỷ luật trước UBND TP.HCM. Có nhiều trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước do lịch sử để lại, chúng ta phải mất thời gian, công sức để khôi phục thì không hà cớ gì để tình trạng này tiếp tục tái diễn”. Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh như trên khi đi kiểm tra tình trạng lấn chiếm hệ thống cống thoát nước ở quận 9 và Thủ Đức hôm 28-9. Theo ông Khoa, quận-huyện, xã-phường chịu trách nhiệm quản lý địa bàn nhưng quản lý lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng lấn chiếm kênh rạch, làm thu hẹp dòng chảy thì sẽ rất đáng để bị kỷ luật. Ngoài ra, ông Khoa cũng đề nghị quận Thủ Đức khen thưởng cho ông Lê Hoàng Sang, trưởng ban điều hành khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, vì ông Sang có công vận động người dân góp tiền nạo vét kênh rạch định kỳ ba lần/năm nhằm giúp khơi thông dòng chảy và góp phần tuyên truyền người dân không xả rác xuống kênh, rạch. Theo Trung tâm Chống ngập TP, ở quận 9 có bốn tuyến đường thường xuyên bị ngập nặng do mưa gồm: Xa lộ Hà Nội, Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp và Lã Xuân Oai. Báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy việc chống ngập ở các tuyến đường này đang rất chậm trễ, chỉ giải quyết tạm thời, chờ thực hiện dự án. Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết hạ tầng giao thông, thoát nước của quận rất kém. “Toàn quận có 50% số đường trong toàn quận (140 tuyến), hơn 90% số hẻm (800 tuyến) chưa có hệ thống cống thoát nước. Tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng thoát nước lại không theo kịp nhưng lại bị lấn chiếm nên ngập ngày càng nặng” - ông Tuấn Anh nói. TÁ LÂM |