Đề xuất các cặp vợ chồng được quyết định số con

“Bộ Y tế nên nới lỏng chính sách dân số bằng việc trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con”, GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số đề xuất.

Tại Lễ phát động tháng hành động quốc gia về dân số ngày 11/10, các chuyên gia dân số cho biết, hiện Việt Nam đang duy trì mức sinh từ 1,9-2 con/phụ nữ. Có ý kiến cho rằng, Bộ Y tế nên nới lỏng quy định “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con”.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số  lý giải, hiện nay do mức sinh của Việt Nam đang ở thấp và chúng ta đã đạt và duy trì được mục tiêu mức sinh thay thế (mỗi cặp vợ chồng có từ 1,9-2con) từ 2009 đến nay.

Đề xuất các cặp vợ chồng được quyết định số con - 1
 

GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số đề xuất Bộ Y tế nên nới lỏng chính sách dân số bằng việc trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con

Hơn nữa, sau hơn 5 năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, người dân Việt Nam đã được tuyên truyền và giáo dục rất tốt về kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phần lớn được giáo dục tốt, và trưởng thành nên nắm được chương trình kế hoạch hóa gia đình. Do vậy, nên nới lỏng chính sách dân số cho các cặp vợ chồng.

“Nên nới lỏng chính sách dân số bằng việc trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các năm sinh con”, GS. Nguyễn Đình Cử đề xuất.

Ông Cử cho rằng, nếu không nới lỏng chính sách sớm, mức sinh sẽ ngày càng thấp. Hơn nữa, nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng 4-2-1 giống như Trung Quốc (tức là cứ 4 người (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu. Điều này sẽ phản ánh tỷ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cũng cho biết, nếu mỗi phụ nữ chỉ sinh ít con rồi dừng lại không phải là xu hướng tiến bộ, mà ngược lại sẽ là một thảm họa của đất nước bởi sự suy thoái dân số trong tương lai gần.

“Chúng ta thử hình dung, những người trong độ tuổi lao động hiện nay, nguồn “dân số vàng” mai đây sẽ trở thành người già. Bù đắp lại lực lượng lao động đó là số lượng rất ít ỏi, người già đông hơn lực lượng lao động trẻ thì lấy ai làm ra của cải để nuôi sống xã hội?”, ông Nhạc lo ngại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN